Hóa chất biến thịt lợn thành thịt bò tàn phá sức khỏe người dùng thế nào?

author 08:10 08/10/2016

(VietQ.vn) - Mấy ngày gần đây người tiêu dùng lại ‘ngã ngửa’ chuyện biến thịt lợn thành thịt bò từ hóa chất độc hại.

Trên báo điện tử VTV mới đăng tải một đoạn clip thịt lợn nái được phù phép thành thịt bò sau đó phân phối ở khắp các chợ lớn nhỏ ở Hà Nội khiến người tiêu dùng hoang mang. Việc tẩm ướt thịt bò giả còn diễn ra ngay các quầy hàng mà không hề có sự xuất hiện các cơ quan chức năng, 12 mẫu thịt bò được mang đi kiểm định chỉ có 2 mẫu là thịt bò thật, còn lại là thịt lợn nái, thịt lợn sề.

Buôn bán bò giả mang lại cho các chủ cửa hàng lãi suất rất lớn. Mánh khóe của các gian thương này rất đơn giản, chỉ cần mua thịt lợn nái hoặc thịt trâu rẻ về, lọc lấy phần nạc rồi tiến hành ngâm với mỡ bò khoảng 2 đến 3 tiếng là đã có ngay một miếng thịt mùi vị không khác thịt bò thật. Nguy hiểm hơn, các chủ cửa hàng này còn sử dụng thêm các hóa chất độc hại, các loại phụ gia xuất xứ từ Trung Quốc để tạo màu, độ dính sao cho giống với hàng thật.

 Thịt lợn được ngâm hóa chất thành thịt bò.

 Thịt lợn được ngâm hóa chất thành thịt bò. Ảnh: VTV

Liên quan tới thịt bò giả từ thịt lợn, mới đây vào hồi tháng 4/2016, theo VNN, Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia tiến hành lấy hàng loạt mẫu thịt bò tươi, thực phẩm có nguyên liệu từ thịt bò tại các quận, huyện của Hà Nội để kiểm tra. Kết quả rất bất ngờ. Cụ thể, trong 44 mẫu thịt bò tươi, có 35 mẫu là thịt bò thật, còn lại 8 mẫu là thịt lợn, 1 mẫu là thịt trâu.

Trong 10 cửa hàng chuyên phở bò được kiểm nghiệm, có 8 quán là phở bò, còn lại 2 quán là phở thịt lợn. Trong 12 mẫu nạm bò thì chỉ có 2 mẫu là bò thật còn có tới 10 mẫu là thịt lợn.

Đặt biệt, trong số 20 mẫu giò bò được lấy tại chợ và siêu thị thì 9 mẫu hoàn toàn là thịt lợn, 8 mẫu hàm lượng bò thấp, chiếm 13%, 2 mẫu có lượng thịt bò chiếm 33% và 1 mẫu duy nhất đạt hàm lượng thịt bò 60%.

Ngoài ra, Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia cũng đã lấy 23 mẫu xúc xích bò tại chợ và một số mẫu có nhãn mác, được cấp phép đầy đủ thì có tới 8 mẫu không phát hiện có hàm lượng thịt bò, 15 mẫu còn lại hàm lượng thịt bò rất thấp.

Trái Đất có nguy cơ quay về kỳ tiểu băng hà(VietQ.vn) - Theo các nhà khoa học, rất có thể 3 năm nữa các vết đen trên Mặt Trời biến mất báo trước sự xuất hiện thời kỳ tiểu băng hà trên Trái Đất.

Theo Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia, do áp dụng phương pháp tách chiết ADN nên các kết quả phân tích nói trên hoàn toàn chính xác.

Đáng nói, dù không phải thịt bò nhưng những miếng thịt và các sản phẩm chế biến nói trên vẫn có mùi và màu sắc bò đặc trưng. Câu hỏi đặt ra, loại phụ gia, chất tạo màu nào đã được sử dụng để “hô biến” thịt lợn thành thịt bò?

Ăn thịt bò giả độc hại thế nào?

Ăn thịt bò giả làm từ thịt lợn có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của chúng ta. Nếu hóa chất tẩm ướp có nguồn gốc tự nhiên thì an toàn cho sức khỏe nhưng nếu sử dụng hóa chất có nguồn gốc công nghiệp, dạng bột thì vô cùng nguy hiểm, thông tin trên báo GĐVN.

Theo một chuyên gia về thực phẩm, hóa chất Metabisulfite được dùng trong việc tẩy uế, chống oxy hóa và chất bảo quản, được cho phép dùng trong xử lý, chế biến các loại nước uống hoặc bia rượu với liều lượng nhất định. Metabisulfite nếu được dùng trong việc chế biến thịt lợn nái thành thịt bò giả thì cực kỳ nguy hiểm bởi người ăn phải loại thịt ngâm hóa chất này sẽ ảnh hưởng lớn đến đường hô hấp.

Thịt bò được bày bán khắp nơi thật giả lẫn lộn.

Thịt bò được bày bán khắp nơi thật giả lẫn lộn. Ảnh minh họa

Maltol là một phụ gia thực phẩm tạo hương vị rất phổ cập trong chế biến thức ăn, nước uống, dầu thơm… Đây cũng là một chất phụ gia mà nhiều gian thương dùng để “phù phép” thịt lợn thành thịt bò, đưa ra thị trường kiếm lợi nhuận bất chính. Với liều dùng cao, maltol có thể giúp chất nhôm (Al) vượt qua hàng rào máu não (blood brain barrier, BBB) vào hệ thần kinh trung ương, não bộ, gây bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer.

Vì thế, các nhà dinh dưỡng khuyên người ăn chay lớn tuổi tránh dùng món ăn có maltol. Lượng chấp nhận được mỗi ngày (ADI): lên đến 2 mg/kg trọng lượng cơ thể. Nhiều bà nội trợ búc xúc trước việc mua thịt bò, giò bò… nhưng lúc ăn mới biết là thịt lợn. Có trường hợp nấu lên thịt trắng, mùi bò chỉ thoang thoảng, thịt mềm chứ không dai. Có trường hợp khi xào thịt miếng trắng, miếng đen mới biết thịt bò bị trộn lẫn với thịt lợn. Thậm chí, nhiều trường hợp ăn phở bò, phần nước thì có mùi bò, còn phần thịt miếng có miếng không.

Cách nhận biết thịt bò thật - giả

Theo VNE, quan sát thịt: Thịt bò thật có màu hồng đậm hoặc đỏ au; trong khi đó thịt bò giả dù được tưới huyết bò vẫn nhạt màu hơn, không đều, không tự nhiên.

Bắp bò có gân đặc trưng: Thớ thịt bò bé và dài, mỡ màu vàng nhạt; thịt lợn có thớ to và ngắn, nhìn không mịn, mỡ màu trắng đục.

Thịt trâu giả thịt bò có màu đen sẫm, thớ thịt to và thô, phần mỡ có màu trắng. Khi mua thịt bò nên chọn cắt ra từ súc thịt lớn, không mua miếng thịt nhỏ vì rất có thể đó là thịt lợn trộn vào.

Sờ tận tay: Ấn nhẹ tay lên miếng thịt. Nếu là thịt bò thật, miếng thịt sẽ dẻo, khô, ít tính đàn hồi, thịt dính tay. Với thịt bò giả, ấn tay vào thấy mềm, bở, không có cảm giác thịt dính vào tay.

Với thịt giả: Khi miết tay vào miếng thịt sẽ thấy có phẩm màu ở tay; thái miếng, phần thịt bên trong nhạt màu hơn so với phần thịt ở ngoài, thịt không dính vào dao và có nước rỉ ra. Những loại thịt giả thường có mùi tanh chứ không có mùi hôi nồng đặc trưng của thịt bò.

Thịt bò thật có mùi hôi của bò, kể cả sau khi chế biến vẫn giữ nguyên màu sắc hồng sậm, vị ngọt và mùi thơm rất đặc trưng. Còn thịt giả sau khi nấu sẽ nhợt nhạt, nếu không may mua phải thịt lợn hay trâu đã chết lâu thì thậm chí còn có mùi tanh rất khó chịu.

 An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang