Cục An toàn thực phẩm cảnh báo về hai sản phẩm do Công ty Hankol Healthcare Vina công bố

author 22:14 15/05/2025

(VietQ.vn) - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa phát đi cảnh báo về việc Thực phẩm bảo vệ sức khỏe CONDITION LET'S C PREMIUM và Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ CONDITION LIVER có nội dung quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật.

Theo Cục An toàn thực phẩm, qua công tác hậu kiểm, đơn vị này phát hiện tại các website https://trungsoncare.com/thuc-pham-chuc-nang/thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-condition-lets-c-premium-hop-60-vien/?srsltid=AfmBOoosdXYPPAOkmBZRPrCUiyW4aO8oPEFFLYl-G9RuDeXFBmCOVQg7 và https://trungtamthuoc.com/condition-liver đang quảng cáo Thực phẩm bảo vệ sức khỏe CONDITION LET'S C PREMIUM và Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ CONDITION LIVER có nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm có công dụng như thuốc chữa bệnh.

Sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe CONDITION LET'S C PREMIUM và Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ CONDITION LIVER do Công ty TNHH Hankol Healthcare Vina (địa chị trụ sở: Lầu 7, Tòa nhà CJ, số 2 Bis-4-6 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm (Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 2425/2022/ĐKSP cấp ngày 19/04/2022 và 13361/2019/ĐKSP cấp ngày 10/12/2019).

Một trong hai sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm quy định quảng cáo

Tại buổi làm việc với Cục An toàn thực phẩm, Công ty TNHH Hankol Healthcare Vina (đơn vị chịu trách nhiệm sản phẩm) và Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity, Công ty TNHH Thương mại và Quảng cáo Dương Phong (đơn vị thực hiện thủ tục đăng ký quảng cáo và đứng tên trên giấy xác nhận nội dung quảng cáo) khẳng định không thực hiện và không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào thực hiện quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ CONDITION LET'S C PREMIUM và Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ CONDITION LIVER tại đường các link nêu trên.

Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý các đường link có nội dung vi phạm quảng cáo đã nêu. 

Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo vi phạm để quyết định mua và sử dụng sản phẩm tại đường link nêu trên vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) phân tích, về chế tài xử phạt đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng, căn cứ Điều 52 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/03/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo, hành vi không ghi hoặc không nêu rõ nội dung “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” trên quảng cáo sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng;

Hành vi quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh sẽ bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng.

Ngoài việc phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn đến 24 tháng; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính thông tin; Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo; hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm. Trường hợp quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về hàng hoá, dịch vụ, công dụng, xuất xứ,… có thể bị phạt từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng theo quy định tại Khoản 5 Điều 34 Nghị định này.

Việc quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về “Tội quảng cáo gian dối” theo Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, mức phạt cao nhất tối đa 03 năm tù giam.

Mặt khác, khi mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng cần lưu ý những đặc điểm sau:

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

Tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm;

Đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: "Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe;

Chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có ghi Tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và Nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng;

Mua sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên.

Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang