Siết chặt hoạt động kinh doanh đa cấp, ngăn lừa đảo bùng phát trở lại

author 06:12 27/05/2018

(VietQ.vn) - Dấu hiệu vi phạm, lừa đảo và biến tướng trong hoạt động bán hàng đa cấp vẫn diễn ra phức tạp với nhiều hình thức tinh vi hơn như kinh doanh tiền ảo theo hình thức đa cấp…

Hoạt động bán hàng đa cấp vẫn diễn ra phức tạp

Thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), sau thời gian rà soát hoạt động bán hàng đa cấp, liên tiếp các doanh nghiệp bị tước giấy phép hoặc tự xin chấm dứt hoạt động. Đến nay, cả nước còn 33 doanh nghiệp đăng ký bán hàng đa cấp hoạt động, giảm hơn một nửa so với đầu năm 2016 (67 doanh nghiệp).

Trong năm 2017 qua kiểm tra, Sở Công Thương Hà Nội đã phát hiện 9 doanh nghiệp không có trụ sở hoạt động bán hàng đa cấp tại Hà Nội nhưng lại hoạt động kinh doanh trên địa bàn; ra quyết định xử phạt các doanh nghiệp bán hàng đa cấp vi phạm với số tiền lên đến 1,5 tỷ đồng. Qua đó đưa Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước trong việc xử phạt doanh nghiệp bán hàng đa cấp vi phạm.

Hiện Hà Nội chỉ còn với 28 doanh nghiệp bán hàng đa cấp, mặt hàng kinh doanh đa cấp chủ yếu là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng... Trong đó trên 80% số doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh đa cấp thực phẩm chức năng.

Mặc dù số lượng các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã giảm, tuy nhiên dấu hiệu vi phạm, lừa đảo và biến tướng trong hoạt động bán hàng đa cấp vẫn diễn ra phức tạp với nhiều hình thức tinh vi hơn như kinh doanh tiền ảo theo hình thức đa cấp…

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải, kết quả kiểm tra cho thấy, các hành vi vi phạm phổ biến bị phát hiện và xử lý trong bán hàng đa cấp gồm: Vi phạm trong cấp bổ sung, thay đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; thay đổi giấy chứng nhận, hoạt động đào tạo người tham gia; quảng cáo đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng; duy trì nhiều hơn một vị trí kinh doanh đa cấp, hợp đồng bán hàng đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp

Cơn lốc kinh doanh tiền ảo ăn "hoa hồng" đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư ở Việt Nam. Ảnh Thanh niên

Siết chặt hoạt động kinh doanh đa cấp

Trước tình hình trên, mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã ký ban hành Công văn về việc thực hiện Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Theo đó, UBND TP. Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm thực hiện quản lý Nhà nước và thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại địa phương theo quy định tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP và Kế hoạch số 238/KH-UBND ngày 1/12/2017 của UBND TP. Hà Nội về công tác thanh tra năm 2018.

Trong đó nhấn mạnh đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn thành phố; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng Quy chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác thanh tra, kiếm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Thông báo, chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Rà soát chặt chẽ hồ sơ thông báo, đăng ký khuyến mại của doanh nghiệp bán hàng đa cấp và kiểm tra, giám sát, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định về khuyến mại theo quy định.

Lực lượng Quản lý thị trường TP. Hà Nội cần thực hiện tốt các nội dung quản lý Nhà nước kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn thành phố theo thẩm quyền trong đó lưu ý kiểm tra, giám sát đối với các hội nghị, hội thảo, đào tạo về kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp…

Công an TP Hà Nội thực hiện công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; tăng cường điều tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép. Xây dựng, thực hiện các chuyên đề về đấu tranh đối với các hoạt động vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố của các tổ chức cá nhân liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; khởi tố, điều tra tội phạm và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật; kịp thời xử lý đơn, thư, nội dung phản ánh của cá nhân, tố chức về các dấu hiệu lừa đảo, kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép trên địa bàn theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật….

Theo Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12-3-2018 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, để được đăng ký hoạt động, doanh nghiệp phải có 10 tỷ đồng ký quỹ tại ngân hàng thay vì 5 tỷ đồng như trước. Doanh nghiệp phải có hệ thống công nghệ thông tin vận hành trên máy chủ đặt tại Việt Nam, có trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không được phép cho ký gửi hàng hóa, buộc các bên phải giao nhận hàng hóa sau khi thanh toán, xuất hóa đơn theo từng giao dịch bán hàng.

Nghị định cũng quy định rõ mọi giao dịch chi trả hoa hồng, tiền thưởng, khuyến mãi và lợi ích kinh tế khác bằng tiền cho người tham gia bán hàng đa cấp đều phải thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Đặc biệt, các cơ quan quản lý tại địa phương có quyền thu hồi xác nhận đăng ký hoạt động của doanh nghiệp tại địa phương đối với một số trường hợp theo quy định.

 Hùng Cường

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang