Ẩn họa đồ chơi phát sáng

authorThanh Uyên 11:58 29/09/2015

(VietQ.vn) - Không rõ nguồn gốc, chất lượng, những món đồ chơi phát sáng đang được giới trẻ ưa thích và săn lùng tìm mua. Tuy nhiên, với những trẻ nhỏ bộ phận pin nhỏ để thắp sáng đèn bên có thể khiến trẻ ngạt thở, thậm chí tử vong nếu trẻ nuốt chúng.

Ẩn họa đồ chơi phát sáng

Đồ chơi phát sáng được giới trẻ ưa thích và được tiêu thụ mạnh dịp Tết Trung thu vừa qua

Đa dạng đồ chơi phát sáng 

Trong dịp Tết Trung Thu những món đồ chơi phát sáng được bán khá phổ biến. Đồ chơi phát sáng đang được bán trên thị trường khá phong phú, như que nhựa, vòng đeo tay, kính, bờm cho đến đèn ngủ, thậm chí là cốc uống nước. Mỗi sản phẩm có giá dao động từ 2.000 đến 90.000 đồng bán tran lan từ trên các trang mạng đến sạp hàng đồ chơi.

Một chủ một shop bán đồ chơi online cho biết, đồ chơi phát sáng đang là mốt năm nay. Các bạn trẻ mua nhiều để trang trí phòng ngủ và hầu hết làm phụ kiện trang phục đi chơi vào buổi tối. Đặc biệt, nhiều phụ huynh cũng mua cho những trẻ nhỏ chơi vì các món đồ chơi này có nhiều màu sắc và rất bắt mắt.
Theo người bán, đồ chơi phát sáng không có độc hại và chỉ dùng được một thời gian nhất định là bị mất sáng.

Tại một cửa hàng kinh doanh đồ chơi trên phố Hàng Mã, Hà Nội, trong tất cả các mặt hàng, thì que nhựa và cốc phát sáng là bán chạy nhất. Một hộp 50 que có giá 80.000 - 85.000 đồng, cốc phát sáng giá 60.000 – 70.000 đồng/chiếc. Ngoài ra còn bờm tóc, kính giả đeo mắt, miếng dán quần áo phát sáng... có giá 5.000 – 30.000 đồng/chiếc.

Chị Ngọc, chỉ cửa hàng cho biết, đồ phát sáng nhập từ một thương lái lấy hàng ở Trung Quốc, có giá nhập buôn rất rẻ, chỉ bằng 1/3 – 1/5 giá bán lẻ ra thị trường. Theo chị Ngọc, khách hàng mua đồ chơi phát sáng chủ yếu là các bạn trẻ và sinh viên. Ngoài ra, nhiều phụ huynh cũng mua cho con nhỏ.

Ẩn họa đồ chơi phát sáng

Nguy hiểm khi cho trẻ chơi

Theo tìm hiểu của Chất lượng Việt Nam, những sản phẩm như cốc, mũ, ca, đèn ngủ, nhẫn phát sáng 7 màu được nhiều bạn trẻ thích thú và mua với số lượng lớn, tất cả các sản phẩm này đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Đa số người mua  đều cho rằng thấy đẹp nên mua chứ không để tâm đến nguồn gốc, xuất xứ hay độc hại như thế nào.

Chị Ngọc Hoa (Tứ Liên, Tây Hồ) cũng mua tặng con cặp kính phát sáng với giá 30.000 đồng. Chị cho biết, khi mua đồ chơi, cứ chiều theo ý con thích chứ thường không để ý đến độc hại hay nguồn gốc xuất xứ của chúng. Tuy nhiên, chị Thúy (Định Công, HN) phụ huynh bé Mai Anh  lại cho biết chị rất đề phòng với các đồ chơi lạ, đặc biệt gần đây thấy trẻ em hay chơi những đồ phát sáng. Tuy chưa biết chúng có độc hại hay không nhưng anh không khuyến khích cho con mình chơi.

Trước đó, tại Anh đã tiến hành thu hồi nhẫn đồ chơi phát sáng sau khi cơ quan chức năng lo ngại về vấn đề an toàn. Bộ phận quản lý và kiểm tra tiêu chuẩn, chất lượng thương mại Bromley đã gửi lời cảnh báo với các bậc phụ huynh sau khi họ tiến hành thu hồi hàng trăm đồ chơi nhẫn phát sáng. 

Ẩn họa đồ chơi phát sáng

Nhẫn phát sáng đã được giới chức Anh khuyến cáo và thu hồi  vì có khả năng gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ

Theo báo cáo, những chiếc nhẫn nhấp nháy có bộ phận pin nhỏ để thắp sáng đèn bên trong. Giới chuyên môn lo ngại bộ phận nắp bảo vệ pin có thể dễ dàng vỡ, khiến pin rơi ra. Giới chức cảnh báo, nếu trẻ em nuốt pin, nó có thể khiến trẻ ngạt thở, chảy máu nội bộ và thậm chí tử vong. Tuy nhiên tại Việt Nam, nhẫn phát sáng lại được rất nhiều phụ huynh mua cho con em mình sử dụng vì món đồ chơi này đẹp, thu hút và được trẻ ưa thích.

Theo bác sỹ Nguyễn Hoài Thu, khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Trung ương, tình trạng trẻ nuốt phải phụ kiện của đồ chơi gây hóc, ngẹt đường thở không phải là chuyện hiếm. Trong khi đó, trên thị trường hiện nay, đồ chơi trẻ em không được kiểm định chất lượng cũng như dán nhãn cảnh báo lại được bán rất phổ biến. 

Theo ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, đơn vị này trong đợt kiểm tra đồ chơi trẻ em dịp Tết Trung thu vừa qua cũng đã phát hiện sai phạm của một số cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em, lỗi vi phạm chủ yếu là đồ chơi không có hồ sơ đánh giá sự phù hợp, không dán nhãn hoặc nhãn không có thông tin đầy đủ. Hầu hết các loại đồ chơi này đều có nguồn gốc Trung Quốc và được mang về tiêu thụ theo đường tiểu ngạch.

Ông Tuấn cũng cảnh báo người tiêu dùng nên thận trọng khi lựa chọn các món đồ chơi cho con em mình, đặc biệt lưu ý đến đồ chơi phù hợp lứa tuổi và có nguồn gốc rõ ràng, được chứng nhận hợp quy.



Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang