Ông Phạm Quý Ngọ qua đời, vụ án cố ý làm lộ bí mật Nhà nước sẽ ra sao?

author 23:34 18/02/2014

(VietQ.vn) - Trong lúc có đề xuất cần đình chỉ công tác đối với ông Phạm Quý Ngọ để tiến sâu điều tra vụ án “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” được khởi tố ngay tại phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng liên quan đến vụ án Dương Chí Dũng thì ông Phạm Quý Ngọ qua đời. Dư luận đặt ra những băn khoăn liên quan đến tính “hết phim” của vụ án này, chúng tôi đã trò chuyện với luật sư Lê Cao - Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng để làm rõ các vấn đề pháp lý liên quan.

 

 

 

- Thưa ông, ông Phạm Quý Ngọ qua đời vì đau bệnh có phải là cơ sở để chấm dứt một vụ án mà dư luận đang chờ đợi được làm sáng tỏ hay không?

Tôi nghĩ rằng việc Hội đồng xét xử quyết định khởi tố vụ án dựa trên lời khai, tố giác, chứng cứ được nêu ra tại một phiên tòa là rất hiếm ở ta hiện nay. Không những thế, đây là vụ án lớn, nó đã dường như làm cho không ít người dân tin vào quyền năng thực sự của Tòa án. Mà thực ra quyền đó đã được luật định tại Điều 104 Bộ luật tố tụng hình sự nhưng ít khi được dùng.

Giờ, qua những trông ngóng của nhiều người, sự việc xảy ra đã không đem lại một kịch bản theo hướng chờ đợi của số đông dư luận.

 - Như vậy, tất cả những gì liên quan đến vụ án bị khởi tố sẽ phải khép lại?

Về phương diện pháp lý thì không hẳn vậy, thực chất cơ quan có thẩm quyền vừa mới khởi tố vụ án, chưa khởi tố bị can nào trong vụ án “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, ông Phạm Quý Ngọ chưa bị khởi tố bị can, và những người tương tự như ông nếu có cũng chưa xuất hiện như là đối tượng của một văn bản tố tụng, do đó chúng ta không đương nhiên (về mặt pháp lý) cho rằng “hết phim” một sự kiện đang được quan tâm.

 

 

Thế nhưng, từ diễn biến các thông tin của vụ án thì có thể nói là rất khó để công chúng quan tâm đến sự kiện này nghĩ được theo một hướng khác. Bộ luật tố tụng hình sự quy định cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra trong những trường hợp như người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết.

Nếu vụ án cố ý làm lộ bí mật nhà nước” mà theo suy đoán chỉ có một người “thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không còn, điều này về nguyên tắc đang điều tra nên chúng ta không thể khẳng định là một ai cụ thể, nhưng họ đã chết thì phải đình chỉ điều tra.

- Ông nghĩ như thế nào về lời khai của Dương Chí Dũng tại phiên tòa?

Nếu có những người khác đang trên hành trình trở thành bị can của vụ án ngoài ông Ngọ thì phải xem xét lại, bởi căn cứ (qua đời) của một người đang được điều tra về hành vi nguy hiểm cho xã hội chắc chắn không liên quan đến các đối tượng đang được điều tra khác thì vụ án vẫn phải tiếp tục.

- Ông chờ đợi một sự điều tra tiếp tục của vụ án hay là chấp nhận một sự kết thúc như luật định?

Tôi thường không chờ đợi gì đối với những điều tương tự như thế này ở khía cạnh kết thúc. 

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Chưa kết thúc việc điều tra?

Thông tin trên Người lao động, tại phiên tòa xét xử vụ án “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”, Dương Chí Dũng với tư cách là nhân chứng đã khai người mật báo cho mình bỏ trốn là Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an.

Ngày 8-1, TAND TP Hà Nội quyết định khởi tố vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” đối với người đã mật báo cho Dũng biết thông tin sắp bị khởi tố, bắt giam để Dũng bỏ trốn ra nước ngoài; đồng thời giao cho VKSND TP Hà Nội báo cáo VKSND Tối cao xử lý theo pháp luật. Hiện việc điều tra vụ án vẫn do CQĐT thực hiện theo quy trình về tố tụng.

Trả lời trên Motthegioi, luật sư Trần Đình Triển cho rằng, trong vụ án cố ý làm lộ bí mật nhà nước, nếu xác định được Thượng tướng Phạm Quý Ngọ có liên quan thì dù Thượng tướng Ngọ đã qua đời, các cơ quan có thẩm quyền vẫn phải làm rõ trách nhiệm dân sự để những người hưởng thừa kế của ông Ngọ thực hiện nghĩa vụ.
Theo tiến sĩ - luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân, nếu xác định ông Ngọ có liên quan đến vụ án “làm lộ bí mật nhà nước”, về mặt nguyên tắc tố tụng thì khi bị can chết thì sẽ phải quyết định đình chỉ điều tra. Nếu trong trường hợp vụ án “làm lộ bí mật” đó mà chỉ có một mình tướng Ngọ là bị can thì sẽ phải đình chỉ cả vụ án, đình chỉ cả khởi tố bị can.
Nhưng nếu vụ án đó không chỉ có mình ông Ngọ mà còn có những người khác nữa thì sẽ chỉ đình chỉ bị can với ông Ngọ và vẫn tiến hành điều tra như bình thường.
Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ trách nhiệm dân sự, những vấn đề mà ông Ngọ có liên quan để những người hưởng thừa kế của ông Ngọ phải có trách nhiệm trước Nhà nước và trước những người khác.

Một luật sư có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực án hình sự cho biết: Ngay khi ông Ngọ qua đời, tất cả những gì liên quan đến tố tụng, đến thân phận pháp lí của ông đã chấm dứt.

Vì cơ quan điều tra chỉ mới khởi tố vụ án chứ chưa khởi tố bị can nên với một người đã chết thì không thể tiếp tục tiến hành điều tra, truy tố, xét xử…

Trong khi đó, vụ án của ông Dương Chí Dũng, ngoài cái tên ông Ngọ còn có những cái tên khác, theo vị luật sư này thì “những ai liên quan sẽ tiếp tục được cơ quan điều tra làm rõ.

“Khi nghe lời khai của bị cáo Dương Chí Dũng, TAND TP.Hà Nội chỉ khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước. Nhưng, vụ án hối lộ 20 ngàn USD thì liên quan đến một quan chức khác của ngành công an nên cơ quan điều tra phải tiếp tục công việc của mình.

Về pháp lý cũng như đạo lý của dân tộc Việt Nam, một người đã nằm xuống thì tất cả những gì liên quan đến họ sẽ chôn chặt. Chỉ người sống mới chịu trách nhiệm.” Vị luật sư nói.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mạnh Phan 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang