Đảm bảo năng lượng bền vững, cần tập trung đầu tư cho khoa học công nghệ

author 06:10 10/08/2018

(VietQ.vn) - Theo ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, để năng lượng phát triển bền vững phải tập trung vào phát triển khoa học công nghệ.

Việt Nam có nguy cơ thiếu điện vào năm 2021

Ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong giai đoạn đến năm 2030 nhu cầu sử dụng điện sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao. Theo tính toán, các năm 2019-2020, nhìn chung cung ứng điện có thể được đảm bảo, nhưng đến các năm 2021-2023, hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu điện và nhiều khả năng xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam.

Thậm chí tình trạng thiếu điện miền Nam có thể tăng cao hơn và kéo dài ra cả giai đoạn đến năm 2025 nếu như phụ tải tăng trưởng cao, lượng về các hồ thủy điện kém hơn trung bình nhiều năm; nguồn khí Lô B, khí Cá Voi Xanh chậm tiến độ và các dự án nguồn điện mới tiếp tục bị chậm tiến độ so với cập nhật hiện nay. Theo tính toán, mỗi dự án nhiệt điện than từ 1.000 - 1.200MW tại miền Nam bị chậm tiến độ sẽ làm mức độ thiếu điện tại miền Nam tăng thêm từ 7,2 đến 7,5 tỷ kWh/năm.

Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, việc đảm bảo nguồn cung năng lượng hiện gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Quyên Lưu

Ông Hải cho biết thêm, việc đảm bảo cung ứng điện toàn toàn quốc trong thời gian tới sẽ có nhiều rủi ro bởi các nguồn điện đã được khởi công xây dựng để đưa vào vận hành trong 5 năm tới rất thấp so với yêu cầu, hiện nay chỉ có 7 dự án nhiệt điện than với 7.860MW đã được khởi công và đang triển khai xây dựng. Như vậy, còn trên 18.000MW trong số 26.000 MW các dự án nhiệt điện than dự kiến vào vận hành trong 5 năm tới, nhưng đến nay chưa được khởi công xây dựng và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng điện các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, nhiều dự án nguồn điện tiềm ẩn rủi ro và có thể sẽ tiếp tục bị chậm tiến độ so với đánh giá tại thời điểm hiện nay. Đồng thời, việc đảm bảo nguồn nhiên liệu cho phát điện gặp khó khăn, nguồn khí thiên nhiên trong nước hiện đang khai thác đã suy giảm mà chưa có nguồn cấp khí thay thế...

Liên quan tới vấn đề này, ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, năm 2017, tổng điện sản xuất và mua đạt 192,45 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2016, điện thương phẩm đạt 174,05 tỷ kWh, tăng 8,92% so với năm 2016. Trong giai đoạn 2011-2015 tổng công suất đặt nguồn điện toàn quốc tăng bình quân 12,8%/năm, cao hơn mức tăng trưởng phụ tải cực đại cùng giai đoạn là 9,6%/năm, trong đó công suất đặt nguồn điện năm 2015 đạt 39.350 MW, đứng thứ 2 trong các nước Asean.

Thách thức thứ nhất trong đảm bảo an ninh năng lượng mà Việt Nam có thể sẽ đối mặt liên quan đến hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Thứ hai, tốc độ tăng cao nhu cầu năng lượng gây sức ép lên hạ tầng cơ sở. Thách thức về tác động môi trường của hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng do nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh.

Cần đầu tư cho khoa học công nghệ

Phó Cục trưởng Cục điện lực và Năng lượng tái tạo Lê Văn Lực cho rằng, thời gian tới, để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam cần tập trung huy động mọi nguồn lực cho phát triển năng lượng, đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng với chất lượng ngày càng cao với mức giá hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; sử dụng đa dạng và hợp lý các nguồn năng lượng sơ cấp trong và ngoài nước…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động sử dụng năng lượng và khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo bảo đảm an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu; từng bước xây dựng các thị trường năng lượng cạnh tranh nhằm tăng hiệu quả hoạt động và khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng sạch.

Đứng ở góc độ làm khoa học và quản lý khoa học, ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng hiện có những khoảng trống cần nghiên cứu, bổ sung, đề xuất để phát triển toàn diện ngành năng lượng ở Việt Nam. Ông Nguyễn Quân chia sẻ, khoa học công nghệ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, nhất là trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

“Tuy nhiên trong các Quyết định, mảng khoa học công nghệ chưa thực sự nổi bật và các giải pháp còn chung chung. Trong 10 năm qua, số lượng đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về năng lượng tái tạo rất ít, dẫn tới phụ thuộc nhiều vào công nghệ, nguồn năng lượng nước ngoài. Để năng lượng phát triển bền vững phải tập trung vào phát triển khoa học công nghệ” ông Nguyễn Quân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN cho rằng muốn phát triển năng lượng bền vững, cần đầu tư phát triển khoa học công nghệ. Ảnh: Quyên Lưu 

Cũng theo ông Quân, điện gió và điện mặt trời là 2 nguồn năng lượng tái tạo cần được đặc biệt quan tâm bởi những nghiên cứu chủ lực về sử dụng nguồn năng lượng này ở Việt Nam còn rất ít. Để phát triển nguồn năng lượng này Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị ngành năng lượng cần làm chủ về công nghệ trong đó có nghiên cứu về công nghệ vật liệu và công nghệ cơ khí chế tạo. Nếu không làm chủ được công nghệ sẽ phụ thuộc vào nhập khẩu, từ đó đẩy giá thành lên cao, điều này sẽ khó được Chính phủ chấp nhận.

Còn theo ông Ngô Sơn Hải, để đảm bảo an ninh năng lượng trong thời gian tới, cần đảm bảo tốt đồng hành 2 giải pháp là kiểm soát nhu cầu phụ tải và đảm bảo về nguồn cung điện. Theo đó, cần tăng cường các giải pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả và quản lý nhu cầu sử dụng điện; kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất công nghiệp trong việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức về sử dụng năng lượng theo quy định.

Đồng thời, lựa chọn áp dụng quy trình và mô hình quản lý sản xuất tiên tiến, biện pháp công nghệ phù hợp và thiết bị công nghệ có hiệu suất cao. Ngoài ra, nước ta cần khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán và các dự án điện mặt trời tại các khu vực khả thi về đấu nối.

Mặt khác, cần có cơ chế về khung giá mua điện từ Lào, tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc; phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và tập trung đầu tư công trình lưới điện 220-110kV và tạo điều kiện để phát triển các dự án điện mặt trời, ưu tiên phát triển các dự án gần trung tâm phụ tải, thuận tiện đấu nối.

Bảo Lâm

'Bùng nổ' thiết bị công nghệ và giải pháp tối ưu hóa sử dụng năng lượng(VietQ.vn) - Nhiều thiết bị công nghệ và hệ thống máy móc, giải pháp tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà đã được giới thiệu tại Triển lãm HVACR Vietnam 2018
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang