Nắm bắt và thực hiện đúng quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu sang thị trường EU

author 11:32 18/12/2022

(VietQ.vn) - Bên cạnh thuận lợi, để tận dụng quy tắc xuất xứ theo EVFTA cũng có những quy định riêng về thủ tục mang tính vừa linh hoạt, vừa khác biệt so với các hiệp định khác mà doanh nghiệp cần lưu ý nắm bắt và thực hiện đúng.

Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt ưu đãi cắt giảm thuế, đạt hai con số về tăng trưởng xuất khẩu. Nhờ đó, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đã tăng trưởng theo hướng bền vững hơn cả về chất và lượng.

Tuy nhiên, theo bà Đặng Thị Hải Bình, Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hoá và Sở hữu trí tuệ, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, bên cạnh thuận lợi mang lại là giảm thiểu thủ tục hành chính, các ưu đãi về thuế thì để tận dụng quy tắc xuất xứ theo EVFTA cũng có những quy định riêng về thủ tục mang tính vừa linh hoạt, vừa khác biệt so với các hiệp định khác mà doanh nghiệp cần lưu ý nắm bắt và thực hiện đúng.

 Doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu sang EU. Ảnh minh họa.

Cụ thể, quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA đã được quy định ở Nghị định thư số 1 về Quy định hàng hoá có xuất xứ và phương thức hợp tác quản lý hành chính giữa Việt Nam và EU, trong đó có những điểm rất cụ thể, khác biệt nổi trội và doanh nghiệp cần nắm chắc như quy định về cộng gộp, cho phép cộng gộp chéo hay quy định liên quan đến hạn mức linh hoạt.

Nói rõ một số điểm linh hoạt hơn trong quy tắc xuất xứ của EVFTA, bà Bình dẫn chứng một số quy định liên quan đến lĩnh vực thủ tục hải quan. Đơn cử, EVFTA có quy định về nguyên tắc lãnh thổ, theo đó về nguyên tắc hàng hóa trong quá trình vận chuyển có thể quá cảnh qua một nước không thành viên, tuy nhiên cần đáp ứng hàng hóa không bị một số hoạt động can thiệp trong quá trình vận chuyển. EVFTA cũng cho phép hàng hóa được chia nhỏ hoặc là hàng hóa được thực hiện một số hoạt động như dán nhãn niêm phong...

Bà Bình lưu ý, tương ứng với các điểm linh hoạt như vậy sẽ có một số khó khăn nhất định, ví dụ để có thể tận dụng được ưu đãi theo quy tắc xuất xứ EVFTA có một số quy định về chứng từ. Trong trường hợp hàng hóa quá cảnh qua nước không thành viên thì chứng từ cần cung cấp để chứng minh được hàng hóa đáp ứng quy tắc vận tải trực tiếp.

Bà Đặng Thị Hải Bình, Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hoá và Sở hữu trí tuệ. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khi muốn sử dụng chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu sang EU cần nghiên cứu, nắm chắc những quy định về thủ tục như: hàng hóa nhập khẩu có thuộc trường hợp, đối tượng cần phải nộp chứng từ chữ cho hải quan hay không; Hàng hóa xuất khẩu không thuộc trường hợp phải nộp chứng từ hải quan, tuy nhiên cần xin C/O ưu đãi theo quy định được cấp bởi cơ quan thẩm quyền hoặc tự chứng nhận xuất xứ; thông tin về xuất xứ hàng hóa mặc dù không phải nộp chứng từ cho hải quan nhưng là thông tin bắt buộc khai báo trên tờ khai xuất khẩu...

"Các cam kết Hiệp định đều được luật hóa, cụ thể hóa tại các văn bản pháp quy, có thể do mới thực hiện triển khai, doanh nghiệp chưa tiếp cận được hết nên nhiều khi không đáp ứng được các quy định. Quá trình giai đoạn đầu thực hiện hiệp định, chúng tôi có nhận được phản ánh từ doanh nghiệp cũng như hải quan địa phương về những vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải", bà Bình thông tin.

Ngoài ra, bà Bình lưu ý, có những quy định khác nhau giữa hàng hóa nhập khẩu từ EU vào Việt Nam và hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đi EU. "Trong trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu muốn áp dụng C/O ưu đãi thì có nhận được C/O được cấp bởi cơ quan thẩm quyền Châu Âu cũng không phải chứng từ hợp lệ. Bởi vì Châu Âu đã thông báo chỉ áp dụng hình thức tự chứng nhận xuất xứ, hoàn toàn ngược lại với hàng xuất khẩu. Đó là sự khác biệt doanh nghiệp cần nắm chắc để biết rằng chứng từ nào phù hợp với loại hàng hóa nào, vì đối với xuất khẩu khác và nhập khẩu là quy định khác nhau".

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang