Chuyên gia cảnh báo: Đeo khẩu trang ở cằm, khuỷu tay tiềm ẩn nhiều hiểm họa

author 21:10 03/06/2022

(VietQ.vn) - Đeo khẩu trang giúp chống khói bụi, hạn chế virus xâm nhập. Tuy nhiên cũng có những sai lầm khi đeo khẩu trang mà nhiều người mắc phải.

Khẩu trang có thể giúp ngăn những người mắc Covid-19 lây lan virus sang người khác, làm giảm sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, khẩu trang chỉ phát huy tác dụng phòng dịch bệnh nếu được sử dụng đúng cách. Đeo khẩu trang sai cách không chỉ gây lãng phí tiền bạc, mà còn làm mất đi tác dụng bảo vệ, tăng nguy cơ lây bệnh.

Mặc dù hiện nay Covid-19 suy yếu nhưng quy định về khẩu trang chưa được nới lỏng, nhiều người "chống chế" bằng cách đeo khẩu trang ở cằm, móc tạm vào khuỷu tay hoặc cánh tay. Theo các chuyên gia, thói quen này tiềm ẩn nhiều hiểm họa, làm lây lan không chỉ nCoV mà còn nhiều loại virus khác.

Tiến sĩ Grace Huang, bác sĩ đa khoa của Phòng khám DTAP, Singapore, cho biết: "Đeo khẩu trang ở khuỷu tay hoặc cằm đều là thói quen xấu, đi ngược lại với mục đích cốt lõi của khẩu trang là bảo vệ hoặc giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh tật".

 Không nên đeo khẩu trang ở khuỷu tay, cằm. Ảnh: VnExpress/Freepik

Cũng theo tiến sĩ Huang, mặt ngoài khẩu trang cũng "không khá hơn", bởi nó được bao phủ bởi vi khuẩn, virus và bụi bẩn từ môi trường bên ngoài. Khi bạn kéo khẩu trang xuống dưới cằm, bề mặt bên ngoài có thể tiếp xúc với mặt, cụ thể là môi dưới của bạn, khiến các mầm bệnh lây lan trực tiếp vào miệng.

Đeo khẩu trang ở khuỷu hoặc cánh tay khá tiện lợi, song tiến sĩ Huang cho rằng không nên làm điều này khi đang tập thể dục hoặc vận động mạnh. Thói quen có thể khiến các loại virus khác từ cánh tay, bàn tay, mồ hôi tiếp xúc với mắt, mũi và miệng. Ngược lại, những người đang mắc bệnh sẽ làm lây lan virus ra cộng đồng.

"Bạn đang mang virus từ cánh tay, vốn chạm vào nhiều nơi, lên mũi, miệng của mình", tiến sĩ Huang nói.

Theo tiến sĩ Huang, khẩu trang vải tái sử dụng không có khả năng chống thấm, có thể dễ dàng thấm hút mồ hôi hoặc chất lỏng tiếp xúc. Những chiếc khẩu trang lúc này như "bọt biển", hút chất lỏng trên cánh tay hoặc cằm và chuyển thẳng vào miệng, mũi khi đeo trở lại. Do đó lựa chọn tốt nhất để giữ khẩu trang khi không dùng đến là đựng trong một chiếc túi sạch, có thể là túi zip nhỏ, nhét được vào túi xách lớn.

Một số người còn có thói quen để khẩu trang trên điện thoại hoặc ví tiền, thay vì đặt trực tiếp lên mặt bàn. "Ví và điện thoại có lẽ là một trong những vật dụng bẩn nhất. Chúng ta chạm vào các bề mặt khác nhau, sau đó lại bấm điện thoại hoặc cầm ví, khiến các loại vi khuẩn dính vào. Lựa chọn nhất là đem theo hộp đựng sạch, để chúng không tiếp xúc với bụi bẩn và mầm bệnh bên ngoài", bà Huang nói.

Tiến sĩ Catherine Ong, chuyên gia tư vấn về các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, cho biết các bề mặt của khẩu trang chứa vi khuẩn. "Đối với người mắc bệnh, các hạt virus sẽ tích tụ trên bề mặt tiếp xúc với da. Trong quá trình sử dụng, khẩu trang trở nên ẩm ướt vì chứa các giọt khí dung hô hấp. Mặt trong của khẩu trang lúc này là môi trường lý tưởng để virus tồn tại và sinh sôi. 

Do đó, trước khi đeo khẩu trang, mọi người cần chú ý vệ sinh tay cẩn thận, xác định trên và dưới, mặt trong và mặt ngoài của khẩu trang. Đối với khẩu trang y tế, phần gọng luôn ở phía trên, nếp gấp luôn hướng xuống dưới. Khi đeo phải che kín cả mũi lẫn miệng. Không dùng tay sờ vào bề mặt khẩu trang khi đang đeo.

Không bỏ khẩu trang khi giao tiếp, khi ho, hắt hơi nơi công cộng. Khi tháo khẩu trang chỉ cầm vào dây đeo qua tai để tháo, không chạm mặt ngoài khẩu trang. Sau khi sử dụng khẩu trang dùng một lần cần bỏ khẩu trang vào thùng rác và rửa tay đúng cách. Đối với khẩu trang vải, nên giặt khẩu trang hằng ngày bằng xà phòng để dùng cho lần sau.

Lưu ý quan trọng nếu là khẩu trang vải cần giữ khẩu trang vải trong túi nhựa kín khi bị ướt hoặc bẩn. Khi tháo khẩu trang để ăn uống, để khẩu trang gọn gàng trong túi giấy. Khẩu trang cần được giặt hằng ngày và bất cứ khi nào bị bẩn. Chúng ta có thể giặt chúng với bột giặt thông thường và sử dụng nước ấm nhất có thể. Phơi khẩu trang trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời để khô hoàn toàn.

Theo các bác sĩ, đối với trẻ nhỏ việc đeo khẩu trang cho trẻ phải đảm bảo vừa khít với mũi, miệng, dưới cằm, không hở cung quanh mặt của trẻ. Trẻ từ 2 tuổi trở lên phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Các bậc phụ huynh cần chú ý không nên đeo khẩu trang cho trẻ dưới 2 tuổi, không cho trẻ chạm vào bề mặt ngoài của khẩu trang.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang