Phanh phui ‘công nghệ’ nuôi lợn siêu nạc tại loạt trang trại ở Thanh Hóa

author 12:20 04/04/2016

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng đã phát hiện 3 trang trại Thanh Hóa sử dụng chất tạo nạc Salbutamol bị cấm trong chăn nuôi.

Sự kiện: Hóa chất trong thực phẩm

Theo những tin tức mới nhất trên báo Dân Trí, trước tình trạng người tiêu dùng hoang mang lo ngại vì thịt lợn có chứa chất tạo nạc Salbutamol tràn lan trên thị trường, trong tháng 3/2016 vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành thanh, kiểm tra 70 trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi lợn, bò thịt trên địa bàn 12/27 huyện trọng điểm về chăn nuôi là: Huyện Nông Cống, Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Đông Sơn,Yên Định, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Thạch Thành và huyện Hà Trung.

Lực lượng chức năng đã phát hiện 3 trang trại chăn nuôi ở Thanh Hóa sử dụng chất tạo nạc Salbutamol vượt mức cho phép

Lực lượng chức năng đã phát hiện 3 trang trại chăn nuôi ở Thanh Hóa sử dụng chất tạo nạc Salbutamol vượt mức cho phép. Ảnh minh họa

Đoàn kiểm tra đã lấy 160 mẫu nước tiểu kiểm tra bằng phương pháp test Kít thử nhanh. Trong đó có 5 mẫu nước tiểu tại 3 cơ sở chăn nuôi là hộ ông Trương Văn Định (xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa), hộ ông Lê Văn Nam (xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc), trang trại của ông Đỗ Văn Đại (xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân) có kết quả dương tính với chất cấm Salbutamol.

Tổng số mẫu gửi phân tích định lượng chất cấm Salbutamol: 5 mẫu nước tiểu; 4 mẫu thức ăn chăn nuôi và 4 gói bột trộn vào thức ăn cho lợn. Kết quả kiểm tra, 5 mẫu nước tiểu đều có hàm lượng định lượng chất cấm Salbutamol vượt quá ngưỡng tối đa cho phép.

Kết quả kiểm tra 8 mẫu thức ăn chăn nuôi và gói bột trộn vào thức ăn cho lợn phát hiện 1 mẫu bột của hộ gia đình ông Lê Văn Nam có hàm lượng định lượng chất cấm Salbutamol là 254mg/kg. Căn cứ kết quả kiểm nghiệm, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với 3 cơ sở chăn nuôi nêu trên; phạt tiền nộp ngân sách Nhà nước là 40 triệu đồng.

Đối với đàn lợn thịt của 3 cơ sở có sử dụng chất tạo nạc Salbutamol nói trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện, UBND xã tiếp tục giám sát, theo dõi đàn lợn cho đến khi kiểm tra tồn dư không còn chất cấm mới được xuất bán. Sau thời gian từ 10 -15 ngày, đoàn liên ngành đã kiểm tra lại, kết quả test lại bằng Kít thử nhanh cho kết quả âm tính, đoàn liên ngành đã đồng ý cho cơ sở chăn nuôi được phép xuất bán đàn lợn thịt trên.

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản gửi cơ quan Công an tỉnh Thanh Hóa đề nghị điều tra hành vi cung ứng, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cũng đã tiến hành lấy 6 mẫu thịt tại 2 siêu thị Coopmart và BigC gửi đi phân tích hàm lượng Salbutamol tại Trung tâm vệ sinh thú y Trung ương 1. Kết quả không phát hiện chất tạo nạc Salbutamol.

Đoàn kiểm tra đã xử phạt hành chính 3 cơ sở sử dụng chất cấm trong chăn nuôi 40 triệu đồng

Đoàn kiểm tra đã xử phạt hành chính 3 cơ sở sử dụng chất cấm trong chăn nuôi 40 triệu đồng. Ảnh VTV

Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra cũng đã tiến hành kiểm tra 8 cơ sở giết mổ lợn, lấy 20 mẫu nước tiểu kiểm tra chất Salbutamol bằng phương pháp test nhanh. Kết quả 20 mẫu nước tiểu đều không có chất cấm Salbutamol.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu lực lượng chức năng phát hiện các cơ sở chăn nuôi sử dụng chất cấm Salbutamol để tăng độ nạc cho thịt lợn. Điều này khiến người tiêu dùng hoang mang bởi thịt lợn là loại thực phẩm được tiêu thụ phổ biến nhất hiện nay.

Trao đổi về vấn đề này với Zing News, GS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cán bộ Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết các chất tạo nạc cho lợn thường có nguồn gốc từ nhóm B-agonist là Salbutamol, Chlebutarol. Đây là nhóm chất độc hại mà Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấm sử dụng nhiều năm nay.

'Người chăn nuôi thường pha chất này với thức ăn cho lợn trong khoảng 1 - 2 tháng, thậm chí là 15 ngày. Sau khi sử dụng khoảng nửa tháng, người chăn nuôi phải cho lợn xuất chuồng vì nếu không chúng sẽ thoái hóa, có thể chết. Do đó, nếu ăn phải thịt lợn chứa chất tạo nạc, người sử dụng sẽ ăn trực tiếp tồn dư các chất đó', PGS Thịnh cho biết.

Theo vị chuyên gia này phân tích, chất tạo nạc đi vào cơ thể lợn sẽ làm máu ở phần thịt nạc dồn lên phía mỡ bên trên. Sau đó, phần mỡ này chuyển dần sang màu đỏ giống như thịt nạc, khiến nhiều người tiêu dùng lầm tưởng. Riêng về Salbutamol, GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh vật học Việt Nam, cho hay đây là thuốc để điều trị bệnh hen suyễn với liều lượng rất nhỏ và cần sự kiểm soát chặt chẽ của thầy thuốc.

Tuy nhiên khi sử dụng chất tạo nạc Salbutamol trái phép trong chăn nuôi, người ta thường dùng với liều lượng cao hơn gấp 5 - 10 lần so với quy định, gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Người tiêu dùng cần chủ động biết cách phân biệt thịt lợn chứa chất tạo nạc Salbutamol với thịt lợn sạch

Người tiêu dùng cần chủ động biết cách phân biệt thịt lợn chứa chất tạo nạc Salbutamol với thịt lợn sạch. Ảnh minh họa

"Salbutamol và Clenbutarol đều được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa. Vì vậy, chất này còn tồn dư trong thịt bao nhiêu thì người sử dụng sẽ hấp thụ bấy nhiêu. Sau một thời gian tích lũy trong cơ thể, người tiêu dùng sẽ bị nhiễm độc gây nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn tiêu hóa. Trường hợp ngộ độc nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng", PGS Thịnh khuyến cáo.

Riêng về khả năng gây ung thư, chuyên gia này cho biết hiện nay chưa có công bố chính thức về điều này. Mặc dù vậy, chất tạo nạc vẫn là hóa chất có khả năng gây hại cho sức khỏe con người.

Dù Salbutamol (một hóa chất tạo nạc phổ biến nhất) vẫn đang được dùng trong y tế, nhưng PGS Thịnh vẫn khẳng định: "Không có nghĩa chúng được dùng trong y tế là có thể dùng để chăn nuôi. Chúng ta vẫn bán thuốc trừ sâu, nhưng không thể dùng để làm các việc khác. Do đó, người tiêu dùng cần chủ động hơn trong việc bảo vệ bản thân và gia đình".

Phan Huyền (T/h)

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang