Nâng tầm giá trị hạt gạo Việt, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe các thị trường ‘khó tính’

author 06:06 01/03/2023

(VietQ.vn) - Giới chuyên gia nhận định, sản phẩm gạo xuất khẩu của nước ta đang có sự nâng cao rõ rệt về chất lượng. Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã góp phần đưa hạt gạo Việt Nam vươn xa ra thị trường thế giới, được nhiều thị trường khó tính đón nhận.

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 7,1 triệu tấn với trị giá 3,45 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021. Sang đến 2 tháng đầu năm 2023, cả nước xuất khẩu hơn 700.000 tấn gạo, với trị giá hơn 370 triệu USD, giảm 29% về lượng, giảm 24,2% kim ngạch nhưng tăng 6,8% về giá so với cùng kỳ năm 2022. 

Giới chuyên gia nhận định, sản phẩm gạo xuất khẩu của nước ta đang có sự nâng cao rõ rệt về chất lượng. Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã góp phần đưa hạt gạo Việt Nam vươn xa ra thị trường thế giới, được nhiều thị trường khó tính đón nhận.

Đại sứ Vũ Hồng Nam và Chủ tịch tập đoàn tài chính Tokyo Kiraboshi (Nhật Bản) cùng quảng bá gạo ST25.

Điển hình như trong năm 2022, để đưa được gạo ST25 của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp Việt đã phải vượt qua hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe cùng với yêu cầu rất cao của người tiêu dùng Nhật Bản. Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam cho biết, đây là thành công rất lớn của người sản xuất cũng như các nhà thương mại khi đưa được gạo ST25 vào thị trường Nhật Bản.

Việc xuất khẩu gạo ST25 sang thị trường Nhật Bản là minh chứng cho thấy Việt Nam không chỉ xuất khẩu gạo nhiều mà còn xuất khẩu gạo ngon, đáp ứng được các tiêu chuẩn rất cao của thị trường Nhật Bản. Để có được sản lượng gạo chất lượng cao cung ứng cho thị trường, bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, nhiều doanh nghiệp đã chủ động cải tiến quy trình sản xuất nhằm mang đến sản phẩm đạt chất lượng.

Theo đại diện Tập đoàn Lộc Trời, doanh nghiệp này đã triển khai mô hình mặt ruộng không dấu chân đến nhiều địa phương sản xuất lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long, cải tiến quy trình sản xuất nhằm tiết giảm lượng giống sử dụng (giảm 30%), lượng phân và thuốc bảo vệ thực vật sử dụng giảm 20% thông qua việc đồng bộ cơ giới hóa.

Khi triển khai nông dân sẽ được đào tạo toàn bộ quy trình giúp giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên đồng ruộng nhưng vẫn bảo đảm năng suất; đồng thời nâng cao chất lượng nông sản đầu ra nên rất thuận lợi trong khâu tiêu thụ và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.

Với những hướng đi này, nông dân Việt Nam sẽ dần thay đổi, chất lượng hạt gạo cũng dần thay đổi, số lượng giảm nhưng chất lượng và giá trị hạt gạo ngày càng tăng, nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người dân. Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo, giá gạo Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao khi nhu cầu lương thực trên thế giới vẫn có xu hướng tăng. Thời gian tới cần tiếp tục nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu để giữ vững thị trường truyền thống và mở rộng sang các thị trường mới, nhất là trong điều kiện yêu cầu về chất lượng gạo của các quốc gia nhập khẩu ngày càng cao.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang