Chuyên gia khuyến cáo cách sử dụng trà kỷ tử hoa cúc và táo đỏ trong những ngày nóng

author 06:47 25/03/2025

(VietQ.vn) - Trà kỷ tử hoa cúc kết hợp với táo đỏ là thức uống được nhiều người sử dụng trong những ngày nắng nóng tuy nhiên cũng cần lưu ý khi sùng để phát huy được tác dụng tốt nhất.

Dược sĩ Ngô Thị Ngọc Trưng, Phó trưởng Đơn vị Dược, Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khi thời tiết nóng bức, cơ thể phải đối mặt với nhiều thay đổi về nhiệt độ và độ ẩm, dẫn đến một số bệnh lý phổ biến như cảm nắng, viêm đường hô hấp, các bệnh về mắt,… đặc biệt là các bệnh về da, mụn nhọt.

Đồng thời, khi gan gặp vấn đề như gan nhiễm mỡ, viêm gan..., thì khả năng thanh lọc chất độc kém đi, các chất độc tích tụ trong cơ thể, làm tăng mức độ viêm và kích ứng da, dẫn đến mụn nhọt và ngứa nhiều hơn đặc biệt là vùng lưng mồ hôi nhiều và vùng da tay tay tiếp xúc với ánh sáng. Bên cạnh đó, cơ thể phải đối mặt với các yếu tố môi trường như nhiệt độ cao và mồ hôi khiến các vấn đề da này càng trở nên rõ rệt hơn.

Do trong kỷ tử chứa nhiều vitamin C và các chất chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh, nâng cao khả năng miễn dịch, đồng thời có tác dụng nuôi dưỡng làn da từ bên trong. Giúp giảm mụn, làm sáng da và cải thiện độ đàn hồi của da... Kỷ tử là nguồn giàu beta-carotene và zeaxanthin. Hai hợp chất rất tốt cho mắt, giúp bảo vệ mắt khỏi tác hại của tia UV và giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến mắt như thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể. Ngoài ra, câu kỷ tử còn có tác dụng bảo vệ gan khỏi tổn thương do các chất độc hại, giúp cải thiện chức năng gan, làm giảm các dấu hiệu mệt mỏi, làm việc kém hiệu quả của gan, đồng thời thúc đẩy quá trình thải độc của cơ thể.

Kết hợp trà kỷ tử hoa cúc với táo đỏ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ảnh minh họa

Hoa cúc có tính mát, giúp thanh nhiệt, giải độc và giảm các triệu chứng liên quan đến nóng trong người như sốt, nhiệt miệng, mụn nhọt và viêm họng. Hoa cúc còn có tác dụng an thần, giúp giảm căng thẳng, lo âu, mệt mỏi và cải thiện thị lực. Táo đỏ hay còn gọi là đại táo là một loại trái cây quen thuộc trong y học cổ truyền, đặc biệt là trong đông y. Táo đỏ chứa nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ da khỏi các tác hại của tia UV và môi trường, làm giảm các dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn, chảy xệ và làm sáng da. Bên cạnh đó, chất xơ trong táo đó giúp duy trì cảm giác no lâu, giảm cảm giác thèm ăn, từ đó giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả.

Khi kết hợp 3 thành phần trên tạo nên trà kỷ cúc không chỉ thơm ngon mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như thanh nhiệt, tăng cường miễn dịch, giải độc cơ thể và cải thiện giấc ngủ. Tuy nhiên cần lưu ý, nên dùng đường phèn là lựa chọn tốt hơn đường cát để kết hợp với trà hoa cúc kỷ tử. Với vị ngọt thanh và dịu mát hơn, đường phèn sẽ mang đến cảm giác ngon miệng hơn. Kết hợp với đường phèn, trà hoa cúc kỷ tử sẽ mang đến cảm giác giải nhiệt mùa hè thật tuyệt vời.

Trà hoa cúc kỷ tử khi được uống nóng hoặc lạnh đều mang lại hương vị thơm ngon đặc trưng. Nếu thích uống lạnh, hãy để bình trà trong tủ lạnh và dùng dần thay vì cho đá vào ly trà. Bởi trà hoa cúc khi pha chung với đá sẽ mất đi hương vị và trở nên nhạt nhoà. Nhưng do hoa cúc và kỷ tử có vị khá đắng nên hạn chế sử dụng quá nhiều hoa cúc mỗi lần pha trà. Thay vào đó có thể điều chỉnh số lượng bông phù hợp với khẩu vị của gia đình.

Ngoài ra do hoa cúc chứa nhiều chất dinh dưỡng nên việc ngâm trà quá lâu sẽ làm mất đi các chất dinh dưỡng này và trà cũng sẽ có vị đắng. Do đó chỉ nên ngâm trà từ 2 - 3 phút theo hướng dẫn để có được tách trà thơm ngon đúng vị. 

Người bị dị ứng với hoa cúc hoặc 1 trong 3 nguyên liệu trên thì không nên dùng trà để tránh gây phản ứng nguy hiểm. Không nên uống trà hoa cúc táo đỏ, kỷ tử khi bụng đang đói vì uống trà vào thời điểm này cơ thể rất dễ bị hạ đường huyết, làm dịch vị bị biến đổi và đau dạ dày.

Bên cạnh đó, người bệnh không được dùng trà hoa cúc để uống thuốc. Điều này là do chất Axit tannic có trong trà có thể tạo ra phản ứng hóa học với một số chất có trong thuốc. Từ đó tạo nên kết tủa, gây ảnh hưởng đến sự hấp thụ thuốc cũng như tác dụng của thuốc. Còn đối với thuốc an thần khi uống bằng nước trà hoa cúc thì chất caffeine và theophylline trong trà cùng các chất kích thích khác sẽ làm cho tác dụng thuốc an thần bị giảm bớt, hoặc mất tác dụng.

Căn cứ theo Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2011; Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm thì trà là loại thực phẩm, đồ uống được sử dụng rộng rãi trên thị trường hiện nay. Trà có nhiều loại, nhiều mẫu mã và chất lượng cũng khác nhau. Để sản phẩm có thể lưu hành hợp pháp trên thị trường, doanh nghiệp cần thực hiện tự công bố chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra theo Quyết Định số 46/2007/QĐ-BYT ban hành ngày 19/02/2007 quy định về việc giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hoá học trong thực phẩm thì kiểm nghiệm trà là việc bắt buộc phải thực hiện trong quá trình gia công, sản xuất cũng như trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Theo đó trước khi tiến hành công bố nguyên liệu trà, toàn bộ quá trình sản xuất, gia công đóng gói trà hoặc nhập khẩu đều phải được tiến hành kiểm nghiệm để công bố kết quả kiểm nghiệm đạt chuẩn và định kỳ 6 tháng phải tiến hành kiểm nghiệm thực phẩm định kỳ một lần.

Vân Thảo (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang