Quảng cáo thực phẩm chức năng quá mức, gây nhiễu loạn thông tin cho người tiêu dùng

author 05:36 18/03/2025

(VietQ.vn) - Trước thực trạng quảng cáo thực phẩm chức năng vô tội vạ thời gian gần đây Bộ Y tế và nhiều bác sĩ đã phải đưa ra cảnh báo người dân tránh tin tưởng kẻo nhập viện.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế nhấn mạnh hiện nay trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội tràn lan quảng cáo, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Shopee...Tại đây các TikToker, KOL (Key Opinion Leader), KOC (Key Opinion Consumer) và Influencer quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe với những lời giới thiệu hoa mỹ như "chữa bách bệnh", "thay thế thuốc chữa bệnh", "hiệu quả tức thì".

Nhiều người nghe quảng cáo thấy vitamin tổng hợp, vitamin A, C, D, viên sắt, thuốc bổ xương, bổ thận, bổ gan, bổ mắt, bổ não, thuốc đen tóc, thuốc đẹp da, đẹp móng, thuốc chống đột quỵ... cái gì cũng tốt bèn mua dùng hết, mỗi ngày uống 6-8 viên thực phẩm chức năng. Chưa kể không ít người còn lầm tưởng những sản phẩm của người nổi tiếng quảng cáo là đáng tin cậy, đáng dùng, vội mua uống ngay, đến khi "tiền mất, tật mang" mới giật mình.

Những quảng cáo thường đánh vào tâm lý muốn nhanh chóng khỏi bệnh mạn tính hay đơn giản là bổ sung các chất tốt cho sức khỏe. "Một viên kẹo bằng một đĩa rau" hay "loại sữa có thể chữa bệnh đái đường, bệnh xương khớp"... là những lời quảng cáo "có cánh" khiến người tiêu dùng có thêm niềm tin lựa chọn sản phẩm. Dù Bộ Y tế đã cảnh báo "nóng" nhiều lần và đưa ra khuyến cáo nhưng mạng xã hội vẫn xuất hiện nhiều quảng cáo quá mức, gây nhiễu loạn thông tin. 

Thực phẩm chức năng quảng cáo nổ tràn lan người dân không nên tin tưởng. Ảnh: Trần Nhung

Điển hình như một loại sữa hạt được chạy quảng cáo trên các nền tảng TikTok do nhiều nghệ sĩ quảng cáo: "Đau nhức xương khớp, thử nhiều phương pháp và tốn nhiều tiền nhưng không hết, mọi người nên sử dụng sữa hạt này sẽ đỡ hẳn tê bì chân tay, nhức mỏi xương khớp"...

Thực tế thời gian qua, không ít trường hợp phải nhập viện do lạm dụng thực phẩm chức năng, đặc biệt là thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Mới đây, Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) đã tiếp nhận đồng thời hai bệnh nhân N.T.P.V. (43 tuổi) và T.Q.M. (17 tuổi) trong tình trạng nôn, đau đầu, khó thở, co quắp tay chân.

Theo chia sẻ của gia đình, sau khi uống thực phẩm bổ sung vitamin A do gia đình tự mua, khoảng 30 phút sau cả hai xuất hiện đau đầu, nôn. Sau đó xuất hiện khó thở, chân tay co quắp, tiếp tục nôn và đau đầu nhiều. Tại bệnh viện, cả hai được chẩn đoán theo dõi ngộ độc vitamin A.

Còn Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn từng tiếp nhận bé gái 5 tuổi (ở phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn) trong tình trạng mệt mỏi, ăn kém, đau khớp gối hai bên. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhi được chẩn đoán viêm gan cấp, viêm khớp do lạm dụng thực phẩm chức năng. Người nhà của bé cho biết vì muốn con phát triển chiều cao nên người mẹ đã tìm mua thực phẩm chức năng tăng trưởng chiều cao cho con sử dụng.

Thông tin thêm về tình trạng nhiều người uống thực phẩm chức năng, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, quan niệm "sử dụng thực phẩm chức năng càng nhiều càng tốt" là sai lầm và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe.

Thứ nhất là nguy cơ ngộ độc hoặc dư thừa chất. Một số vitamin và khoáng chất (như vitamin A, D, sắt, kẽm) tích lũy trong cơ thể, dễ gây ngộ độc nếu dùng quá liều. Thừa vitamin A có thể gây đau đầu, tổn thương gan; thừa sắt gây táo bón, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa; vitamin C cũng có thể gây sỏi thận nếu dùng liều cao kéo dài. 

Thứ hai là nguy cơ tương tác với thuốc điều trị. Ví dụ: canxi làm giảm hấp thu thuốc kháng sinh, vitamin K làm giảm hiệu quả thuốc chống đông máu. Thứ ba và hay gặp nhất là tốn kém và phản tác dụng. Cơ thể chúng ta chỉ có thể hấp thu một lượng nhất định mỗi ngày, dư thừa sẽ đào thải qua nước tiểu hoặc tích tụ gây hại. Việc lạm dụng thực phẩm chức năng khiến người dùng chủ quan, bỏ qua chế độ ăn uống cân bằng.

Theo bác sĩ CKII Huỳnh Tấn Vũ, Giảng viên khoa Y học Cổ truyền trường Đại học Y Dược (thành phố Hồ Chí Minh): "Không nên tự ý dùng thực phẩm chức năng quá mức. Đặc biệt, các sản phẩm này không phải là thuốc trực tiếp điều trị các vấn đề sức khỏe đang gặp phải nên không thể thay thế cho các thuốc điều trị".

Theo bác sĩ Vũ, nếu trường hợp điều trị bệnh cần dùng thuốc thì thực phẩm chức năng không thể thay thế. Nếu chỉ cần bổ sung dinh dưỡng, dùng thực phẩm chức năng là đủ thì chưa cần dùng tới thuốc. Do vậy cần xác định được khi nào thì dùng thuốc, khi nào thì cần dùng thực phẩm chức năng, có những trường hợp chúng ta cần kết hợp cả hai để có lợi nhất.

Liên quan tới giải pháp, hiện nay Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan để kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng, đặc biệt trên các sàn thương mại điện tử, website bán hàng và các ứng dụng trực tuyến.

Bộ Y tế cũng đang trong quá trình sửa đổi Nghị định 15/2018 nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp và siết chặt công tác hậu kiểm. Việc sửa đổi này sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, kiểm soát tính năng, công dụng một cách chính xác hơn, hạn chế tối đa tình trạng quảng cáo quá mức.

Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống quản lý, Bộ Y tế cũng đang xem xét tăng mức xử phạt đối với các vi phạm về an toàn thực phẩm. Hiện nay, theo các nghị định của Chính phủ, mức phạt tối đa có thể lên tới 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm, kèm theo các biện pháp bổ sung như đình chỉ hoạt động, tước giấy phép kinh doanh, buộc thu hồi sản phẩm và chịu chi phí xử lý hậu quả.

Ngoài ra, Bộ luật Hình sự cũng quy định các hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả có thể bị phạt tù lên đến 20 năm hoặc chung thân. Tuy nhiên, trước tình trạng vi phạm còn diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã trình Chính phủ đề xuất điều chỉnh mức chế tài theo hướng tăng nặng hơn để đảm bảo tính răn đe.

Ngày 3/2/2025, Bộ Y tế đã gửi công văn xin ý kiến các bộ, ngành và UBND 63 tỉnh, thành phố về việc nâng mức xử phạt trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Dự kiến, sau khi tổng hợp ý kiến, Bộ sẽ trình Chính phủ phương án sửa đổi để áp dụng trong thời gian tới.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang