Ô nhiễm rác thải nhựa nguy cơ gây thiệt hại mùa màng và an ninh lương thực

(VietQ.vn) - Các nhà khoa học cho biết, nhân loại đã nỗ lực tăng sản lượng lương thực để nuôi sống dân số ngày càng tăng, tuy nhiên những nỗ lực này đang bị đe dọa bởi ô nhiễm vi nhựa.
FBI cảnh báo khẩn cấp cho người dùng Gmail trước mã độc ransomware
Cảnh báo bông tẩy trang giả thương hiệu La Soirée
EU không áp thuế với thép cuộn cán nóng của Hòa Phát
Theo một đánh giá mới, ô nhiễm do vi nhựa đang cắt giảm đáng kể nguồn cung cấp lương thực bằng cách làm hỏng khả năng quang hợp của thực vật. Ước tính, 4-14% các loại cây lương thực chính trên thế giới (lúa mì, gạo và ngô) mất dần do các hạt nhựa phá hoại. Theo các nhà khoa học, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn khi ngày càng có nhiều vi nhựa tràn vào môi trường.
Năm 2022, khoảng 700 triệu người bị ảnh hưởng bởi nạn đói. Các nhà nghiên cứu ước tính, con số này có thể tăng thêm 400 triệu người nữa trong hai thập kỷ tới do ô nhiễm vi nhựa - một kịch bản đáng báo động đối với an lương thực toàn cầu.
Các nhà nghiên cứu cho biết, thiệt hại mùa màng hằng năm do vi nhựa gây ra có thể có quy mô tương tự với thiệt hại do khủng hoảng khí hậu trong những thập kỷ gần đây. Thách thức hiện tại của thế giới là sản xuất đủ lương thực một cách bền vững, khi dân số toàn cầu dự kiến tăng lên 10 tỷ người vào khoảng năm 2058.
Ở các đại dương, nơi vi nhựa có thể bao phủ tảo, thiệt hại về hải sản ước tính từ 1 triệu đến 24 triệu tấn mỗi năm, khoảng 7% tổng số và đủ protein cho hàng chục triệu người. Vi nhựa xuất hiện từ lượng lớn chất thải đổ ra môi trường. Chúng cản trở thực vật phát triển bằng nhiều cách khác nhau, từ làm hỏng đất đến mang theo hóa chất độc hại. Các hạt này đã xâm chiếm toàn bộ hành tinh, từ đỉnh Everest đến các đại dương sâu nhất.

Ô nhiễm vi nhựa ngày càng nghiêm trọng. Ảnh minh họa
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) cho biết: “Nhân loại đã nỗ lực tăng sản lượng lương thực để nuôi sống dân số ngày càng tăng, tuy nhiên những nỗ lực này đang bị đe dọa bởi ô nhiễm nhựa. Những phát hiện này nhấn mạnh tính cấp thiết của việc cắt giảm ô nhiễm và bảo vệ nguồn cung cấp lương thực toàn cầu trước cuộc khủng hoảng nhựa”.
Chính cơ thể con người cũng đã bị vi nhựa xâm nhập qua thực phẩm và nước. Chúng đã được tìm thấy trong máu, não, sữa mẹ, nhau thai và tủy xương. Tác động của vi nhựa lên sức khỏe con người phần lớn vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng chúng có liên quan đến đột quỵ và đau tim.
Các nhà khoa học khác gọi nghiên cứu này là hữu ích và kịp thời, nhưng họ cảnh báo rằng tác động của vi nhựa đối với sản xuất lương thực sẽ cần được xác nhận và điều chỉnh thông qua việc thu thập thêm dữ liệu.
Nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí Biên bản Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia của Mỹ, đã kết hợp hơn 3.000 quan sát về tác động của vi nhựa lên thực vật, được trích từ 157 nghiên cứu.
Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng vi nhựa có thể gây hại cho thực vật theo nhiều cách. Các hạt gây ô nhiễm có thể chặn ánh sáng mặt trời chiếu lên lá và làm hỏng đất. Khi được thực vật hấp thụ, vi nhựa có thể chặn các chất dinh dưỡng và nước, tạo ra các phân tử không ổn định gây hại cho tế bào và giải phóng các hóa chất độc hại, cũng như làm giảm độ sắc tố quang hợp diệp lục.
Các nhà nghiên cứu ước tính, vi nhựa làm giảm quá trình quang hợp của thực vật trên cạn khoảng 12% và khoảng 7% ở tảo biển - nền tảng của chuỗi thức ăn đại dương. Sau đó, họ dựa vào dữ liệu này để tính toán sự suy giảm trong quá trình sản xuất lúa mì, lúa và ngô cũng như trong nuôi trồng thủy hải sản.
Ước tính, châu Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thiệt hại mùa màng, với sản lượng cả ba loại cây trồng giảm từ khoảng 54-177 triệu tấn mỗi năm, khoảng một nửa so với thiệt hại toàn cầu. Lúa mì ở châu Âu và ngô ở Mỹ cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Các nhà khoa học nhận định: "Điều quan trọng là những tác động tiêu cực này rất có thể sẽ lan rộng từ an ninh lương thực sang sức khỏe của hành tinh. Quá trình quang hợp giảm do vi nhựa cũng có thể cắt giảm lượng CO2 được lấy từ khí quyển bởi các thực vật phù du khổng lồ trong đại dương và làm mất cân bằng các hệ sinh thái khác".
Các quốc gia trên thế giới đã không đạt được thỏa thuận về một công ước Liên Hợp Quốc nhằm hạn chế ô nhiễm nhựa vào tháng 12 năm ngoái, nhưng các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu lại vào tháng 8 năm nay. Các nhà khoa học tin rằng nghiên cứu của họ “xuất hiện đúng thời điểm để phát triển các kế hoạch và mục tiêu hành động.
Giáo sư Richard Thompson, Đại học Plymouth (Anh), cho biết nghiên cứu mới đã nhấn mạnh nhu cầu hành động. “Mặc dù các dự đoán có thể sẽ thay đổi khi có dữ liệu mới, nhưng rõ ràng là chúng ta cần bắt đầu hướng tới các giải pháp. Một hiệp ước giải quyết ô nhiễm vi nhựa là điều vô cùng quan trọng”, ông nói.
Ngay từ năm 2021, Liên minh châu Âu (EU) đã áp thuế với các nước thành viên theo khối lượng rác thải là bao bì nhựa họ tạo ra mà không tái chế. EU cũng có động thái cấm các mặt hàng dùng một lần như dụng cụ ăn bằng nhựa, đĩa, ống hút và cây khuấy nhựa. Kể từ đó, một số quốc gia thành viên bắt đầu đưa ra các quy định hạn chế rác thải nhựa riêng, trong đó có luật về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), buộc các công ty sản xuất trả tiền tái chế nhựa sau tiêu dùng và thu thuế nhựa để trả cho phần thuế phải nộp cho EU.
Từ năm 2025, tất cả các nước EU phải đảm bảo chai nhựa PET (thường dùng để đựng nước uống) chứa 25% vật liệu nhựa tái chế. Theo trang triplepundit.com, quyết định này nhằm hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và thân thiện với môi trường hơn theo lộ trình gồm nhiều giai đoạn. Đến năm 2030, tỉ lệ nhựa tái chế trong tất cả các chai đựng đồ uống ở EU sẽ được nâng lên ít nhất 30%. Mặc dù vẫn còn vài điều chưa rõ về biện pháp chế tài với các công ty không thực thi nghiêm túc và thống nhất quy trình kiểm tra tại các quốc gia thành viên, đây là tín hiệu cho thấy nền kinh tế tuần hoàn xoay quanh nhựa đang được thúc đẩy ở châu Âu.
Bồ Đào Nha và Hà Lan, Vương quốc Anh… đều có mức thuế riêng với một số loại nhựa. Đức cũng sẽ tham gia hội nhóm này và sẽ đánh thuế một số loại nhựa dùng một lần từ đầu năm 2025 gồm hộp đựng thực phẩm, ly cốc chai lọ đựng đồ uống, khăn ướt, túi đựng, bong bóng bay… Khoản thuế này trước đó bị ngành nhựa ở Đức phản đối kịch liệt và đã bị hoãn một năm nhưng thuế nhựa giờ không chừa một ai, 2025 là thời điểm luật được thi hành ở Đức.
Các doanh nghiệp sẽ phải lập báo cáo hằng năm về số lượng và loại nhựa sử dụng để làm căn cứ tính thuế. Mức phí dự kiến dao động từ 0,06 euro/kg khăn ướt, 24,50 euro/kg ly nhựa dùng một lần, 8.945 euro/kg với đầu lọc thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá khác.
Tại Mỹ, không kể các nỗ lực cấp liên bang, ngày càng có nhiều tiểu bang đưa ra các nỗ lực nhằm hạn chế rác thải nhựa và đẩy lùi ô nhiễm. Tại Maine, tiểu bang đầu tiên của Mỹ thông qua luật EPR, các nhà sản xuất và công ty nhựa sẽ bắt đầu báo cáo dữ liệu về loại nhựa sử dụng cho tiểu bang từ năm 2025 và các khoản chi trả đầu tiên sẽ được thực hiện vào năm 2026. Nhật Bản đang hướng đến mục tiêu quản lý các vật liệu sử dụng trong sản xuất bao bì thực phẩm và đồ đựng, đặc biệt là nhóm hóa chất PFAS - một nhóm các hóa chất tổng hợp phổ biến tồn tại trong môi trường và cơ thể con người, có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Tại Việt Nam, nhận thức được tác hại của rác thải nhựa, nhất là đối với hệ sinh thài biển và cộng đồng dân cư ven biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cũng như các tổ chức trong nước, tổ chức quốc tế xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019.
Kế hoạch đề ra mục tiêu chung là thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
Bên cạnh đó, Kế hoạch hành động cũng đặt ra mục tiêu cụ thể, xây dựng, thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; phù hợp với cách tiếp cận theo mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần thúc đẩy hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa ở Việt Nam; nâng cao nhận thức, ứng xử và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy của cộng đồng và xã hội.
An Dương (T/h)