Những yêu cầu bắt buộc về mã vạch đối với hàng nhập khẩu vào Algeria

author 14:06 08/04/2022

(VietQ.vn) - Nghị định số 23 của Bộ Công Thương Algeria yêu cầu các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu phải có mã số sản phẩm thương mại toàn cầu (GTIN) trên bao bì với 12 trường thông tin bắt buộc.

Là một trong 5 nền kinh tế lớn nhất của châu Phi, Algeria là một thị trường tiềm năng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trao đổi thương mại giữa 2 nước lên tới 300 triệu USD năm 2017, trong đó, Việt Nam xuất khẩu 281 triệu USD. Ngoài các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh như cà phê, gạo, hạt điều, các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam cũng đang được thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường này.

Với các sản phẩm xuất khẩu vào Algeria các DN Việt Nam cần lưu ý các quy định về mã số mã vạch trên bao bì của nước sở tại. 

Theo đại diện của Thương vụ Việt Nam tại Algeria, năm 2021, xuất khẩu cà phê Việt sang Algeria đạt 56.545 tấn, giảm 6,8% về lượng, nhưng kim ngạch đạt 99,6 triệu USD, tăng 6,3%. Trong cơ cấu xuất sang Algeria, cà phê chiếm 65% tổng giá trị xuất khẩu. Một số mặt hàng công nghiệp Việt Nam khác có tiềm năng thâm nhập vào thị trường này là các sản phẩm may mặc, giày dép, thuốc lá, máy móc, vật liệu xây dựng, hàng thủ công mỹ nghệ.

Bên cạnh những thách thức về chính sách, thuế quan, luật lao động, phương thức thanh toán… thị trường Algeria cũng đặt ra nhiều quy định mới đối với hàng hóa trên thị trường và nhập khẩu vào quốc gia này.

Cụ thể, năm 2021, Bộ Công thương Algeria đã ban hành Nghị định số 23 yêu cầu các sản phẩm dành cho người sử dụng phải có mã số sản phẩm thương mại toàn cầu (GTIN) trên bao bì. Theo đó, đối với sản phẩm thực phẩm mã số mã vạch cần liên kết tới cơ sở sữ liệu bao gồm 12 trường thông tin bắt buộc như: Tên sản phẩm; tên chủ sở hữu, thương hiệu và địa chỉ nhà sản xuất/đóng gói/ phân phối/ nhập khẩu; Nước sản xuất; Danh sách nguyên liệu; Các thành phần có khả năng gây dị ứng; Nhãn dinh dưỡng; Khối lượng tịnh; Yêu cầu bảo quản đặc biệt; Độ cồn thực tế đối với đồ uống có cồn với hơn 1.2%; Nhãn “halal”; Hình ảnh sản phẩm; Các thông tin cần thiết khác.

Đối với sản phẩm không phải thực phẩm cần 11 trường dữ liệu bắt buộc như: Tên sản phẩm; Tên chủ sở hữu, thương hiệu và địa chỉ nhà sản xuất/đóng gói/ phân phối/ nhập khẩu; Nước sản xuất; Nhãn an toàn; Giấy phép lưu hành cho các sản phẩm có liên quan; Khối lượng tịnh; Cảnh báo an toàn; Thành phần và điều kiện bảo quản; Hình ảnh sản phẩm; Các thông tin cần thiết khác.

Ông Bùi Bá Chính - PGĐ Phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia. 

Theo ông Bùi Bá Chính – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia – GS1 Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ KH&CN), ngày càng nhiều quốc gia chấp nhận mã số mã vạch của GS1 trong quản lý, ví dụ: Nga đã ban hành Order 936 yêu cầu khai báo mã địa điểm toàn cầu (GLN) với tất cả hàng nhập khẩu vào Nga có hiệu lực từ 01/09/2021; Với Châu Âu, tiêu chuẩn IFS v.7 bắt buộc nhà cung cấp thực phẩm tại châu Âu có GLN từ ngày 01/07/2021; Trung quốc quy định áp dụng GTIN vào kê khai hải quan để giảm các trường thông tin cần kê khai; Hải quan Mỹ áp dụng thử nghiệm mã GLN thay thế hệ thống mã MID trong thông quan hàng hóa.

Trong lĩnh vực y tế, tiêu chuẩn GS1 được công nhận để định danh trang thiết bị y tế bởi WHO, FDA, EC và hơn 70 quốc gia (theo thống kê của GS1 Public Policy). Mã GTIN và hệ thống mã số mã vạch GS1 hoàn toàn phù hợp với các quy định về ghi nhãn UDI và GS1 là tổ chức được FDA mỹ và MRD của EU công nhận là tổ chức cấp mã UDI cho thiết bị y tế, ông Chính cho biết.

“Với những quy định bắt buộc này, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Algeria hay các thị trường khác cần phải đáp ứng các yêu cầu về mã số mã vạch và các thông tin về sản phẩm để tránh gặp phải những khó khăn không cần thiết khi xuất khẩu vào các thị trường này”, ông Chính lưu ý.

Hiện, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia – SG1 Việt Nam đã cấp mã cho gần 60.000 doanh nghiệp tại Việt Nam và có khoảng gần 1 triệu sản phẩm sử dụng mã GTIN. Khi đăng ký và sử dụng mã GTIN tại GS1 Việt Nam, các doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu sẽ dễ dàng được chấp nhận tại các quốc gia thành viên của GS1 toàn cầu, đồng thời có cơ hội được tiếp cận các thông tin quy định về mã số mã vạch của các thị trường xuất khẩu.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang