14 Hiệp hội doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị miễn phí Công đoàn đến hết năm 2021

author 13:48 01/09/2021

(VietQ.vn) - 14 hiệp hội doanh nghiệp đã gửi kiến nghị tới Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về các chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19. Theo đó, các Hiệp hội kiến nghị: doanh nghiệp trong khu vực thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 được miễn đóng kinh phí công đoàn 5 tháng cuối năm 2021.

14 Hiệp hội, Hội doanh nghiệp ngành nghề gửi kiến nghị ngày 30/8/2021 gồm: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Chè Việt Nam, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch.

 Các Hiệp hội đề nghị miễn đóng kinh phí công đoàn (2% quỹ lương) từ tháng 8/2021 đến 31/12/2021 

Theo đó, 14 Hiệp hội đề nghị miễn đóng kinh phí công đoàn (2% quỹ lương) từ tháng 8/2021 đến 31/12/2021 cho các doanh nghiệp và người lao động nằm trong khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Bên cạnh đó, các Hiệp hội cũng đề xuất được tạm dừng thu phí công đoàn, đoàn phí công đoàn đến 30/6/2022 cho doanh nghiệp có 15% lao động trở lên phải tạm thời nghỉ việc, thay vì 50%. Ngoài ra, các Hiệp hội cũng đề xuất được mở rộng đối tượng và phạm vi được hưởng hỗ trợ 1 triệu đồng tiền ăn theo quyết định của Tổng Liên đoàn đưa ra hôm 24/8/2021. Theo đó, thay vì chỉ cho áp dụng cho người lao động đang thực hiện "3 tại chỗ", đối tượng sẽ là các doanh nghiệp đã thực hiện "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến" và doanh nghiệp ngừng sản xuất.

Phạm vi áp dụng tại các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, không phân biệt phạm áp dụng là toàn tỉnh, toàn huyện hoặc khu vực nhỏ hơn. Nếu doanh nghiệp có trụ sở ở địa điểm không áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 nhưng địa điểm kinh doanh, chi nhánh, nhà xưởng ở các khu vực đang thực hiện theo chỉ thị này thì vẫn thuộc đối tượng áp dụng; và ở các khu vực, địa phương mà Ban chỉ đạo phòng chống dịch, lãnh đạo địa phương yêu cầu doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến".

Các Hiệp hội cũng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho phép doanh nghiệp phối hợp với công đoàn cơ sở được sử dụng quỹ công đoàn đang kết dư tại doanh nghiệp trả chi phí test nhanh, chi phí xét nghiệm cho người lao động, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn.

Theo các Hiệp hội, thực tế hiện nay trong các ngành hàng xuất khẩu, chỉ một số ít (15 - 20%) doanh nghiệp thực hiện được mô hình sản xuất "3 tại chỗ", còn lại đa số đều buộc phải tạm ngừng sản xuất. Các DN đều phải chấp nhận doanh thu không có nhưng vẫn phải chi trả các khoản định phí lớn như thuê kho bãi-nhà xưởng, phí tồn kho, lãi suất ngân hàng, chi trả lương chờ việc cho người lao động...

Theo tính toán sơ bộ của một công ty thủy sản quy mô trung bình, mức thua lỗ trung bình là 10 tỷ đồng/tháng khi DN ngưng sản xuất. Trong ngành dệt may, một DN cỡ trung bình 4.000 lao động ngưng sản xuất, chỉ riêng khoản chi trả công nhân 14 ngày đầu đã là 4.000 người x 2,5 triệu đồng/người (bình quân) là 10 tỷ đồng.

Hầu hết các ngành hàng của các Hiệp hội đều sử dụng nhiều lao động, có điểm chung là chi phí cho người lao động (chi phí tiền công, tiền bảo hiểm xã hội và kinh phí công đoàn) là chi phí lớn nhất. Nay phải sản xuất cầm chừng (3 tại chỗ) hoặc dừng sản xuất – công suất, sản lượng giảm tới 70%, nhưng các chi phí liên quan người lao động (BHXH, kinh phí công đoàn...) vẫn giữ nguyên, DN vẫn phải trả lương ngừng việc- khiến khó khăn càng chồng chất, khó trụ vững dài ngày.

Các Hiệp hội lo ngại, với thực trạng các DN ngừng sản xuất đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch kéo dài và phức tạp, điều này thực sự sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của hàng triệu lao động, những người yếu thế và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.

Bà Hoàng Ngọc Ánh- Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, các đề xuất trên nhằm giúp cho chính sách của Tổng Liên đoàn Lao động được hiệu quả và công bằng, đáp ứng kịp thời cho lực lượng lao động đang thực sự gặp khó khăn do Covid-19 gây ra.

Được biết, đây không phải lần đầu tiên câu chuyện về kinh phí công đoàn được các doanh nghiệp đề cập đến trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Hồi tháng 10/2020, để đỡ áp lực trước dịch bệnh, một số Hiệp hội cũng đã từng kiến nghị được giảm kinh phí công đoàn xuống tối đa 1% thay vì mức 2%, tức là kinh phí công đoàn do doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang