Yêu cầu gỡ bỏ thuốc, thực phẩm chức năng vi phạm trên các nền tảng số

(VietQ.vn) - Ngày 10/6, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã phát đi yêu cầu chính thức đến các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) về việc rà soát, kiểm tra và gỡ bỏ các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng vi phạm pháp luật đang được rao bán trái phép trên các website và ứng dụng trực tuyến.
Động thái này xuất phát từ phản ánh cho thấy một số sản phẩm không được phép kinh doanh vẫn đang tồn tại trên nhiều nền tảng TMĐT phổ biến, điển hình là thuốc vitamin A liều cao 200.000 IU. Cục TMĐT&KTS cảnh báo việc rao bán trái phép loại thuốc này có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt nếu không có sự chỉ định và hướng dẫn của nhân viên y tế.
Trước thông tin đó, Cục yêu cầu các doanh nghiệp và tổ chức vận hành nền tảng thương mại điện tử khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin, làm rõ nội dung phản ánh, đồng thời gỡ bỏ ngay lập tức các sản phẩm và gian hàng có dấu hiệu vi phạm trên hệ thống.
Không chỉ dừng lại ở thuốc, các thực phẩm chức năng bị quảng cáo sai sự thật cũng nằm trong diện cần xử lý. Theo Cục TMĐT&KTS, trước đó, cơ quan này đã tiếp nhận cảnh báo từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) về việc một số đối tượng lợi dụng các nền tảng TMĐT để quảng cáo thực phẩm bổ sung như thuốc chữa bệnh, gây hiểu nhầm nghiêm trọng cho người tiêu dùng.

Các hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn này vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP và Khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo. Cụ thể, pháp luật nghiêm cấm việc quảng cáo thực phẩm dưới dạng thuốc hoặc cho rằng sản phẩm có tác dụng như thuốc điều trị, trừ khi đã được cấp phép như một loại thuốc chính thức.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 8 Thông tư 43/2014/TT-BYT, sửa đổi tại Thông tư 17/2023/TT-BYT, nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng chỉ được phép giới hạn trong phạm vi khuyến cáo sức khỏe liên quan đến các thành phần dinh dưỡng có trong sản phẩm. Việc vượt quá giới hạn này không những vi phạm pháp luật mà còn gây tác động tiêu cực đến nhận thức và hành vi tiêu dùng, có thể dẫn đến sử dụng sai mục đích, gây hậu quả cho sức khỏe cá nhân.
Cục TMĐT&KTS nhấn mạnh trách nhiệm của các nền tảng TMĐT trong việc giám sát nội dung và hàng hóa được bày bán. Theo đó, các nền tảng phải có cơ chế kiểm tra, kiểm soát liên tục, chính xác và đầy đủ thông tin mà người bán cung cấp, đảm bảo phù hợp quy định pháp luật hiện hành.
Ngoài việc yêu cầu gian hàng cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, các nền tảng còn phải thực hiện gỡ bỏ sản phẩm khi phát hiện dấu hiệu vi phạm và có trách nhiệm báo cáo kịp thời về Cục TMĐT&KTS.
Đây không phải lần đầu tiên cơ quan chức năng yêu cầu làm sạch không gian thương mại điện tử. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc kiểm soát sản phẩm vi phạm trên các sàn TMĐT vẫn còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng hàng ngàn sản phẩm quảng cáo sai sự thật hoặc không rõ nguồn gốc vẫn âm thầm tiếp cận người tiêu dùng mỗi ngày.
Trong bối cảnh TMĐT phát triển mạnh mẽ và trở thành kênh mua sắm phổ biến, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, việc để lọt các sản phẩm kém chất lượng, thậm chí nguy hiểm đến sức khỏe cộng đồng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin thị trường và an toàn người dùng.
Người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác với các sản phẩm y tế, thực phẩm chức năng được quảng cáo công dụng “thần kỳ” trên mạng, đặc biệt là những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có giấy phép hoặc bị thổi phồng công dụng như thuốc điều trị bệnh. Việc tự ý sử dụng các sản phẩm này mà không có chỉ định từ chuyên gia có thể dẫn đến ngộ độc, suy gan, rối loạn nội tiết hoặc các biến chứng nghiêm trọng khác.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi lựa chọn sản phẩm liên quan đến sức khỏe, người tiêu dùng nên ưu tiên các địa chỉ bán hàng chính hãng, có đầy đủ chứng nhận từ cơ quan chức năng, đọc kỹ nhãn mác và tìm hiểu thông tin về thành phần, tác dụng thật sự của sản phẩm.
Việc siết chặt quản lý TMĐT không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng hay các nền tảng số, mà còn cần sự đồng hành và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, hướng tới một môi trường thương mại lành mạnh, an toàn và minh bạch hơn trong thời đại số.
An Nguyên