Khởi nghiệp sáng tạo thời chuyển đổi số: 'Đừng bỏ lỡ'

author 07:16 16/08/2020

(VietQ.vn) - "Theo tôi cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng chuyển đổi số là cơ hội vô cùng lớn cho các startup trẻ, đừng bỏ lỡ!", ông Giang Thiên Phú – Giám đốc điều hành Công ty Gadget Việt Nam nhấn mạnh.

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành xu hướng toàn cầu, khởi nghiệp về chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ tạo sự tăng trưởng kinh tế, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao và đa dạng của xã hội, đồng thời tạo ra nhiều việc làm cho cộng đồng. Mặc dù vậy, cơ hội luôn đi kèm thách thức, hơn nữa đại dịch Covid-19 đang được xem như “bẫy kinh tế” đối với không chỉ startup mà còn với các doanh nghiệp lớn. Để hiểu rõ những khó khăn, đồng thời đưa ra lời khuyên phát triển cho các startup Việt Nam, phóng viên Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) đã có cuộc trao đổi với ông Giang Thiên Phú – Giám đốc điều hành Công ty Gadget Việt Nam - đơn vị chuyên cung cấp các nền tảng công nghệ CRM để chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong lĩnh vực Telesales như Callio và Cocall.

Ông Giang Thiên Phú – Giám đốc điều hành Công ty Gadget Việt Nam. 

PV: Hiện nay, chuyển đổi số đem lại cơ hội song cũng là cạm bẫy với nhiều startup. Vậy theo ông, startup cần làm gì để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức chuyển đổi số trong khởi nghiệp?

Ông Giang Thiên Phú: Nếu doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số vì coi nó là “cơn sốt” thì đích thị doanh nghiệp đã “sa bẫy”. Chuyển đổi số phải đến từ chính nhu cầu của doanh nghiệp cần cạnh tranh và cần tồn tại trong thời đại số.

Như chúng ta đã biết gần đây rất nhiều mô hình doanh nghiệp truyền thống “lao đao” vì bị cạnh tranh bởi doanh nghiệp số, ví dụ các doanh nghiệp vận tải kêu cứu vì mất khách cho Uber/Grab, hay các doanh nghiệp khách sạn và nghỉ dưỡng bị cạnh tranh gay gắt từ mô hình Airbnb.

Trong thời gian tới sẽ có rất nhiều mô hình doanh nghiệp số có thể “đánh bay” doanh nghiệp truyền thống khỏi thị trường, do vậy chuyển đổi số đối với doanh nghiệp phải là chuyện “sống còn” chứ không phải là cơn sốt!

PV: Với Gadget Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đang được thực hiện như thế nào?

Ông Giang Thiên Phú: Gadget là doanh nghiệp số từ đầu nhưng cũng không ngừng chuyển đổi số, với chúng tôi chuyển đổi số đến từ ngay trong tư tưởng: Khi cần giải quyết bất kỳ vấn đề nội tại hay vấn đề thị trường điều đầu tiên chúng tôi nghĩ đến là dùng công nghệ gì, ứng dụng công nghệ như thế nào để đem lại hiệu quả cao nhất.

PV: Xoay quanh câu chuyện khởi nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, để khởi nghiệp thành công, ý tưởng lớn là chưa đủ. Theo ông, còn cần những yếu tố nào để tạo nên sự thành công cho startup?

Ông Giang Thiên Phú: Một doanh nghiệp thành công theo tôi cần các yếu tố quan trọng như sau: Cung cấp sản phẩm/dịch vụ tốt cho thị trường; Sản phẩm doanh nghiệp đó cung cấp có nhu cầu đủ lớn từ thị trường (đúng khách hàng, đúng thời điểm); Có bệ phóng tốt (vốn, quan hệ, khách hàng có sẵn…); Bộ máy quản trị tốt, phát huy nguồn lực, hạn chế rủi ro; Đội ngũ nhân sự tốt về cả tâm và tầm; Không ngừng cải tiến.

Như vậy ý tưởng mới chỉ là 1một phần đầu tiên (và rất nhỏ bé) để hình thành sản phẩm/dịch vụ, từ ý tưởng tới khi có sản phẩm/dịch vụ tốt là một chặng đường rất dài...

PV: Trong bối cảnh Covid -19 đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế, các chuyên gia nhận định, đây không phải là giai đoạn để các doanh nghiệp "ngủ đông" mà thực ra là "sóng ở đáy sông". Ông suy nghĩ gì về ý kiến này đối với startup Việt Nam?

Ông Giang Thiên Phú: Tôi nghĩ không nên vơ đũa cả nắm, có những mô hình kinh doanh buộc phải “ngủ đông” không tránh khỏi. Tuy nhiên trong mọi hoàn cảnh chúng ta nên xoay sở để kiếm tiền. Ngoài ra đây là cơ hôi có một - không - hai để các doanh nghiệp số tăng trưởng gấp hàng chục, hàng trăm lần. Nếu biết tận dụng chúng ta có thể nhanh chóng xây dựng một nền kinh tế số hóa không kém Mỹ, Trung Quốc trong vòng chưa đầy một năm.

PV: Thực tế ghi nhận có không ít startup “chết yểu” hoặc sống dựa vào nguồn vốn của các nhà đầu tư. Ông nhận định đâu là mấu chốt thất bại của startup? Và startup Gadget có tự tin sẽ đững vững trên đôi chân của mình?

Ông Giang Thiên Phú: Với startup, ít ai có thể làm đúng ngay từ đầu, vì thế điều quan trọng nhất theo tôi là tập trung tối đa cho một tầm nhìn và phát huy tối đa giá trị cốt lõi, trong quá trình hoạt động phải liên tục thay đổi, thích nghi, hoàn thiện chính mình để tự đứng vững trên đôi chân của mình.

Trải qua 5 năm phát triển, thử nhiều hướng đi, liên tục cải tiến sản phẩm với một tầm nhìn chưa bao giờ thay đổi, Gadget đã và đang tự đứng vững.

PV: Lựa chọn một lĩnh vực mới để khởi nghiệp, thuận lợi nhiều nhưng khó khăn cũng không ít. Vậy, ông đưa ra lời khuyên gì cho những startup trẻ trong thời kỳ hội nhập cạnh tranh như hiện nay?

Ông Giang Thiên Phú: Theo tôi cách mạng công nghệ 4.0 và xu hướng chuyển đổi số là cơ hội vô cùng lớn cho các startup trẻ, đừng bỏ lỡ!

Cảm ơn anh với những chia sẻ trên!

Công bố 6 gói hỗ trợ truyền thông cho startup Việt ảnh hưởng bởi COVID-19 (VietQ.vn) - Văn phòng Đề án 844, Bộ KH&CN vừa công bố thông tin 6 gói hỗ trợ về truyền thông và chuyển đổi số dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), mang đến những hỗ trợ thiết thực về việc quảng bá mô hình kinh doanh, phát triển thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trước bối cảnh khó khăn từ đại dịch COVID-19.

Lê Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang