Cánh gà tẩm ướp gia vị không rõ nguồn gốc tiềm ẩn hóa chất độc hại

author 06:04 28/07/2022

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh vừa phát hiện và thu giữ lượng lớn cánh gà tẩm ướp gia vị không rõ nguồn gốc.

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh, Đội Quản lý thị trường số 03 vừa phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành khám xe ô tô khách nhãn hiệu Samco, biển kiểm soát 14B.011.05, do ông Vũ Văn Long, sinh năm 1969 địa chỉ phường Hà Khẩu, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh điều khiển.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe chở cánh gà tẩm ướp gia vị ăn sẵn và 200 thiết bị đốt nhiệt tạo khói nhãn hiệu Lio Boom (thuốc lá điện tử) do nước ngoài sản xuất.

Lái xe Vũ Văn Long khai nhận là chủ sở hữu của toàn bộ số hàng hoá trên. Số hàng hóa này được lái xe mua trôi nổi tại khu vực giáp biên mang vào thị trường trong nước tiêu thụ kiếm lời nên không có có giấy tờ, hóa đơn chứng từ hợp pháp. Đội Quản lý thị trường số 03 đã tiến hành lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hoá vi phạm để xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Cánh gà tẩm ướp gia vị không rõ nguồn gốc nguy hại khó lường. Ảnh: Cục QLTT Quảng Ninh

Nói tới món chân gà, cánh gà nhập lậu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, GS. Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, người tiêu dùng không nên ăn thường xuyên món thực phẩm này nếu không biết nguồn gốc rõ ràng. Bởi hiện nay tình hình nhập lậu món chân gà, cánh gà ngày càng nhiều.

Đặc biệt, để chân gà, cánh gà được mập to, màu sắc tươi ngon thì nhiều gian thương còn tìm cách “bơm nước” vào. Do đó, người tiêu dùng khi mua chân gà cần phải tinh ý, nên cầm trực tiếp lên và ấn nhẹ. Chân gà bơm nước thì thường mềm, nhũn, những ngón đầu chân căng phồng bất thường và khi ấn vào thấy rất mềm không chắc thịt. Những chiếc chân gà bơm nước chỉ cần vuốt nhẹ là từ lòng bàn chân xuống sẽ xuất hiện từng giọt nước một. Hoặc trên những chiếc chân gà, nếu có những vết chích, có tụ máu thì không nên mua vì rất có thể những chiếc chân gà đó đã bị bơm nước.

Ngoài ra, đối tượng bất chính còn sử dụng chất hóa chất để tẩy trắng và khử mùi hôi thối. Những chất này có thể tẩy trắng những chiếc chân gà bẩn, xuống màu thành những chiếc gà trắng phau, căng mọng.

Nếu sử dụng chân gà có hoá chất rất dễ nguy cơ đối với sức khoẻ. Lúc đó người dùng đã đưa vào cơ thể thực phẩm không những không đảm bảo chất lượng mà còn đưa thêm chất độc vào cơ thể. Tuy những chất này không gây độc cấp tính vì không ăn nhiều một lúc, nhưng độc có thể tích lũy trong cơ thể mỗi ngày và đến một lúc nào đó sẽ gây bệnh mãn tính. Đặc biệt, có những chất trong ướp tẩm chân gà có thể gây nên đột biến gene, đánh thức các gene ung thư thức dậy. Do đó để đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng nên tránh xa những loại thực phẩm này.

Do đó, để đảm bảo an toàn trước khi mua chân gà, người tiêu dùng nên thực hiện truy xuất nguồn gốc bằng ứng dụng iCheck scanner. Nhờ ứng dụng này người tiêu dùng sẽ có đầy đủ các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng, link web,....Từ đó sẽ yên tâm hơn trong việc sử dụng những chiếc cánh gà, món ăn khoái khẩu mà không cần phải lo sợ nó có hóa chất gây hại cho sức khỏe.

Một số các tiêu chuẩn về thực phẩm sạch phổ biến hiện nay

Tình trạng thực phẩm không rõ xuất xứ nguồn gốc, thực phẩm “bẩn” hiện nay khiến người tiêu dùng rất hoang mang bởi những yếu nó gây ảnh hưởng rất lớn đến toàn xã hội. Vì vậy các tiêu chuẩn về thực phẩm sạch đã được các tổ chức liên quan đặt ra, nhằm ngăn chặn những loại thực phẩm xấu tràn lan để bảo vệ người tiêu dùng cũng như nền kinh tế quốc gia.

Tiêu chuẩn GlobalGAP

Viết tắt của từ Good Agricultura Pratices, có nghĩa là Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu, là một bộ tiêu chuẩn tập hợp các biện pháp kỹ thuật về thực hành nông nghiệp. Được xây dựng để áp dụng tự nguyện cho sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch cho ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản trên phạm vi toàn cầu.

Tiêu chuẩn GlobalG.A.P

Đây là tiêu chuẩn chứng nhận toàn bộ các quá trình sản xuất ra sản phẩm, từ đầu vào trang trại như thức ăn, giống, các hoạt động nuôi trồng cho đến khi thành phẩm và được lưu thông trên thị trường. Mục tiêu cơ bản của GlobalGAP là an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, đồng thời cũng đề cập đến vấn đề an toàn, sức khỏe, phúc lợi cho người lao động và bảo vệ môi trường.

Sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn GlobalGAP hay các tiêu chuẩn tương đương (JGAP) sẽ được thừa nhận trên toàn cầu. Điều này giúp sản phẩm dễ dàng được chấp nhận bởi các nhà phân phối lớn, thâm nhập các thị trường khó tính, dễ dàng tiêu thụ, dễ dàng lưu hành ở mọi thị trường trên thế giới.

Tiêu chuẩn VietGAP

Tiêu chuẩn VietGap là viết tắt của Vietnamese Good Agricultural Practices, có nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam. Đây là tập hợp các tiêu chí do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi. Là một trong các tiêu chuẩn về thực phẩm sạch được người tiêu dùng Việt vô cùng quan tâm.

Tiêu chuẩn USDA Organic

USDA Organic là viết tắt của từ United States Department of Agriculture, là chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ, Ủy ban Hữu cơ Quốc gia ban hành năm 2005. USDA là tổ chức duy nhất ở Mỹ có quyền hạn cấp chứng nhận hữu cơ cho các sản phẩm được sản xuất và tiêu dùng trên nước Mỹ. Tiêu chuẩn này yêu cầu sản phẩm của các nhà sản xuất phải chứa 95% thành phần hữu cơ mới được sử dụng logo của họ.

Tiêu chuẩn GAA BAP

GAA BAP là viết tắt của Global Aquaculture Alliance Best Aquaculture Practices Standards, tiêu chuẩn thực hành nuôi tốt nhất của Liên minh Nuôi trồng thuỷ sản toàn cầu. Là một trong các tiêu chuẩn về thực phẩm sạch được áp dụng phổ biến nhất là ở Châu Á và Châu Mỹ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

Tiêu chuẩn EU Organic Farming
Đây là tiêu chuẩn hữu cơ của Uỷ Ban Liên Minh Châu Âu có giá trị trên hơn 47 quốc gia trên thế giới, tiêu chuẩn hữu cơ này được tin cậy và sử dụng rộng rãi trên thế giới. Sản phẩm được chứng nhận hữu cơ này có giá trị không chỉ tại nước được cấp chứng nhận mà còn được công nhận rộng rãi tại Mỹ, EU và các nước khác trên thế giới.

Để có được chứng nhận trồng rau hữu cơ thì khu đất trồng phải là đất sạch, nước sạch, trang trại phải trang bị máy lọc nước cho vào hồ chứa để tưới rau. Phân bón được lấy từ phân bò, con bò cũng phải được nuôi ăn thức ăn hữu cơ, đối phó sâu bệnh mà không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Không sử dụng chất kích thích tăng trưởng, chất bảo quản, không chứa chất phụ gia và thành phần biến đổi gen.

Tiêu chuẩn MSC

MSC là viết tắt của Marine Stewardship Council nghĩa là Hội đồng Quản lý biển, tiêu chuẩn này khuyến khích các vùng khai thác thủy sản bền vững và thực hành nghề cá có trách nhiệm trên toàn thế giới. Đây là tiêu chuẩn được biết đến rộng rãi nhất trong lĩnh vực khai thác hải sản, thông qua các giải pháp thị trường dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu và mục tiêu cả về môi trường và thương mại.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang