Nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của nhiều doanh nghiệp bộc lộ từ báo cáo tài chính

author 15:14 07/09/2021

(VietQ.vn) - Trong kỳ Báo cáo tài chính (BCTC) 6 tháng đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp đã bị chỉ ra những điểm nghi ngờ do nợ ngắn hạn, thiếu vốn lưu động, tồn kho lớn,...

Công ty Thép Pomina (POM), trong nửa năm đầu lãi 195 tỷ đồng nhưng khoản nợ phải trả ngắn hạn của công ty này đã vượt qua tài sản ngắn hạn số tiền hơn 350 tỉ đồng. Đơn vị kiểm toán nhấn mạnh vào điểm này và nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của POM.

Trong Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ vừa công bố của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam đã nhấn mạnh về khoản lỗ lũy kế 7.371 tỉ đồng của công ty tại thời điểm 30.6.2021. Ngoài ra, tại ngày này, HAGL cũng đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay cho thấy sự không chắc chắn về khả năng hoạt động liên tục của HAGL.

Cụ thể, trong khoản vay trái phiếu trị giá 5.876 tỉ đồng tại BIDV sẽ đáo hạn vào 30/12/2026, HAGL thế chấp 4.852 ha cao su và 7.102 ha cọ dầu. Tuy nhiên, tại thời điểm 30/6/2021, diện tích cao su và cọ dầu của công ty trong thực tế thấp hơn số liệu đã cam kết trong hợp đồng vay. Bên cạnh đó, HAGL cũng chưa thanh toán khoản lãi vay phải trả đã đến hạn vào 3/6/2021 với tổng giá trị 1.483 tỷ đồng.

Trong khoản vay dài hạn tại Eximbank (đáo hạn vào 31/12/2024), HAGL thế chấp đàn bò của công ty, tuy nhiên hiện nay HAGL đã thanh lý toàn bộ đàn bò nên không đảm bảo số lượng bò theo quy định của hợp đồng tín dụng.

 Nhiều doanh nghiệp bị nghi ngờ sau khi báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021 - Ảnh minh họa 

Trong Báo cáo tài chính tổng hợp giữa niên độ 2021 của Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (VOS) đã phản ánh số lỗ lũy kế là 699 tỉ đồng, nợ quá hạn 520 tỉ đồng. Đây là các yếu tố không chắc chắn, dẫn đến nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Đáng chú ý nhất là báo cáo soát xét của Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sau soát xét giảm hơn 169 tỉ đồng, tương ứng 12% so với báo cáo tự lập. Nguyên nhân chênh lệch chủ yếu đến từ chi phí tài chính tăng gấp 2,4 lần so với tự lập, lên hơn 112 tỉ đồng. Trong báo cáo cũng ghi nhận lỗ 65,6 tỉ đồng do pha loãng giá trị khoản đầu tư tài chính.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khác cũng bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục sau khi công bố Báo cáo tài chính. Công ty CP Tập đoàn Đại dương (Ocean Group) lỗ lũy kế hơn 2.722 tỉ đồng tại ngày 30/6/2021. Công ty CP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart - VST) lỗ lũy kế hơn 2.220 tỉ đồng, âm vốn sở hữu, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 2.002 tỷ đồng, nợ quá hạn 773 tỉ đồng của Ngân hàng TMCP Á Châu và đối mặt với các vụ kiện của ngân hàng về việc thanh toán khoản vay...

Chuyện kiểm toán lưu ý doanh nghiệp xưa nay vẫn phổ biến nhưng đang có xu hướng tăng trong kỳ báo cáo lần này. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và kinh doanh.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng, để đầu tư cổ phiếu của các doanh nghiệp này, nhà đầu tư phải sử dụng nhiều biện pháp phân tích riêng và dựa thêm các kênh thông tin khác để ước lượng ngưỡng an toàn cho danh mục.

 Phương Dung (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang