Vai trò của ngành công nghiệp thâm dụng sở hữu trí tuệ với nền kinh tế quốc gia

author 16:34 16/09/2015

(VietQ.vn) - Vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN đã phối hợp với Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò của ngành công nghiệp thâm dụng sở hữu trí tuệ với nền kinh tế quốc gia” trong hai ngày 14-15/9/2015 tại Hà Nội.

Sự kiện: Phát triển Tài sản trí tuệ

Tới dự Hội thảo có ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; ông Alan Marco - Trưởng Ban Kinh tế - Văn phòng Chính sách và Đối ngoại – USPTO; ông Asrat Tesfayesus  - Chuyên gia kinh tế - Ban Kinh tế - Văn phòng Chính sách và Đối ngoại – USPTO cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ KH&CN và đại diện các tổng công ty, doanh nghiệp lớn.

Ông Alan Marco - Trưởng Ban Kinh tế - Văn phòng Chính sách và Đối ngoại – USPTO trao đổi kinh nghiệm với Hội thảo 

Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của định giá tài sản trí tuệ trong hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ, chia sẻ kinh nghiệm về quản trị tài sản trí tuệ và xác định những đóng góp của các ngành thâm dụng sở hữu trí tuệ đối với nền kinh tế quốc gia. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động đổi mới,tăng cường khai thác quyền sở hữu trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Việt Thanh cho biết, trải qua quá trình hơn 30 năm hình thành và phát triển, hệ thống SHTT Việt Nam đã đạt được các bước tiến đáng ghi nhận. Trong đó,  hệ thống pháp luật SHTT tương đối đầy đủ, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, có những nỗ lực vượt bậc nhằm đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi của xã hội. Hệ thống thực thi tuy còn phải đối mặt nhiều khó khăn cũng đã được vận hành ngày càng hiệu quả, góp phần bảo vệ quyền lợi của cộng đồng. 

Hội thảo đã được nghe các chuyên gia đưa ra rất nhiều kiến thức liên quan đến đánh giá và định giá đặc biệt là xem xét việc đóng góp của SHTT vào doanh thu của doanh nghiệp cũng như đóng góp chung vào GDP của đất nước. Những nội dung, kiến thức được đưa ra trong Hội thảo đặc biệt hữu ích đối với hoạt động SHTT của Việt Nam, đúng theo định hướng của Bộ KH&CN về SHTT trong thời gian sắp tới.

Các chuyên gia của Hoa Kỳ đã trình bày và cùng trao đổi các vấn đề liên quan đến quyền SHTT trong ngành công nghiệp thâm dụng như: Định giá tài sản trí tuệ - phương pháp luận - kinh nghiệm và thực tiễn tại Hoa Kỳ; xây dựng chiến lược quản lý tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp; thâm dụng SHTT với nền kinh tế quốc gia - phương pháp luận; thâm dụng SHTT trong việc tạo việc làm, trong tổng thu nhập quốc dân, trong thương mại và chi phí nguồn nhân lực - lý luận và thực tiễn…

Nhiều nội dung được các đại biểu quan tâm và được các chuyên gia trao đổi với nhiều thông tin hữu ích, đặc biệt là vai trò và tầm quan trọng của SHTT đối với hoạt động kinh tế nói chung, các giải pháp thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu dựa trên quyền sở hữu trí tuệ..Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ chính là cách bảo vệ tài sản trí tuệ nhằm kích thích sự sáng tạo, phát triển tài sản trí tuệ. Chính vì thế mà sở hữu trí tuệ luôn là vấn đề được các quốc gia phát triển đặc biệt quan tâm bảo vệ. Bên cạnh đó, hội thảo còn thảo luận về các loại sáng chế, trích dẫn bằng sáng chế và các cách thức khác để cung cấp thông tin giúp hưởng lợi từ SHTT.

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục SHTT cho rằng: Ngoài việc xác lập quyền và thực thi các quyền đó, hỗ trợ các doanh nghiệp có tài sản trí tuệ, khía cạnh hết sức quan trọng của SHTT là khía cạnh kinh tế tài sản trí tuệ, giá trị kinh tế của tài sản công nghiệp. Hiện nay có nhiều mô hình nghiên cứu để xem xét, đánh giá giá trị của SHTT. Tuy nhiên việc áp dụng các mô hình đó vào Việt Nam vào thời điểm hiện tại không phải là dễ dàng do đặc thù của hệ thống SHTT tại Việt. Đây chính là một khoảnh đất trống rất mầu mỡ dành cho những nhà khoa học, nhà nghiên cứu tập trung thời gian, công sức của mình để cùng với Bộ KH&CN tìm ra các mô hình phù hợp nhất về tác động của SHTT đối với nền kinh tế nói chung và sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng.

Hạnh Lê

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang