Tăng cường xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội

author 08:38 29/05/2021

(VietQ.vn) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội.

Văn bản nêu rõ, những năm gần đây, mạng xã hội đã phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo người dùng Internet trong nước sử dụng, đặc biệt là hai mạng xã hội của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam là Facebook và Youtube.

Sự phát triển của mạng xã hội đã có những tác động (cả tiêu cực và tích cực) đối với đời sống xã hội. Nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của mạng xã hội, thời gian qua, Bộ TT&TT đã tăng cường công tác quản lý, công tác phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của người sử dụng.

Theo đó, từ năm 2017 đến nay, Bộ đã chỉ đạo Sở TT&TT địa phương xử lý nhiều trường hợp người dùng mạng xã hội Youtube, Facebook vi phạm. Trong đó đáng chú ý như việc xử phạt kênh Youtube Hoàng Anh Timmy tại TP Hồ Chí Minh, kênh Hưng blog, Hưng troll tại Bắc Giang, kênh Thơ Nguyễn tại Bình Dương. Đồng thời, Bộ cũng đã yêu cầu Google đóng nhiều kênh Youtube khác của người dùng trong nước có nội dung vi phạm pháp luật.

Qua công tác quản lý nhà nước về thông tin trên mạng, Bộ TT&TT nhận thấy thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng một số đối tượng đã lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như phát sóng trực tuyến (livestream), chia sẻ hình ảnh, video clip, trao đổi theo nhóm (group chung)... để đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật.

Trong đó chủ yếu là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Bộ TT&TT yêu cầu tăng cường xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội. Ảnh minh họa

Để kịp thời nắm bắt, có biện pháp chấn chính hiện tượng này, tránh gây tác động xấu tới dư luận xã hội, đặc biệt là với giới trẻ, Bộ TT&TT đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở TT&TT, Công an tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý, xử lý theo thẩm quyền được giao.

Theo đó, Sở TT&TT và công an các địa phương cần tăng cường rà soát, phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội. Các đơn vị này cần chủ động xử lý nghiêm khắc các đối tượng vi phạm trên địa bàn.

Trong trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, Sở TT&TT và công an các tỉnh, thành phố cần phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn, xử lý phù hợp.

Liên quan tới vấn đề trên, trước đó, tại Hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước về thông tin điện tử quý I/2021 của Hà Nội, Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Thanh Liêm nhận định, hiện vẫn còn tình trạng nhiều trang thông tin điện tử và mạng xã hội để xảy ra sai phạm, dẫn đến phải xử phạt. Thời gian tới, Sở TT&TT sẽ siết chặt quản lý, ứng dụng công nghệ tự động nhận diện các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội hoạt động không đúng giấy phép được cấp, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm.

Đại diện Sở TT&TT Hà Nội cũng cho rằng, các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội cần rà soát lại thông tin của mình, bám sát giấy phép được cấp và các quy định về hoạt động, khẩn trương khắc phục những lỗi đã được cơ quan quản lý nhà nước chỉ ra để tránh mắc sai phạm.

Theo thống kê, tính đến hết quý I/2021, Hà Nội có 443 doanh nghiệp hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, với 658 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp do Sở TT&TT Hà Nội cấp. Bộ TT&TT đã cấp 487 giấy phép thiết lập mạng xã hội của 349 doanh nghiệp có trụ sở chính trên địa bàn thành phố.

Theo Bộ TT&TT, trong năm 2020, các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT đã nhận được đơn thư, thông tin phản ánh qua đường dây nóng về tình trạng mạng xã hội cử nhân sự đi thu thập thông tin, tài liệu, viết bài để đăng tải mạng xã hội, hoạt động như cơ quan báo chí. Giao diện các mạng xã hội giống báo điện tử, gồm các chuyên mục, nội dung, bài viết giống với sản phẩm báo chí, nhiều bài thể hiện dưới dạng phóng sự, điều tra….

Đồng thời, đã xuất hiện tình trạng nhà báo thành lập nhiều mạng xã hội cùng với nhiều trang tin điện tử tổng hợp để khi một nội dung được đưa lên thì đồng loạt mạng xã hội, cùng các trang thông tin điện tử tổng hợp do nhà báo này quản trị đều đăng tải nhằm tạo thêm áp lực với đối tượng bị ảnh hưởng.

Bảo An

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang