Các hãng hàng không nội địa đồng loạt mở đường bay thẳng sang Mỹ

author 08:59 23/09/2021

(VietQ.vn) - Tiếp bước Bamboo Airways, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã hoàn tất hồ sơ xin cấp phép bay thẳng từ Việt Nam tới Mỹ.

Mới đây, Bamboo Airways vừa ký kết thoả thuận lựa chọn động cơ GENx và gói bảo dưỡng cho tàu bay Boeing 787-9 trị giá khoảng 2 tỷ USD với GE Aviation (công ty trực thuộc Tập đoàn General Electric) của Mỹ. Dự kiến động cơ GEnx được chuyển giao năm 2022 sẽ được sử dụng cho đội tàu bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner của Bamboo Airways. Đây sẽ là đội bay chủ lực để khai thác các hành trình bay thẳng Việt – Mỹ của Hãng trong tương lai. 

Đại diện hãng hàng không Bamboo Airways, ông Đặng Tất Thắng cho biết, việc lựa chọn động cơ mới của GE và gói bảo dưỡng cho tàu bay Boeing 787-9 sẽ giúp gia tăng hiệu suất khai thác, chất lượng dịch vụ của đường bay thẳng Việt – Mỹ, cũng như khả năng cạnh tranh của Bamboo Airways trên những đường bay quốc tế nhiều tiềm năng trong tương lai.

Theo đó, bên cạnh việc  củng cố và mở rộng đội bay hiện đại của Hãng, việc ký kết thoả thuận với GE sẽ đặt nền tảng vững chắc để thúc đẩy kế hoạch phát triển tuyến bay quan trọng này trong tương lai. Đây cũng sẽ là bước đệm quan trọng để Hãng mở rộng mạng bay xuyên lục địa, kết nối Việt Nam với các thị trường tầm trung và tầm xa.

 Vietnam Airlines sắp trở thành hãng hàng không đầu tiên ở Việt Nam thực hiện các chuyến bay thẳng thường lệ tới Mỹ. Ảnh: Vietnam Airlines

Bamboo Airways cũng xác nhận, đơn vị này đã chính thức công bố đường bay thẳng Việt – Mỹ và ra mắt AVIAWORLD (liên doanh của AVIAREPS AG) với vai trò Tổng đại lý chính thức của Hãng tại thị trường Mỹ.

Cụ thể, AVIAWORLD sẽ hỗ trợ Bamboo Airways trong các vấn đề thủ tục, chính sách với chính quyền sở tại đối với dịch vụ vận tải hàng không của Hãng; thúc đẩy bán hàng và các hoạt động marketing, nghiên cứu thị trường; phối hợp quản lý chính sách dịch vụ khách hàng, chăm sóc khách hàng và khai thác chuyến bay tại Mỹ…

Ngoài ra, Bamboo Airways sẽ gia nhập Tập đoàn báo cáo hàng không (ARC) từ tháng 10/2021 nhằm chuẩn bị cho việc bán vé qua các kênh phân phối du lịch tại thị trường Mỹ.

Đây được coi như là một bước chuẩn bị lớn tiếp theo sau khi Bamboo Airways được Cục An ninh Vận tải Mỹ (TSA) cấp phép loạt chuyến bay thẳng hai chiều Việt - Mỹ đầu tiên. 

Theo dự kiến của hãng, đường bay sẽ đi vào khai thác từ đầu năm 2022, tần suất khởi đầu là 3 chuyến/tuần, và sẽ nhanh chóng nâng lên thành 5 - 7 chuyến/tuần trên cơ sở nhu cầu thị trường. Trước mắt, Bamboo Airways sẽ bay hành trình Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất – Sân bay Quốc tế San Francisco, và về lâu dài sẽ kết nối với cả hai sân bay lớn của bang California là Sân bay quốc tế San Francisco và Sân bay quốc tế Los Angeles. 

Để đảm bảo cho kế hoạch bay quốc tế nói chung và đường bay thẳng Mỹ nói riêng được thuận lợi và an toàn, Bamboo Airways hợp tác với Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA) để áp dụng Hộ chiếu sức khoẻ điện tử IATA Travel Pass. Thử nghiệm đầu tiên chính thức được triển khai trên chuyến bay thẳng Việt – Mỹ của Bamboo Airways ngày 23/9. Nối tiếp đó, Bamboo Airways lên kế hoạch đưa vào ứng dụng IATA Travel Pass trên các chuyến bay quốc tế tiếp theo.

Trong cũng diễn biến, hôm qua, ngày 21/9, Vietnam Airlines vừa chính thức hoàn thành toàn bộ tài liệu và công tác chuẩn bị để Cục An ninh Vận tải Mỹ (TSA) xem xét phê chuẩn, trên cơ sở đó Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) sẽ cấp phép cho Hãng khai thác các chuyến bay thẳng thường lệ giữa Việt Nam và Mỹ.

Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cho biết, các chuyến bay thường lệ khác biệt hoàn toàn với các chuyến bay thuê chuyến đặc biệt quốc tế (International Special Charter) mà một số hãng hàng không đang được nhà chức trách Hoa Kỳ cấp phép.

Đối với chuyến bay thường lệ sẽ được thực hiện đều đặn theo lịch bay mà hãng hàng không công bố, không hạn chế mọi đối tượng hành khách và mở bán vé rộng rãi tại website, ứng dụng di động, phòng vé,... của hãng bay. Tất cả hành khách đều có thể tự tra cứu lịch bay, tùy chọn đặt chỗ, mua vé với mức giá phù hợp theo nhu cầu cá nhân trên các chuyến bay thường lệ.

Ngoài ra, các chuyến bay thuê chuyến đặc biệt quốc tế bị giới hạn về lịch bay, đối tượng, mục đích như đưa công dân Việt. Các chuyến bay này chỉ được phép khai thác trong khoảng thời gian quy định, sau khi kết thúc hãng hàng không phải xin phép lại từ đầu.

Tính đến thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines đã hoàn tất mọi thủ tục mà phía hãng hàng không cần chuẩn bị để đáp ứng điều kiện được nhà chức trách Hoa Kỳ cấp phép bay thẳng thường lệ. Trong đó, việc đáp ứng các yều cầu về công tác bảo đảm an ninh của TSA là bước cuối cùng và quan trọng nhất.

Liên quan đến việc mở lại đường bay nội địa, mới đây, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa tổ chức hội nghị trực tuyến bàn thảo, xây dựng chương trình “hành lang xanh” trong ngành hàng không với mục tiêu đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 tại các cảng hàng không, nhằm tạo niềm tin cho hành khách và phục hồi việc đi lại bằng đường hàng không trong trạng thái bình thường mới.

Để mở lại các đường bay nội địa, ACV đã đưa ra khung chương trình “hành lang xanh” cấu thành từ “con người xanh” (nhân viên hàng không, hành khách), “phương tiện, hạ tầng xanh” (sân bay, máy bay và các phương tiện chuyên chở hành khách), “quy trình xanh” (giảm thiểu tối đa hạn chế tiếp xúc, tuân thủ quy trình phòng dịch). Mục tiêu xây dựng tài liệu khung định hướng đảm bảo an toàn sức khỏe, giảm thiểu rủi ro dịch COVID-19 trong ngành hàng không.

Từ đề xuất của ACV, lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành hàng không đã thống nhất việc nghiên cứu, đóng góp hoàn thiện chương trình “hành lang xanh” để khôi phục mạng bay nội địa và tiến tới mở các đường bay quốc tế.

Theo đó, các hãng hàng không chủ trì xây dựng các tiêu chí cho hành khách xanh, máy bay xanh, phương tiện xanh, quy trình xanh. ACV chủ trì xây dựng các tiêu chí hạ tầng xanh, quy trình khai thác xanh.

Các lãnh đạo ngành hàng không kì vọng, "hành lang xanh” là cơ sở cụ thể để đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 xem xét, chỉ đạo việc khôi phục khai thác nội địa trên toàn mạng và từng bước mở các chuyến bay quốc tế.

Trong khi đó, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT Kế hoạch phục hồi hoạt động vận tải hàng không nội địa thích ứng an toàn với tình hình kiểm soát dịch bệnh COVID-19.

Theo kế hoạch này, các hãng hàng không được chủ động tổ chức vận chuyển theo các nội dung của kế hoạch, khi thay đổi quy định giãn cách xã hội tại địa phương, việc mở bán, khai thác sẽ thay đổi tương ứng.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc vận chuyển khách thực hiện công vụ, nhân viên y tế, nhân viên làm nhiệm vụ phòng chống dịch; từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không cho hành khách đủ điều kiện về phòng chống dịch.

Để thực hiện được mục tiêu trên, cần đáp ứng các tiêu chí gồm: Các hãng hàng không đang có Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hoặc Giấy phép kinh doanh hàng không chung do Bộ GTVT cấp và Giấy chứng nhận người khai thác do Cục HKVN cấp còn hiệu lực.

Ngoài ra, phải đáp ứng các yêu cầu tại hướng dẫn tạm thời về kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải hàng không trong thời gian phòng chống dịch COVID-19 của Bộ GTVT. Trong đó, toàn bộ tổ bay và nhân viên hàng không đều được tiêm tối thiểu một mũi vaccine phòng COVID-19; Tổ bay có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi thực hiện chuyến bay; Tổ bay đảm bảo duy trì năng định theo quy định về khai thác bay.

Đối với hành khách, có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ; chia thành 3 giai đoạn.

Nhà chức trách hàng không lưu ý, sẽ xem xét cấm bay và chuyển cơ quan công an xử lý những trường hợp hành khách sử dụng tài liệu giả mạo để đi tàu bay.

Diệu Hương (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang