Cảnh giác với chiêu trò bán thực phẩm chức năng không có kiểm chứng gây nguy hại cho người dùng

author 14:25 10/03/2025

(VietQ.vn) - Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng thậm chí không có kiểm chứng rõ ràng gây ra không ít hệ lụy cho sức khỏe người sử dụng.

Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, số người sử dụng thực phẩm chức năng ngày càng tăng, chiếm 1/5 dân số, với tốc độ tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm nhờ nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, thị trường này vẫn đối mặt với thách thức lớn về quản lý chất lượng và kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng.

Mạng xã hội như Facebook, TikTok, Shopee tràn ngập quảng cáo thực phẩm chức năng với những lời hứa hẹn như "giảm cân thần tốc", "đẹp da tức thì", "tăng cường sinh lực". Các KOLs, KOCs và Influencers liên tục xuất hiện với những lời quảng bá hấp dẫn. Không ít người tiêu dùng vì tin vào quảng cáo mà mua về sử dụng, nhưng kết quả không như mong đợi, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe.

Thực phẩm chức năng đang trở thành một ngành kinh doanh béo bở, nhưng cũng đầy rẫy những chiêu trò quảng cáo tinh vi. Từ các nền tảng mạng xã hội đến sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng liên tục bị bủa vây bởi những lời hứa hẹn. Trong cơn sốt chăm sóc sức khỏe, nhiều người đã rơi vào bẫy của những sản phẩm kém chất lượng, quảng cáo quá đà mà không có kiểm chứng khoa học rõ ràng.

Một trong những vụ việc điển hình là kẹo rau Kera. Sản phẩm này được quảng cáo có thể thay thế rau xanh, nhưng kết quả kiểm nghiệm của Quatest - Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia) trong 100g sản phẩm có 0,51g chất xơ tương đương 1/6 quả chuối. Hộp kẹo thực tế 96g đóng gói 32 viên, như vậy một viên kẹo chỉ chứa 16mg chất xơ. Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra cơ sở sản xuất kẹo Kera và không tìm thấy vườn rau như quảng cáo. Hiện các cơ quan chức năng đang lấy mẫu kiểm nghiệm.

Nhiều loại thực phẩm chức năng không có kiểm chứng rõ ràng nhưng lại quảng cáo thổi phồng công dụng người tiêu dùng không nên tin. Ảnh minh họa

Tiktoker Hằng Du Mục cũng bị chỉ trích vì quảng cáo quá đà về kẹo lutein ester, khẳng định có thể "phòng chống cận thị". Sản phẩm này được bán với giá 125.000 đồng/hộp (60 viên) trong khi trên các sàn thương mại điện tử Trung Quốc, giá chỉ từ 28.000 - 48.000 đồng. Điều này làm dấy lên nghi vấn về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.

Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) từng tiếp nhận một bệnh nhân nữ 67 tuổi với các triệu chứng tức ngực, mất ngủ, tê tay chân sau khi sử dụng thực phẩm chức năng được giới thiệu trong một hội thảo. Sau khi uống đến lọ thứ 5, người này có triệu chứng nặng hơn, buộc phải nhập viện.

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga (Bộ Quốc phòng, Hà Nội), "lười" nhai nên lạm dụng các viên uống tổng hợp chất xơ, đạm là "lợi bất cập hại". Việc bổ sung thực phẩm chức năng như whey protein, chất xơ dạng viên, viên vitamin... có thể hữu ích trong một số trường hợp, nhưng không thể thay thế thực phẩm tự nhiên.

Thực phẩm chức năng với khả năng dễ hấp thu, sử dụng tiện lợi có thể hữu ích cho người bận rộn hoặc những người kém hấp thu, người già, các vận động viên… Tuy nhiên, khi lạm dụng có thể gây ra nhiều hậu quả như: Thiếu các vi chất quan trọng như rau xanh, thịt cá không chỉ cung cấp protein hay chất xơ mà còn nhiều vi chất thiết yếu như vitamin, khoáng chất. Ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hóa vì chất xơ từ thực phẩm giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn so với chất xơ tổng hợp. Thực phẩm tự nhiên luôn có lợi hơn vì cung cấp dưỡng chất đa dạng, tự nhiên và cân bằng.

Theo bác sĩ Phạm Việt Hoàng - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Nội), mạng xã hội với những ưu thế nổi trội, tiếp cận người tiêu dùng nhanh, hiệu quả, là ưu tiên trong lựa chọn của nhiều doanh nghiệp. Vì vậy, quảng cáo trên không gian này chiếm tỷ lệ rất lớn. Vài năm trước, người dân bị thu hút bởi những quảng cáo "nhà tôi ba đời..." thì hiện nay họ "chạy" theo các KOL, KOC và tin rằng sản phẩm tốt. Những người nổi tiếng dễ dàng bán hàng nếu được cộng đồng tin tưởng.

Mặt khác, người dân có tâm lý thuốc bổ “không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”, “thuốc bổ nên tốt, không nguy hiểm”. Do đó, nhiều người sẵn sàng mua nhiều mà không biết rằng, thực phẩm chức năng cũng nguy hại cho sức khỏe nếu dùng quá liều, dùng không đúng cách.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng nêu thực tế, người dân dễ tin vào quảng cáo do nhiều yếu tố tâm lý và xã hội. Ai cũng mong muốn sức khỏe tốt bằng phương pháp nhanh chóng, đơn giản. Những lời hứa như “khỏe ngay sau 7 ngày”, “giảm đau tức thì” đánh vào tâm lý đó.

Không ít cơ sở thuê người nổi tiếng hoặc giả danh chuyên gia, bác sĩ để tạo sự tin tưởng. Một bộ phận người dân nghĩ rằng nếu người nổi tiếng dùng sản phẩm đó thì chắc chắn an toàn và hiệu quả. Họ không có đủ kiến thức để phân biệt giữa thông tin khoa học và chiêu trò lôi kéo khách hàng. Họ dễ tin vào “các chuyên gia”, “lời chứng thực” trong quảng cáo mà không kiểm chứng nguồn thông tin.

Thậm chí những quảng cáo "lố" đứng vững còn nhờ hiệu ứng đám đông. Khi thấy số người tin dùng một sản phẩm đông (qua quảng cáo, đánh giá ảo), chúng ta có xu hướng tin theo. Tâm lý “ai cũng dùng, chắc là tốt” làm giảm nghi ngờ sản phẩm. Một số quảng cáo tinh vi, đánh vào cảm xúc khi người bán không chỉ đưa ra sản phẩm mà còn kể câu chuyện, tạo cảm giác cấp bách, thúc giục người tiêu dùng mua sản phẩm ngay để không bỏ lỡ cơ hội mua sản phẩm tốt với giá rẻ.

Đề cập tới sản phẩm thực phẩm chức năng, ông Nguyễn Thanh Phong - nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo,  thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ sức khỏe, không thể thay thế thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lợi dụng tâm lý muốn khỏi bệnh nhanh để quảng cáo sai sự thật, thậm chí dùng người nổi tiếng để tăng độ tin cậy. Những cụm từ như "khỏi bệnh hoàn toàn", "tác dụng nhanh chỉ sau vài ngày" hay "bài thuốc gia truyền 100% tự nhiên" đều là dấu hiệu của quảng cáo thổi phồng, chưa được kiểm chứng khoa học.

Tin vào quảng cáo sai lệch không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn làm chậm trễ điều trị đúng cách, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe. Người tiêu dùng cần tỉnh táo, tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng thực phẩm chức năng.

Thực tế, nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc vẫn tràn lan trên các kênh online. Hình thức bán hàng livestream, gắn mác "hàng xách tay", "hàng nội địa" cùng sự quảng bá của KOLs khiến người tiêu dùng dễ bị lừa. Trong khi đó, việc kiểm soát chất lượng, đặc biệt với hàng nhập lậu, vẫn gặp nhiều khó khăn.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang