Bác sĩ hướng dẫn cách ăn uống hợp lý khi mắc bệnh sốt xuất huyết

author 16:00 05/07/2017

(VietQ.vn) - “Khi bị sốt xuất huyết, cơ thể người bệnh rất mệt mỏi nên cần phải ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp…”, bác sĩ Hoa nói.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính vô cùng nguy hiểm do virut Dengue gây ra và lan truyền sang người do muỗi đốt. Mùa hè là thời điểm dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh mẽ nhất. Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ đầu năm đến ngày 22/6, toàn thành phố Hà Nội có trên 2.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết.

Từ đầu tháng 6, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng nhanh và bùng phát mạnh mẽ hơn. Bệnh sốt xuất huyết trước đây thường gặp ở trẻ em nhưng những năm gần đây số người lớn mắc bệnh này cũng tăng nhiều lần so với các năm trước.

Không những thế, sốt xuất huyết là loại bệnh chưa có vacxin phòng nên bệnh này càng trở nên nguy hiểm. Ngoài ra, bệnh thường gây ra dịch lớn khiến nhiều người bị mắc cùng lúc và rất khó khăn trong việc điều trị.

sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính vô cùng nguy hiểm do virut Dengue gây ra và lan truyền sang người do muỗi đốt 

 

Dấu hiệu nhận biết đầu tiên và 3 giai đoạn của sốt xuất huyết

Nói về các dấu hiệu nhận biết đầu tiên của sốt xuất huyết, trao đổi với PV Chất Lượng Việt Nam Online, bác sĩ Chu Hoa công tác tại một phòng tiêm chủng dịch vụ ở Dương Nội  (Hà Đông – Hà Nội) cho biết: “Dấu hiệu nhận biết đầu tiên của sốt xuất huyết ở giai đoạn đầu chính là sốt không rõ nguyên nhân từ 2-5 ngày, có các dấu hiệu như chấm xuất huyết, mảng xuất huyết trên da”.

Cũng theo bác sĩ Chu Hoa, một số trường hợp khác sẽ bị nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau cơ, chảy máu chân răng, chảy máu mũi. Trường hợp nặng hơn sẽ bị nôn ra máu hay đi ngoài ra máu.

Bệnh sốt xuất huyết có 3 giai đoạn khác nhau . Cụ thể, giai đoạn đầu là sốt, giai đoạn thứ 2 là đã nguy hiểm và giai đoạn thứ 3 là hồi phục. Bệnh sẽ có những biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm, kịp thời và điều trị đúng.

“Sốt xuất huyết cũng rất dễ bị nhẫm lẫn với sốt phát ban nên khi bị sốt mọi người không được tự ý mua thuốc về uống sẽ khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Những bệnh nhân bị sốt xuất huyết tuyệt đối không dùng thuốc hạ sốt có các thành phần Aspirin bởi nó sẽ làm tình trạng xuất huyết trở nên trầm trọng hơn”, bác sĩ Hoa nói thêm.

sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết trước đây thường gặp ở trẻ em nhưng những năm gần đây số người lớn mắc bệnh này cũng tăng nhiều lần so với các năm trước. 

 

Khi mắc bệnh sốt xuất huyết thì cần phải chú ý ăn uống như thế nào?

Trước câu hỏi về những lưu ý đặc biệt khi mắc bệnh sốt xuất huyết, bác sĩ Hoa khuyên như sau: “Khi bị sốt xuất huyết, cơ thể người bệnh rất mệt mỏi nên cần phải ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp hay các loại rau xanh, hoa quả”.

Cụ thể, ăn cháo sẽ giúp cơ thể nhanh khỏe hơn, các loại rau xanh hay hoa quả cũng giúp bổ sung năng lượng và tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Người bị sốt xuất huyết cũng không nên ăn những thức ăn quá nhiều dầu mỡ vì nó sẽ gây đầy bụng khó tiêu. Đống thời, những thực phẩm có màu sẫm như nước trái cây đậm màu, nước có ga, nước coca người bệnh cũng cần phải tránh xa vì khi ăn uống những thực phẩm này bệnh nhân có thể bị nôn hoặc bị xuất huyết dạ dày khiến bệnh trở nên trầm trọng và nguy hiểm hơn.

Ngoài ra, khi bị bệnh này nên uống nhiều nước để bổ sung lượng nước đã mất đi khi bị sốt, giúp cơ thể không bị kiệt sức và giúp bệnh nhân nhanh khỏe hơn.

Người bị sốt xuất huyết nên uống các loại nước như nước sôi để nguội, nước cam bởi nó chứa nhiều vitamin giúp tiêu hóa và tăng cường sức đề kháng, nước dừa giúp bổ sung chất điện giải và chất khoáng bị mất…

Các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết tốt nhất chính là tiêu diệt và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, lăng quăng, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

Để tiêu diệt và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, lăng quăng bọ gậy chúng ta cần: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn để tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy. Thường xuyên vệ sinh các dụng cụ chứa nước. Dọn vệ sinh môi trường, cất hoặc lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân tủ đựng bát, thường xuyên thay nước cho bình đựng hoa.

Đồng thời, để phòng chống muỗi đốt chúng ta cần: Mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn kể cả ban ngày. Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi để loại bỏ chúng. Các loại màn hay rèm nên tẩm hóa chất diệt muỗi. Đối với người bị sốt xuất huyết nên nằm trong màn để tránh muỗi đốt làm lây lan bệnh cho người khác. Ngoài ra, cần tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

 
   

 Lan Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang