Bác sĩ khuyến cáo không nên tự ý ngừng thuốc trầm cảm đột ngột vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ

(VietQ.vn) - Theo các bác sĩ, nhiều người tự ý ngưng và bỏ thuốc trầm cảm khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ đã khiến cho bệnh càng trở nên nghiêm trọng.
Israel thông báo dự thảo quy định về cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá
Sửa đổi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam
Thuốc Pyfaclor Kid bị thu hồi vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng
Trầm cảm là một rối loạn tâm trạng, đặc trưng bởi sự kéo dài cảm giác buồn bã, mất hứng thú với hoạt động yêu thích trước đây cùng khả năng hoàn thành công việc thường nhật trong ít nhất hai tuần. Bệnh là nguyên nhân chính dẫn đến hành vi không kiểm soát được, thậm chí là tự hại mạng sống của mình.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, khoảng 850.000 người chết vì căn bệnh này. Hiện, trầm cảm, rối loạn lo âu hiện len lỏi trong xã hội Việt Nam với ước tính khoảng gần 6 triệu người mắc bệnh, theo thống kê năm 2022.
Thuốc điều trị trầm cảm giúp cân bằng các chất hóa học trong não được gọi là chất dẫn truyền thần kinh. Những hóa chất não này ảnh hưởng đến tâm trạng và cảm xúc. Sự mất cân bằng có thể gây ra trầm cảm hoặc rối loạn lo âu nghiêm trọng. Thuốc chống trầm cảm điều chỉnh sự mất cân bằng này. Tuy nhiên khi cảm thấy tình trạng của mình tốt hơn, một số bệnh nhân nghĩ rằng không cần uống thuốc trầm cảm nữa nên đã tự ý bỏ đã gây ra nhiều nguy cơ cho sức khỏe.
Điển hình một người đàn ông làm việc trong lĩnh vực truyền thông, uống thuốc chữa trầm cảm và rối loạn lo âu ba năm nay. Gần đây, anh cảm thấy bản thân không vui, không buồn, sống "nhạt nhẽo và trống rỗng". Lo sợ tác dụng phụ của thuốc, anh tự ý ngừng điều trị. Ba ngày sau, người đàn ông cảm thấy chóng mặt, buồn nôn liên tục. Mỗi khi xoay đầu, anh cảm giác như bị "điện giật" trong não (brain zaps), kèm theo cảm xúc cáu kỉnh, người lúc nóng, lúc lạnh. Đến ngày thứ 5, mọi thứ trở nên tồi tệ hơn: giữa đêm, anh giật mình tỉnh dậy, tim đập thình thịch, cơ thể đẫm mồ hôi. Nỗi sợ không rõ nguyên nhân phủ bóng lên tâm trí anh.

Sau đó anh liên hệ lại với bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương tại Hà Nội, xin tái khám. Tại đây, anh được chẩn đoán mắc hội chứng ngưng thuốc trầm cảm do dừng thuốc đột ngột. Bác sĩ chỉ định anh quay lại dùng liều thấp hơn và giảm từ từ trong vòng sáu tháng để cơ thể kịp thích nghi.
Tương tự, một người phụ nữ 34 tuổi khác cũng rơi vào trạng thái hoảng loạn khi ngưng thuốc sau ba năm điều trị. "Tôi nghĩ mình đã hóa điên", cô nói, nhắc lại hình ảnh những cơn giật như "sốc điện nhỏ" mỗi khi xoay đầu hay cử động mắt. Ngoài ra, cô thường xuyên gặp ác mộng, không phân biệt được thật hay mơ, mồ hôi đầm đìa, tim đập mạnh mỗi khi tỉnh dậy.
Khi khám tại viện, bác sĩ cũng chẩn đoán bệnh nhân đã giảm liều quá nhanh đã khiến cơ thể không kịp thích nghi. Khi giảm liều từ từ hơn (trong một năm), các triệu chứng mới dần thuyên giảm.
Theo các bác sĩ, hội chứng ngưng thuốc trầm cảm xuất hiện khi bệnh nhân đột ngột ngừng sử dụng thuốc, đặc biệt ở những người dùng lâu năm. Về nguyên lý, thuốc chữa trầm cảm hoạt động bằng cách điều chỉnh sự mất cân bằng chức năng của các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ (bao gồm serotonin và norepinephrine). Việc đột ngột ngưng đồng nghĩa với việc không cho não bộ bệnh nhân có thời gian để thích nghi với những thay đổi, từ đó biểu hiện ra bên ngoài bằng các dấu hiệu của hội chứng ngưng thuốc.
Cụ thể là cảm giác lo âu, chóng mặt, ác mộng sống động, đổ mồ hôi, nhịp tim nhanh, cáu gắt bất thường, và cả cảm giác giật điện trong não (brain zaps). Một số khác gặp các rối loạn giác quan hoặc suy nghĩ tiêu cực.
Theo nghiên cứu từ tạp chí Science Direct trên hơn 1.000 bệnh nhân cho thấy, 40% người gặp triệu chứng kéo dài hơn 2 năm sau khi ngừng thuốc; 80% báo cáo ảnh hưởng ở mức độ trung bình đến nghiêm trọng. Hậu quả không chỉ dừng lại ở cảm xúc mà còn lan sang cuộc sống: 56% giảm khả năng làm việc, 20% mất việc làm, 27% phải nghỉ ốm kéo dài, 25% chứng kiến mối quan hệ bị phá vỡ.
Thông tin thêm, bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Trưởng Khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E (Bộ Y tế) cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hội chứng này. Một số người cảm thấy sức khỏe cải thiện nên tự ý dừng thuốc khi bệnh vẫn chưa thực sự khỏi, khiến cơ thể rơi vào trạng thái "sốc".
Bên cạnh đó, việc lạm dụng thuốc ngủ, vốn được dùng hỗ trợ điều trị rối loạn giấc ngủ trong trầm cảm, cũng tiềm ẩn rủi ro lớn. Các loại thuốc như paroxetine – thuộc nhóm ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRIs) – có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng khi dừng, bởi cơ chế làm thay đổi chức năng thần kinh khiến cơ thể cần thời gian thích nghi.
Khi bệnh nhân dùng thuốc chống trầm cảm càng lâu thì khả năng gặp phải các tác dụng ngưng thuốc càng kéo dài và nghiêm trọng, bởi thuốc trầm cảm vốn thay đổi về cấu trúc hoặc chức năng trong não, phải mất nhiều tháng hoặc nhiều năm để phục hồi hoàn toàn. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị bệnh nhân không nên tự ý dừng thuốc mà cần trao đổi với bác sĩ để lên kế hoạch giảm liều dần trong vài tuần hoặc vài tháng, tùy trường hợp cụ thể. Một số người cần được kê đơn một loại thuốc khác hoặc thêm thuốc hỗ trợ để giảm nhẹ các triệu chứng trong giai đoạn chuyển tiếp.
Khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong quá trình giảm liều, bệnh nhân cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị để có điều chỉnh phù hợp. Với những trường hợp triệu chứng tái phát, bác sĩ có thể cần thay đổi phương pháp điều trị hoặc chỉnh sửa thuốc nhằm ổn định sức khỏe tinh thần.
Vân Thảo (T/h)