Bộ trưởng Giáo dục: Sẽ bắt buộc thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ

author 11:43 11/06/2014

(VietQ.vn) - Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận cho biết, sau khi chấn chỉnh đào tạo giáo viên ngoại ngữ, sẽ bắt buộc thi tốt nghiệp môn này.

Sáng nay 11/6, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã đăng đàn trả lời Quốc hội các vấn đề của ngành.

Sẽ bắt buộc thi ngoại ngữ

Trả lời các đại biểu về vấn đề tại sao lại đưa môn ngoại ngữ vào tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, Tư lệnh ngành Giáo dục cho biết, chủ trương chung là đẩy mạnh dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh...

Có thể Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không viết sách giáo khoa

Có thể Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không viết sách giáo khoa

Tuy nhiên, cách dạy và học của chúng ta không giống bất cứ nước nào trên thế giới. Bởi các trường phổ thông dạy chủ yếu là ngữ pháp nên sau nhiều năm học sinh không nghe và nói được.

Mặt khác, đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ hiện nay cũng không đạt chuẩn, dẫn đến việc học sinh đi học ở các trung tâm ngoại ngữ phát âm chuẩn hơn người dạy nhưng lại không được chấp nhận.

Vì vậy, phải chấm dứt việc cử nhân ngoại ngữ nhận bằng tốt nghiệp nhưng không sử dụng được trong thực tiễn.

Do đó, khi chưa thay đổi được cách dạy thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa bắt buộc các em thi ngoại ngữ.

Tuy nhiên, sau khi đã chấn chỉnh việc dạy ngoại ngữ thì sẽ bắt buộc thi môn này ở bậc phổ thông.

Giáo dục thời quá độ

Trả lời đại biểu quốc hội về lý do đổi mới thi cử trước khi đổi mới chương trình, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phân tích, về nguyên tắc lý thuyết là đổi mới chương trình - sách giáo khoa rồi mới đổi mới thi cử.

Nhưng trong giai đoạn quá độ, khi chưa thay đổi được sách giáo khoa thì phải đổi mới thi cử để định hướng cách dạy và học theo phương pháp mới: thay vì nặng về truyền thụ kiến thức chuyển sang chú trọng đào tạo năng lực, phương pháp cho người học.

Kết quả kỳ thi tốt nghiệp đã được đánh giá cao, góp phần thay đổi cách dạy học trong trường phổ thông.

Bộ Giáo dục sẽ không viết sách giáo khoa

Trình bày về đổi mới chương trình và sách giáo khoa, Tư lệnh ngành Giáo dục cho biết, dự kiến, Bộ sẽ ban hành khung chương trình đào tạo, sau đó công bố rộng rãi cả nước biết. Trên cơ sở chương trình sẽ huy động toàn xã hội tham gia viết sách giáo khoa và sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa cho học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã phối hợp với VTV và Viettel để đẩy mạnh đào tạo từ xa.

34000 tỷ sai sót do cán bộ bị "khớp"

Giải thích về sai sót khi công bố con số 34000 tỷ, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, khi làm dự thảo, Bộ căn cứ vào cách làm từ năm 2000, dựa vào Nghị quyết 40 của Quốc hội. Lúc đó cũng không cần trình kinh phí, mà chỉ đưa ra dự thảo để Quốc hội ra Nghị quyết. Sau đó mới đưa kinh phí vào dự án làm sách giáo khoa.

Dự thảo vừa qua của Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng không có con số 34000 tỷ. Nhưng khi đại biểu Quốc hội hỏi thì một cán bộ cấp  Vụ của Bộ, do bị "khớp" khi dự buổi họp như vậy, nên mới đưa ra con số đó.

Tư lệnh ngành Giáo dục mong muốn Quốc hội thông cảm cho cán bộ của mình.

"Chúng tôi cũng biết con số đó gây lo lắng cho nhân dân cả nước. Làm họ hiểu lầm rằng mấy ông này vẽ ra dự án để tiêu tiền của dân" - vị Hiệu trưởng năm xưa ĐH Thương mại nói.

Quy trình sắp tới là Bộ sẽ làm dự án, có nêu kinh phí, trình các Bộ liên quan và trình Chính phủ. Nếu vượt thẩm quyền Chính phủ quyết định sẽ đưa ra Quốc hội.

Trường chất lượng cao sẽ thu học phí cao

Trình bày về trường chất lượng cao được đầu tư 100% từ ngân sách có gây bất bình đẳng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng: "Tránh mang tiền của toàn dân đầu tư cho một bộ phận", nên phải xã hội hóa để ai học ở đó phải đóng góp nhiều hơn.

Ông cũng cho biết, trường chất lượng cao không đồng nghĩa dịch vụ cao, không có nghĩa là có nhiều máy lạnh hơn trường thường, mà là đào tạo cho người học có năng lực tốt hơn trường khác.

Phương Đông

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang