Nhiều giải pháp cho hoạt động xuất khẩu trong năm 2021

author 09:46 23/01/2021

(VietQ.vn) - Trong năm 2021, hoạt động xuất khẩu sẽ tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mớ

Đạt nhiều kết quả tích cực

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy. Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) giai đoạn 2016 - 2020 tăng từ 176,58 tỷ USD năm 2016 lên gần 281,5 tỷ USD. Tăng trưởng xuất khẩu (XK) giai đoạn 2016 -2020 đạt trung bình khoảng 11,7%/năm, cao hơn mục tiêu đề ra là 10%.

Cơ cấu hàng hóa XK cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng XK thô, tăng XK sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Điểm đáng chú ý là động lực tăng trưởng XK trong 2 năm qua không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Cụ thể, trong khi XK nhóm nông sản, thủy sản năm 2020 ước giảm 2,5%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 35% thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm trên 86,1% tổng kim ngạch XK, cao hơn mức 84,2% của năm 2019; 82,9% của năm 2018 và 81,1% của năm 2017. Điều này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi và cơ hội cho sản xuất và hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

 Nhiều giải pháp cho hoạt động xuất khẩu trong năm 2021. Ảnh minh họa

Quy mô các mặt hàng XK tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt KNXK từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng KNXK của cả nước. Năm 2011 có 21 mặt hàng có KNXK trên 1 tỷ USD, chiếm 81% tổng KNXK; năm 2016 tăng lên thành 25 mặt hàng với tỷ trọng chiếm khoảng 88,7%. Đến năm 2020 là 31 mặt hàng (trong đó có 9 mặt hàng XK trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng XK trên 10 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 92% tổng KNXK.

Thị trường XK được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các FTA. Hàng hóa XK của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc...

Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ (xuất siêu gần 62,7 tỷ USD); EU (xuất siêu gần 20,3 tỷ USD). Riêng đối với thị trường EU, năm 2020, XK đạt 34,94 tỷ USD giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019 do các tác động của đại dịch. Tuy nhiên, sau 5 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, XK sang thị trường EU đạt khoảng 15,38 tỷ USD, tăng khoảng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều mặt hàng XK của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau khi EVFTA được thực thi, điển hình như thủy sản, tôm, gạo…

“Kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đến hết ngày 18/12/2020, các tổ chức được uỷ quyền đã cấp gần 62.500 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi tại thị trường EU với kim ngạch 2,35 tỷ USD. Các mặt hàng đã được cấp C/O chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan; nông sản; hàng điện tử... Điều này cho thấy, hiệu quả khai thác lợi ích ngay sau khi Hiệp định được đưa vào thực thi là rất tốt”, lãnh đạo Bộ Công Thương nhận định.

Tương tự, đối với thị trường các nước CPTPP, kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch XK sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tích cực. Năm 2020, XK sang Canađa duy trì mức tăng trưởng dương, đạt 4,35 tỷ USD, tăng 11,9%; XK sang Mexico đạt 3,17 tỷ USD, tăng 12,2%...

Nhiều giải pháp cho hoạt động xuất khẩu trong năm 2021

Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2021, hoạt động XK sẽ tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến XK và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch; tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy XK.

Đồng thời, củng cố và mở rộng thị trường XK, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia ký kết; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường nhỏ và thị trường ngách; Đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm XK, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm XK, phát triển thương hiệu.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về các FTA để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khai thác và tận dụng các ưu đãi, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định trong các FTA. Đẩy mạnh công tác xây dựng thể chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh triển khai Cơ chế Một cửa Quốc gia nhằm tạo môi trường thuận lợi thông thoáng cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Thực hiện tốt công tác cảnh báo sớm cho doanh nghiệp. Nắm bắt thông tin thị trường và cảnh báo sớm vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến XK như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán, khả năng bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại; kịp thời thông tin để Chính phủ, các bộ, ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp có phản ứng kịp thời; Xây dựng kênh thông tin cập nhật diễn biến thị trường, dự báo và đánh giá về tình hình cung cầu, giá cả để doanh nghiệp có thông tin định hướng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; Phát triển dịch vụ logistics nhằm hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Thu Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang