Vì đâu số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 'bất thường'?

authorNgọc Xen 19:00 13/01/2019

(VietQ.vn) - Theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách công bố, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng "bất thường", đồng nghĩa với việc số việc làm tạo mới giảm nhẹ.

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng "bất thường"

Theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2018 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố, số doanh nghiệp (DN) Việt đóng cửa tăng "bất thường", đồng nghĩa với việc số việc làm tạo mới giảm nhẹ. 

Điểm tích cực là Việt Nam được đánh giá đã thực hiện cải cách trên 3 tiêu chí bao gồm: "Khởi sự doanh nghiệp", "Chi trả thuế" và "Thực thi hợp đồng" để việc kinh doanh được dễ dàng hơn. Báo cáo cho biết, trong Qúy 4, số DN thành lập mới đã hồi phục trở lại so với tháng 9, đạt trung bình 11.555 DN thành lập mới mỗi tháng. Tính chung cả năm 2018, cả nước có 131.275 DN thành lập mới, chỉ tăng nhẹ 3,5% so với năm 2017. Tổng số vốn đăng kí là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đăng kí bình quân của một DN thành lập mới đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kì.

Tuy nhiên, lượng DN tạm ngừng hoạt động trong Qúy 4 cũng tăng "bất thường" so với cùng kỳ năm 2017. Có tổng số 22.581 DN tạm ngừng hoạt động trong Qúy 4, tăng tới 74% so với cùng kì năm ngoái. Tính chung năm 2018, tổng số DN tạm ngừng hoạt động là 99.885 DN, tăng tới 51% so với cả năm 2017. 

Ở khía cạnh lao động, quy mô việc làm tạo mới trong Qúy 4 tăng nhẹ 4,5% so với cùng kỳ năm 2017. Nhìn chung, chất lượng của tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện trong nửa sau năm 2018 khi số việc làm tạo ra cao hơn cùng kỳ. Tuy nhiên, do số việc làm mới suy giảm tương đối mạnh trong nửa đầu năm, tổng số lao động mới của cả năm 2018 thấp hơn 4,7% so với năm 2017. 

Xét theo thành phần, khu vực nhà nước tiếp tục giảm 0,7%, trong khi ở khu vực ngoài nhà nước tăng 2,2% và khu vực FDI tăng 3,3%. Điều này cho thấy khu vực FDI hiện vẫn đang là khu vực tăng trưởng nhanh nhất trên mọi khía cạnh (giá trị sản xuất, xuất khẩu, tạo việc làm...).

Mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 trở nên nan giải

Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách. 

Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách chia sẻ, số DN thành lập mới trong năm 2018 không tăng đột biến nhưng số DN đóng cửa lại tăng gấp rưỡi năm 2017. Điều này cho thấy thị trường đang có vấn đề về cách thức hoặc cấu trúc của nền kinh tế, và chúng ta cần phải có sự xem xét đặc biệt về vấn đề này.

Cùng với đó, trong nhiều năm qua, quy mô của các DN vừa và nhỏ ở Việt Nam cũng không tăng lên, thậm chí còn có xu hướng giảm xuống. Có hai giả thuyết cho vấn đề này, một là do người kinh doanh không chịu tham gia vào khu vực kinh doanh chính thức và hai là do sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.

Ông Thành nhấn mạnh, hiện nay, với số lượng DN chỉ khoảng 600.000 thì mục tiêu đạt 1 triệu DN trong năm 2020 là điều vô cùng khó khăn và có thể không đạt được.

Bên cạnh đó, ông Thành cũng chia sẻ, để duy trì mức tăng trưởng năm 2019 thì dựa trên những đà tăng trưởng đã có sẵn, chúng ta cần lưu ý về những chính sách như chi tiêu, tài khóa... cần có sự đầu tư "đúng" và "trọng điểm", có sự giải ngân của vốn đầu tư công một cách kịp thời để cho các hoạt động được diễn ra với điều kiện hoạt động đó đều phải được chọn lọc... 

Hiệp định CPTPP không phải chỉ có “màu hồng” với Việt Nam?(VietQ.vn) - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khẳng định Hiệp định CPTPP không phải chỉ có “màu hồng” với Việt Nam.

Ngọc Xen

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang