Đưa nông sản chất lượng cao, an toàn đến tay người tiêu dùng
10 sự kiện Khoa học và Công nghệ nổi bật năm 2024
Tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng
Áp dụng thành công công cụ cải tiến khẳng định vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp
Từng nhiều năm gắn bó với sản xuất nông nghiệp, cuối năm 2022, anh Đoàn Đức Thành, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hà Thành (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) quyết định chuyển hẳn sang sản xuất nông sản an toàn. Cùng với việc cải tạo khu trang trại để chăn nuôi gà ác bán thịt và bán trứng, anh Thành còn chuyển đổi hàng trăm gốc bưởi diễn sang chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGap để sản phẩm đạt chất lượng cao và mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.
Do sản xuất theo quy trình, có công tác kiểm duyệt chặt chẽ nên thời gian đầu việc tìm đầu ra cho sản phẩm gặp không ít khó khăn. Song đến nay, các sản phẩm của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hà Thành đã dần có chỗ đứng trên thị trường. Anh Đoàn Đức Thành chia sẻ: “Ban đầu, người mua cũng ít và khách hàng đa phần là khách quen, bạn bè, hàng xóm. Do tiêu chuẩn hàng của mình cao hơn, giá cũng có cao một chút nhưng dần dần khách hàng cũng quen, chấp nhận mua vì nó là thực phẩm an toàn”.
Chị Nguyễn Như Phương (Thành phố Nha Trang, Khánh Hòa) cũng thành công với mô hình cửa hàng cung cấp các loại thực phẩm sạch như: thịt, trứng, cá, rau xanh... Nguồn hàng được chị Phương nhập về bán là những thực phẩm an toàn được lấy tại các hợp tác xã, cơ sở sản xuất đã được chứng nhận VietGAP, đảm bảo an toàn thực phẩm như sầu riêng Khánh Sơn, rau an toàn Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa), bưởi da xanh Khánh Vĩnh… Vì vậy, cửa hàng của chị Phương đã dần chiếm được lòng tin của khách hàng.
Sản phẩm nông sản chất lượng cao được bán tại Co.opmart.
“Người tiêu dùng ngày một quan tâm đến vấn đề sức khỏe nên thực phẩm an toàn là lựa chọn của nhiều bà nội trợ. Thay vì chú trọng đến giá cả, số lượng như trước đây, hiện nay nhiều người đã đặt chất lượng, sự an toàn của sản phẩm lên hàng đầu. Đó là điều kiện để chúng tôi tiếp tục mở rộng mô hình cung cấp các loại thực phẩm sạch”, chị Phương bộc bạch.
Từ góc nhìn của người tiêu dùng, chị Trần Thị Hoa ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết: “Bây giờ việc ăn uống, tiêu dùng thực phẩm cũng có nhiều vấn đề như thực phẩm không tốt, thực phẩm bẩn, tẩm ướp hóa chất,… Do đó, dù nông sản, thực phẩm bán ngoài chợ dân sinh giá có rẻ hơn nhưng tôi luôn ưu tiên thực phẩm sạch, nông sản an toàn có nguồn gốc rõ ràng như một cách để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình”.
Theo các chuyên gia, nông sản Việt cần phải chinh phục tốt chính thị trường Việt bởi với quy mô dân số trên 100 triệu dân, đây là mảnh đất vô cùng tiềm năng. Thêm vào đó, việc nâng cao chất lượng, định vị và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt “chắc chân” trên sân nhà không chỉ là yếu tố tiên quyết để khơi thông dòng chảy tiêu thụ nông sản nội địa mà còn giúp các sản phẩm tự tin vươn ra toàn cầu.
Thanh Hiền (t/h)