Loại gia vị ăn nhiều không chỉ mắc bệnh tim mạch mà còn có thể gây ung thư
Hậu kiểm về an toàn thực phẩm thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm
Những thực phẩm bổ sung không nên lạm dụng vì sức khỏe lâu dài
Sản phẩm thực phẩm bổ sung cafe Hoàng Gia bị thu hồi do không đảm bảo an toàn
Ngay từ khi phát hiện ra muối cùng các gia vị trong chế biến, hầu như muối và các loại nước chấm đã gắn chặt với đời sống ẩm thực của con người. Khó có thể tưởng tượng ra một ngày không muối trong các bữa ăn chắc chắn khẩu vị sẽ không “chấp nhận” bất kỳ món ăn nào được chế biến mà không có muối và gia vị hoặc nước chấm.
Thành phần chủ yếu của muối chính là hai nguyên tố Natri và Clo – hai nguyên tố đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng thể dịch trong cơ thể, đảm bảo cho hoạt động bình thường của các tế bào.
Có rất nhiều dạng muối ăn: muối thô, muối tinh, muối iốt. Thông thường muối có dạng tinh thể, màu trắng và thu được từ nước biển hay các từ các mỏ muối. Muối thu được từ nước biển có các tinh thể nhỏ hơn muối mỏ. Muối mỏ có thể có màu xám hơn vì dấu vết của các khoáng chất vi lượng. Muối ăn là chất cần thiết cho sự sống của mọi cơ thể sống, tham gia vào việc điều chỉnh độ chứa nước của cơ thể (cân bằng lỏng). Sự thèm muối có thể phát sinh do sự thiếu hụt khoáng chất vi lượng cũng như do thiếu clorua natri trong cơ thể.
Muối ăn là cần thiết cho sự sống, nhưng việc sử dụng quá mức có thể làm tăng độ nguy hiểm cho sức khỏe. Theo điều tra dinh dưỡng, người Việt ăn lượng muối quá nhiều, tăng nguy cơ không chỉ riêng bệnh tăng huyết áp mà còn nhiều bệnh lý tim mạch có liên quan như đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Đặc biệt, ăn nhiều muối còn tăng nguy cơ mắc loại ung thư rất nhiều người mắc phải.
Giải thích cơ chế của việc ăn nhiều muối làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, theo TS Đỗ Thị Phương Hà - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nồng độ muối của các chất dịch trong cơ thể là ổn định. Vì thế, việc ăn nhiều muối làm tăng áp lực thẩm thấu trong máu, cơ thể sẽ phải cần thêm nước để duy trì ổn định nồng độ dịch thể.
Không những làm tăng nguy cơ mắc bệnh, với những người đã mắc tăng huyết áp, suy tim, suy thận và suy gan, ăn nhiều muối sẽ làm bệnh tiến triển nhanh hơn.
Đáp ứng với yêu cầu này, cảm giác khát nước sẽ xuất hiện làm cho người ăn mặn phải uống nhiều nước. Điều này đồng nghĩa với việc tăng dung lượng máu và tăng áp lực lên thành mạch. Hiện tượng này kéo dài sẽ làm tăng huyết áp.
Ở những người đã có sẵn yếu tố di truyền nếu ăn nhiều muối sẽ làm tăng tính thấm của màng tế bào đối với Natri, ion Na sẽ được chuyển vận nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch máu gây tăng nước trong tế bào; tăng trương lực của thành mạch, co mạch, tăng sức cản ngoại vi và gây tăng huyết áp.
Ăn nhiều muối cộng thêm các yếu tố gây nhiều sang chấn tinh thần (stress) trong cuộc sống sẽ tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, tăng tái hấp thu natri ở ống thận. Ion Na dương vào nhiều trong tế bào cơ trơn gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi và gây tăng huyết áp.
Ăn nhiều muối trong khi người bị tăng huyết áp có thể thiếu yếu tố nội tiết thải muối. Natri bị tích tụ lại trong cơ thể, ion Na được vận chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi và gây tăng huyết áp.
Một cơ chế gây tăng huyết áp ở người ăn nhiều muối nữa là muối làm tăng độ nhạy cảm của hệ thống tim-mạch và thận đối với Adrenaline- một chất gây tăng huyết áp.
Không những làm tăng nguy cơ mắc bệnh, với những người đã mắc bệnh tăng huyết áp, suy tim, suy thận và suy gan, ăn nhiều muối sẽ làm bệnh tiến triển nhanh hơn.
Còn theo các bác sĩ Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai, thức ăn chứa nhiều muối, hay được bảo quản bằng muối (như các loại rau muối, thịt muối…) dẫn tới tổn thương niêm mạc dạ dày. Điều này khiến dạ dày càng dễ bị tổn thương bởi các tác nhân sinh ung thư.
Theo TS Phương Hà, ăn thừa muối làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng, tăng nguy cơ ung thư dạ dày do phá hủy lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày và tăng sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori (H.pylori).
Các nghiên cứu cho thấy nhiễm H. pylori làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày. Nguyên nhân là do vi khuẩn này làm viêm niêm mạc dạ dày dẫn tới teo niêm mạc, dị sản ruột, loạn sản và có thể tiến triển thành ung thư.
Ăn nhiều thức ăn ướp muối cũng làm tăng nguy cơ nhiễm H. pylori dai dẳng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc đồng thời ăn chế độ ăn nhiều muối và nhiễm H. pylori sẽ càng làm tăng cao hơn nguy cơ ung thư dạ dày. Đây là một trong số những loại ung thư thường gặp nhất trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, ung thư dạ dày đứng hàng thứ tư ở nước ta với hơn 17.900 người được chẩn đoán và hơn 14.600 người tử vong.
Theo các bác sĩ, hãy thực hiện việc giảm muối ngay từ khi lên kê hoạch đi chợ và nấu ăn. Ưu tiên lựa chọn các thực phẩm tươi thay vì các thực phẩm chế biến sẵn là lời khuyên đầu tiên được đưa ra. Các thực phẩm chế biến sẵn thường được cho thêm nhiều muối để có thể bảo quản được lâu.
Xem thành phần muối hoặc natri ghi trên nhãn dinh dưỡng của thực phẩm nếu đôi khi muốn ăn các thực phẩm chế biến sẵn. Điều này có thể giúp bạn lựa chọn các thực phẩm có hàm lượng muối ít hơn.
Lựa chọn cách chế biến món ăn, thay vì kho, rim, rang, xào cần cho nhiều gia vị mặn, bạn hãy chọn chế biến các món luộc, hấp. Bạn cũng đừng chế biến các món như lạc rang muối vì sẽ làm tăng đáng kể lượng muối bạn ăn vào.
Nếm thức ăn trước khi cho thêm gia vị để đảm bảo bạn chỉ cho một lượng vừa đủ, không cho quá nhiều. Không nên cho muối hay gia vị có nhiều muối vào nước luộc rau.
Giảm một nửa lượng muối và gia vị chứa nhiều muối mà bạn cho vào khi chế biến món ăn. Việc giảm ăn muối nên thực hiện từ từ để cơ quan cảm nhận vị giác của bạn có thể làm quen và thích nghi dần với việc giảm vị mặn.
Chế biến món ăn với các loại gia vị khác để làm tăng cảm giác vị giác bù cho giảm vị mặn do bạn hạn chế muối trong các gia vị mặn.
An Dương (T/h)