Sữa rửa mặt sản xuất sai công thức: Hiểm họa từ những 'thành phần ẩn'

(VietQ.vn) - Sản xuất mỹ phẩm sai công thức công bố không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Mới đây, vụ việc Công ty Gamma sản xuất sữa rửa mặt sai công thức một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về trách nhiệm trong ngành mỹ phẩm cũng như ý thức người tiêu dùng.
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM vừa ra quyết định xử phạt Công ty TNHH MTV Sản xuất Dược - Mỹ phẩm Gamma (trụ sở tại quận Tân Phú) với mức phạt hành chính lên đến 87 triệu đồng. Nguyên nhân là do công ty này có hàng loạt vi phạm trong hoạt động sản xuất mỹ phẩm, trong đó nghiêm trọng nhất là sản xuất sản phẩm không đúng công thức đã công bố với Bộ Y tế.

Sữa rửa mặt Gammaphil 125ml
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, sản phẩm vi phạm là sữa rửa mặt Gammaphil 125ml, số lô GMDK010124, ngày sản xuất 02/01/2024, hạn dùng đến 02/01/2027. Qua kiểm nghiệm, cơ quan chuyên môn phát hiện trong sản phẩm chứa hai chất bảo quản là Methylparaben và Propylparaben – không có trong công thức đã đăng ký với Bộ Y tế khi xin cấp số tiếp nhận phiếu công bố mỹ phẩm.
“Sản phẩm ẩn danh” – mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm
Theo bác sĩ Trần Minh Tú - nguyên Giảng viên Trường Đại học Y Dược TP.HCM, việc một công ty mỹ phẩm sản xuất sai công thức công bố là hành vi cực kỳ nguy hiểm. Người tiêu dùng lúc này như đang sử dụng một sản phẩm “ẩn danh” về thành phần, điều hoàn toàn không thể chấp nhận được trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Theo bác sĩ Tú, Methylparaben và Propylparaben là chất bảo quản phổ biến trong ngành mỹ phẩm, giúp kéo dài hạn sử dụng. Tuy nhiên, nếu không được khai báo rõ ràng và cảnh báo rủi ro, các chất này có thể gây kích ứng da, dị ứng, thậm chí ảnh hưởng nội tiết, đặc biệt với những người có cơ địa nhạy cảm, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ hoặc người mắc bệnh lý nền về da như chàm, viêm da cơ địa, lupus ban đỏ.
Điều đáng nói, Gammaphil được quảng cáo là dòng dịu nhẹ, dành cho da nhạy cảm. Khi những thành phần có nguy cơ lại “ẩn danh” trong sản phẩm, rủi ro càng tăng cao, người tiêu dùng hoàn toàn mất khả năng kiểm soát những gì họ đang sử dụng lên da mỗi ngày.
Ngoài sai phạm về công thức, Gamma còn bị xử phạt vì ghi nhãn không đúng quy định: thiếu thông tin bắt buộc, thông tin không đúng bản chất sản phẩm.
Với chuyên môn y khoa, bác sĩ Tú nhấn mạnh: “Ghi nhãn không đầy đủ không chỉ là lỗi hành chính. Khi bệnh nhân đến khám do dị ứng, nếu không biết rõ họ đã dùng sản phẩm nào, có thành phần gì, việc chẩn đoán và điều trị sẽ trở nên rất khó khăn. Thậm chí có thể dẫn đến sai sót y khoa, điều trị sai hướng, dùng thuốc mạnh hơn hoặc kéo dài thời gian hồi phục”.
Vụ việc Gamma không chỉ là cá biệt mà theo bác sĩ Tú, phản ánh rõ lỗ hổng trong công tác hậu kiểm sản xuất mỹ phẩm tại Việt Nam. “Khi nhà sản xuất tự ý thay đổi công thức đã công bố, họ đang phá vỡ toàn bộ tính an toàn trong nghiên cứu ban đầu. Họ cũng đồng thời che giấu thông tin quan trọng, khiến hậu quả tiềm ẩn trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều”.
Theo bác sĩ, cơ quan chức năng cần siết chặt công tác hậu kiểm, đặc biệt với các sản phẩm chăm sóc da – những sản phẩm được sử dụng trực tiếp trên cơ thể, ảnh hưởng nhanh và rõ đến sức khỏe. Việc kiểm tra định kỳ cần được tăng cường, xử lý nghiêm khắc và minh bạch để răn đe.
Mức xử phạt 87 triệu đồng dù là mức cao theo quy định hiện hành nhưng vẫn chưa tương xứng với nguy cơ sức khỏe mà sản phẩm vi phạm có thể gây ra. Đây cũng là lý do vì sao cần xem xét lại các chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực mỹ phẩm, không chỉ về kinh tế mà còn cả trách nhiệm pháp lý và đạo đức kinh doanh.
Cảnh báo đến người tiêu dùng
Theo bác sĩ Tú, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác và tự bảo vệ mình bằng cách: Chỉ mua mỹ phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đầy đủ thông tin về thành phần, hướng dẫn sử dụng và nhà sản xuất. Tránh các sản phẩm ghi nhãn sơ sài, thiếu thông tin hoặc quảng cáo quá mức.
Theo dõi phản ứng da sau khi sử dụng sản phẩm mới. Nếu có biểu hiện bất thường như ngứa, đỏ, nổi mẩn… cần ngưng dùng và đến cơ sở y tế. Ưu tiên lựa chọn sản phẩm đã được kiểm định, có chứng nhận an toàn từ cơ quan có thẩm quyền. Thường xuyên kiểm tra thông tin sản phẩm trên cổng công bố mỹ phẩm của Bộ Y tế, tránh mua sản phẩm trôi nổi trên mạng hoặc tại các điểm bán không uy tín.
Trong bối cảnh thị trường mỹ phẩm trong nước phát triển mạnh mẽ, việc đảm bảo tính minh bạch, an toàn và đúng pháp lý trong sản xuất, phân phối mỹ phẩm không chỉ là yêu cầu của cơ quan quản lý, mà còn là trách nhiệm đạo đức với cộng đồng. Và đối với người tiêu dùng, bài học rút ra sau vụ Gamma là rất rõ ràng: Một chai sữa rửa mặt có thể là nguồn gây bệnh nếu thành phần của nó bị che giấu. Đừng để sự chủ quan khiến làn da và sức khỏe bản thân phải trả giá!
An Nguyên