Đẩy mạnh xây dựng chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19
Người lao động cần lưu ý về hạn nhận hồ sơ hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp
Đẩy nhanh triển khai có hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp đã tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế. Mức độ tác động của đợt dịch kéo dài từ quý II/2021 tới nay khá mạnh khi các đợt giãn cách xã hội diễn ra trên diện rộng với thời gian kéo dài chưa từng có. Trước tác động của đại dịch, tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm từ mức trung bình 6-7%/năm xuống còn 2,91% năm 2020 và có thể tiếp tục giảm xuống 1,5-2% trong cả năm 2021, cuộc sống của hàng chục triệu người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giảm thu nhập, mất việc làm...
Giới chuyên gia nhận định, triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022 phụ thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh. Kể từ cuối quý III/2021, với việc thay đổi chiến thuật từ “Zero Covid” sang thích ứng và sống chung với Covid-19, Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh dần mở cửa và từng bước quay trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thực hiện các quy định chống dịch ở mỗi địa phương rất khác nhau, doanh nghiệp vẫn khá dè dặt trong việc triển khai kế hoạch đầu tư và sản xuất kinh doanh. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 6-6,5% cần có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đủ lớn, trong đó ít nhất 1% GDP là tiền mặt.
“Giả sử năm nay đạt tăng trưởng 2%, năm sau dự kiến tăng trưởng 5% thì tăng trưởng trung bình 2 năm chỉ khoảng 3,5%. Đây là mức quá thấp so với mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025. Để đạt mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025, trong 4 năm còn lại, GDP phải tăng trung bình khoảng 7,5%/năm. Đây là mục tiêu rất cao nếu chúng ta không có những hành động khác biệt”, ông Cung cho hay.
Theo ông Cung, hiện phần chi ngân sách là quá ít, không thể bù đắp cho sự suy giảm nghiêm trọng tổng cầu của nền kinh tế. Hiệu lực gói hỗ trợ là quá nhỏ so với thiệt hại của doanh nghiệp hay so với chuẩn quốc tế. Do đó, cần tính tới các gói hỗ trợ có quy mô đủ lớn, đủ dài để có thể vực dậy nền kinh tế trong tương lai.
“Phải nhanh chóng thiết kế các chương trình phục hồi kinh tế và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Chương trình này có thể thay thế hoặc bổ sung cho Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025. Nguồn lực cho sự phát triển giai đoạn mới cũng cần thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nêu 3 điểm cần lưu ý khi xây dựng chương trình phục hồi kinh tế đó là quy mô phải đủ lớn; diện bao phủ đủ rộng và cần quan tâm, tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm. Những lĩnh vực quan tâm này chủ yếu dựa vào đóng góp và mức độ thiệt hại cũng như sự lan tỏa khi phục hồi của ngành đó đối với sự phát triển.
Thanh Tùng