ISO 14001: Giải pháp quản lý môi trường trước thực trạng ô nhiễm báo động
Nhân rộng mô hình ISO 18091:2020 - nền tảng để các địa phương hướng tới quản trị hiện đại, minh bạch
Tích hợp ISO 9001:2015 và ISO/IEC 27001:2013 - tạo nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp
ISO 45001:2018 – chìa khóa bảo đảm an toàn lao động cho doanh nghiệp
Đại hội đồng ISO/TC197 chấp nhận 2 đề xuất tiêu chuẩn về công nghệ hydro của Hàn Quốc
Ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Từ đầu tháng 1/2025, Hà Nội và các tỉnh lân cận ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) dao động ở mức 200-300, thuộc ngưỡng tím, mức cực kỳ nguy hại cho sức khỏe con người. Trong hai ngày 3/1 và 7/1, dữ liệu từ IQ Air cho thấy Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, với các chỉ số bụi mịn PM2.5 vượt xa tiêu chuẩn cho phép. Ứng dụng VN AIR cũng ghi nhận chất lượng không khí rất xấu tại các địa phương như Thái Nguyên, Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình.
Theo TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, tình trạng này không phải hiện tượng đột ngột mà là kết quả của nhiều yếu tố cộng hưởng. Hà Nội đã bước vào "mùa ô nhiễm không khí" từ tháng 10/2024, kéo dài đến ít nhất tháng 3/2025. Nguyên nhân chính là sự kết hợp của các nguồn thải chưa được kiểm soát, bao gồm khí thải giao thông, hoạt động công nghiệp và đốt phụ phẩm nông nghiệp. Cụ thể, nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội, chỉ ra rằng giao thông đóng góp tới 46% lượng bụi siêu mịn tại Hà Nội. Trong đó, xe máy sử dụng xăng và dầu diesel chiếm hơn 90% tổng phát thải từ giao thông, tiếp theo là các loại xe tải và xe buýt.
Giảm phát thải là mục tiêu hàng đầu, không hi sinh môi trường đổi lấy kinh tế.
Các hoạt động sản xuất công nghiệp cũng là một nguồn phát thải lớn, với 10 khu công nghiệp và khoảng 1.300 làng nghề tại Hà Nội, chưa kể hàng trăm cơ sở công nghiệp ở các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc. Đáng chú ý, hoạt động đốt rơm rạ trong vụ thu hoạch lúa tại ngoại thành Hà Nội và các vùng lân cận đóng góp khoảng 13% lượng khí thải, làm gia tăng mức độ ô nhiễm không khí vào thời điểm cao trào.
Ngoài các nguồn phát thải, điều kiện thời tiết bất lợi như gió lặng, độ ẩm cao, ít mưa khiến các chất ô nhiễm không thể khuếch tán, gây hiện tượng tích tụ bụi mịn ở tầng khí quyển thấp. TS. Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh rằng điều kiện thời tiết không thể thay đổi, nhưng con người có thể kiểm soát được các nguồn gây ô nhiễm bằng cách giảm phát thải và tăng cường quản lý môi trường.
ISO 14001 – Giải pháp toàn diện cho quản lý môi trường
Trong bối cảnh ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, ISO 14001 là công cụ hiệu quả để doanh nghiệp quản lý môi trường. Đây là tiêu chuẩn quốc tế thuộc bộ ISO 14000, ra đời từ năm 1996 và đã qua nhiều lần cải tiến, phiên bản mới nhất là ISO 14001:2015. Tiêu chuẩn này không chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất mà còn phù hợp với mọi ngành nghề, giúp kiểm soát tác động môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Công ty TNHH Dong-A Hwasung Vina là một ví dụ điển hình về việc áp dụng thành công ISO 14001:2015. Với sự hỗ trợ từ các chuyên gia tư vấn, công ty đã xây dựng hệ thống quản lý môi trường hiệu quả, nâng cao năng suất và đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật. Quá trình triển khai được thực hiện trong vòng 7 tháng, với sự tham gia tích cực của toàn bộ nhân viên và sự cam kết từ ban lãnh đạo. Kết quả đạt được không chỉ là sự cải thiện trong hoạt động sản xuất mà còn tăng cường uy tín của công ty trên thị trường quốc tế.
Tương tự, Công ty Cổ phần SX-TM Sáng Việt là doanh nghiệp tiên phong trong ngành chiếu sáng đạt được chứng nhận ISO 14001:2015. Với chứng nhận ISO 14001:2015, là cơ hội lớn cho công ty mở rộng thị trường với mục tiêu xây dựng một thương hiệu Việt vững mạnh được người tiêu dùng yêu mến.
Hay Công ty Cổ phần Nước khoáng Vital (Vital Water) đã áp dụng ISO 9001, ISO 22000, ISO 14001. Vital Water chuyên cung cấp các sản phẩm nước khoáng đóng chai. Công ty chú trọng vào việc áp dụng các tiêu chuẩn ISO trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, từ việc khai thác, sản xuất đến đóng gói và phân phối sản phẩm.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Masan Consumer) cũng đã áp dụng ISO 9001, ISO 22000, ISO 14001... Đơn vị là một trong những công ty lớn trong ngành thực phẩm và nước giải khát tại Việt Nam, nổi tiếng với các sản phẩm như gia vị, thực phẩm chế biến sẵn và nước giải khát. Công ty áp dụng các tiêu chuẩn ISO để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất nước giải khát.
Có thể thấy, ISO 14001 không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Trước hết, việc áp dụng tiêu chuẩn này giúp giảm chi phí thông qua quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên, giảm lãng phí và cải thiện hiệu suất hoạt động. Thứ hai, doanh nghiệp có thể nâng cao uy tín thương hiệu, dễ dàng tiếp cận các thị trường quốc tế yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn môi trường. Cuối cùng, việc thực hiện ISO 14001 thể hiện cam kết của doanh nghiệp đối với phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, để duy trì hiệu quả lâu dài, các doanh nghiệp cần thường xuyên đánh giá nội bộ, tái đào tạo nhân viên và cập nhật các quy trình quản lý. Đồng thời, việc kết hợp ISO 14001 với các hệ thống quản lý khác như ISO 9001 sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững. Các doanh nghiệp cần hiểu rằng, việc đầu tư vào quản lý môi trường không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, việc áp dụng và duy trì ISO 14001 là một trong những giải pháp thiết thực và hiệu quả nhất. Các doanh nghiệp không chỉ cần cam kết tuân thủ mà còn phải chủ động cải tiến, đổi mới trong quản lý môi trường. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực mà còn tạo cơ hội để doanh nghiệp phát triển bền vững, khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế. Với sự hỗ trợ từ các chính sách của nhà nước và nỗ lực của từng doanh nghiệp, mục tiêu phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường hoàn toàn khả thi và cần được ưu tiên hàng đầu.
Duy Trinh (t/h)