EU siết quy định an toàn thực phẩm đối với nhiều loại nông sản
Đáng chú ý, mức MRL của Zoxamide trong rau diếp, xà lách, cải bó xôi được EU đề xuất giảm từ 30ppm xuống còn 0,01ppm (tương đương 3.000 lần). Theo đó, 0,01ppm là mức mặc định được EU áp dụng đối với các hoạt chất mà thị trường này chưa thiết lập MRL và không có trong cơ sở dữ liệu chung.
Zoxamide là thuốc diệt nấm được sử dụng để kiểm soát nhiều loại nấm, bao gồm cả bệnh cháy lá ở khoai tây và cà chua. Thuốc có tác dụng phòng ngừa với đặc tính tồn lưu và hoạt động bằng cách ức chế sự phân chia hạt nhân.
Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA) đánh giá không có độc tính cấp tính đáng kể nào được phát hiện về Zoxamide. Tuy nhiên, đây được xem là chất gây mẫn cảm da mạnh và có khả năng gây mẫn cảm khi hít phải.
Ảnh minh hoạ.
Ngược với rau diếp, xà lách, cải bó xôi, mức MRL của Zoxamide trên hành, tỏi, cà chua lại được EU nới lỏng. Riêng cà chua tăng 4 lần, từ 0,5ppm lên 2ppm. Ngoài ra, EU còn đề xuất điều chỉnh hoạt chất Fenbuconazole, Penconazole và Acetamiprid trên các sản phẩm như: gạo, hạt tiêu, cà phê, mật ong và một số rau củ quả.
Cụ thể, với hoạt chất Fenbuconazole và Penconazole, nhóm quả có múi và nhóm hạt như hạt điều, hạt mắc ca, gạo, đậu bắp... sẽ bị áp dụng nồng độ ở mức rất thấp, chỉ 0,01ppm. Còn cà phê, hạt tiêu và mật ong cùng mức 0,05ppm. Với hoạt chất Acetamiprid, sản phẩm chuối theo quy định cũ nồng độ 0,4ppm thì quy định mới là 0,01ppm; sản phẩm ớt chuông, ớt ngọt từ 0,3ppm theo quy định mới thì chỉ còn 0,09ppm; cà chua từ 0,5ppm còn 0,06ppm...
Ông Ngô Xuân Nam cho biết, EU dự kiến áp dụng các quy định này từ tháng 2/2025. Theo đó, việc thay đổi này của EU liên quan đến nhiều sản phẩm nông sản thực phẩm của Việt Nam đã và đang xuất khẩu sang thị trường này. Các nhà sản xuất có 6 tháng để chuẩn bị điều chỉnh cho phù hợp. Nếu nắm bắt thông tin kịp thời, chủ động điều chỉnh và kiểm soát tốt mức dư lượng của 4 loại hoạt chất trên thì chúng ta tự tin sẽ đáp ứng được quy định của EU, ông Nam nhấn mạnh.
Văn phòng SPS Việt Nam cũng đề nghị Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y, Hiệp hội Rau quả Việt Nam và Hội Nuôi ong Việt Nam nghiên cứu, góp ý và thông báo cho các tổ chức, cá nhân liên quan được biết để kiểm soát MRL theo quy định của EU.
EU là thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam ghi nhận sự gia tăng bất thường về số lượng cảnh báo từ thị trường này. Tổng cộng, có 57 hoạt chất thường bị EU kiểm soát mà doanh nghiệp, người nông dân cần đặc biệt chú ý, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2023.
Sự gia tăng này dẫn đến việc EU tăng cường tần suất kiểm tra biên giới đối với nông sản xuất khẩu từ Việt Nam. Hiện tại, có 4 mặt hàng nông sản của nước ta chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn, gồm: thanh long tần suất kiểm tra là 30%, ớt 50%, đậu bắp 50% và sầu riêng 10%.
EU định kỳ rà soát và áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra và quản lý nhập khẩu mỗi 6 tháng. Nếu không có giải pháp kịp thời, nông sản thực phẩm và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ bị tăng cường kiểm tra biên giới theo quy định của EU, ảnh hưởng đến tiến trình xuất khẩu và tăng cường sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bảo Bình