Tràn lan đồ ăn nhà làm dịp cận Tết 2025 nhãn mác không đầy đủ đe dọa an toàn thực phẩm

author 12:41 24/12/2024

(VietQ.vn) - Thực phẩm nhà làm ngày càng được ưa chuộng, nhất là dịp lễ tết. Sắp vào năm 2025, nhiều thực phẩm nhà làm bán tràn lan trên mạng xã hội nhãn mác, chỉ mua theo "niềm tin", truy xuất nguồn gốc không đầy đủ, nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Trong dịp cận Tết 2025, chỉ cần lên mạng gõ cụm từ “thực phẩm nhà làm”, ngay lập tức hiện ra rất nhiều trang Facebook cá nhân, fanpage hay các hội nhóm rao bán loại thực phẩm này bao gồm: Bánh kẹo, nước ép, mứt trái cây, đến các món ăn mặn chế biến sẵn như nem rán, giò chả, pate, và cả các loại nước mắm, tương chao… được rao bán tràn lan trên mạng xã hội.

Đa số các sản phẩm được người bán khẳng định 100% làm từ nguyên liệu tươi, không chất phụ gia và không phẩm màu độc hại. Tuy nhiên, chỉ cần quan sát bằng mắt thường sẽ thấy các sản phẩm được đóng gói sơ sài, không có tem mác cũng như hạn sử dụng.

Là một trong những tín đồ của loại thực phẩm nhà làm, chị L.T.T (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Tôi thường xuyên đặt mua thực phẩm chế biến sẵn để dùng trong dịp Tết như bò xé sợi, giò me, măng khô... thậm chí cả những món để bày cỗ như thịt đông, nem rán...” Chia sẻ về lý do chọn thực phẩm nhà làm, chị T cho rằng, khi đặt các món này có thể điều chỉnh theo khẩu vị, đồ quê cũng tin tưởng hơn... Ngoài ra, còn có yếu tố khác là muốn mua ủng hộ bạn bè, người quen.

Tuy nhiên, những năm gần đây, báo đài thường xuyên đưa tin về những vụ bắt và xử lý về những hành vi mua bán thực phẩm bẩn, thực phẩm ôi thiu. Bên cạnh đó cũng xảy ra rất nhiều những vụ ngộ độc thực phẩm nên nhiều người đã lựa chọn thực phẩm nhà làm. Mô hình kinh doanh này chủ yếu dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau giữa người mua và bán. Do đó, bên cạnh những người bán hàng thực sự có tâm, lựa chọn những thực phẩm tươi ngon, sạch để chế biến thực phẩm bán cho người thân, bạn bè thì đã có không ít những người đã lợi dụng thói quen tiêu dùng này để bán hàng không đảm bảo chất lượng.

Cụ thể, họ sẽ đi gom hàng từ nhiều nguồn không bảo đảm chất lượng, thực phẩm giả chứa các chất phụ gia không được phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép rồi nói là sản phẩm nhà làm để đánh lừa người tiêu dùng.

Nhiều hội nhóm bán hàng nhà làm trên mạng xã hội. Ảnh minh họa

Trên thực tế, các thực phẩm nhà làm hầu hết không đăng ký kinh doanh, không có giấy tờ chứng minh chất lượng, nguồn gốc thực phẩm và không có thông tin về hạn sử dụng, thành phần cũng như nguồn gốc nguyên liệu. Người bán đồ ăn chỉ cam kết chất lượng bằng miệng. Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân đều chế biến tự phát, quy mô nhỏ lẻ nên không chịu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền.

Phần lớn các sản phẩm không được kiểm cha, kiểm soát chất lượng bởi cơ quan chức năng. Quy trình chế biến tại nhà có thực sự đảm bảo vệ sinh? Dụng cụ, điều kiện bảo quản có tuân thủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm?

Người dùng cần làm gì để lựa chọn thực phẩm an toàn trong dịp Tết 2025

Trao đổi với báo chí, PGS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, dịp tết là thời điểm nhiều loại thực phẩm "nhà làm" được sản xuất ra thị trường. Nhiều người đã làm bán quanh năm, nhưng dịp tết sẽ tăng số lượng lên hoặc chỉ làm bán vào dịp tết. Do nhà nhà, người người đều tham gia sản xuất bán hàng dẫn đến cơ quan chức năng khó khăn trong việc kiểm định an toàn chất lượng.

Về mặt nguyên tắc, chúng ta hoàn toàn có quyền nghi ngờ những loại thực phẩm nhà làm, không có nhãn mác là không an toàn. Đa số những sản phẩm "nhà làm" chủ yếu được mua bán dựa vào sự tin tưởng lẫn nhau hoặc quen biết, đã từng sử dụng sản phẩm của cơ sở đó.

"Việc tìm mua sản phẩm "nhà làm" là khó tránh khỏi. Người tiêu dùng nên cảnh giác khi cảm thấy thực phẩm có dấu hiệu bất thường. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc khi mua nên lựa chọn những người quen biết, chất lượng tốt.

Ông Thịnh nhận định mạng xã hội hiện nay cũng là phương thức để trao đổi hàng hóa, tuy nhiên đây là cách nhiều sản phẩm kém chất lượng được tuồn ra thị trường gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Trường hợp lên mạng xã hội, nghe quảng cáo mua thực phẩm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi không rõ nơi sản xuất, đơn vị chịu trách nhiệm. Do vậy đối với thực phẩm cần hạn chế việc mua bán trực tuyến, vì không có gì là đảm bảo, nếu mua phải là sản phẩm nhãn mác rõ ràng.

Ông Thịnh khuyến cáo cơ quan chức năng cần phải nâng cao ý thức cho người dân, trong đó có cả người mua và người bán, tạo các cuộc vận động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết sắp tới. Đồng thời, khu vực chợ buôn bán cần phải được vệ sinh sạch sẽ, giáo dục cộng đồng. Bản thân người bán phải ý thức được việc bảo vệ thương hiệu, đảm bảo làm ăn lâu dài của mình.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, bên cạnh việc gia tăng sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, một số đối tượng đã lợi dụng để sản xuất, kinh doanh các thực phẩm là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng. Do đó, trước khi mua bất kỳ một loại thực phẩm online nào người tiêu dùng cần lưu ý:

Đối với thực phẩm truyền thống đã được chế biến sẵn

Nên chọn mua sản phẩm có nguồn gốc uy tín, an toàn; có ngày tháng sản xuất, thời gian sử dụng, cách bảo quản, chế biến và thành phần chính trong thực phẩm... tránh mua thực phẩm sử dụng quá nhiều phụ gia gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng. Thực phẩm chế biến sẵn thường được ưu tiên lựa chọn trong dịp tết bởi sự tiện lợi. Thực phẩm chế biến sẵn được sử dụng nhiều dịp tết có thể kể đến là giò, chả, nem, bánh chưng, thịt bò khô, dăm bông, ...

Đối với bánh kẹo và các loại hạt

Đây là những loại thực phẩm không thường xuyên sử dụng trong năm nhưng mỗi khi tết đến thì gia đình nào cũng có. Tuy nhiên người tiêu dùng cần chú ý chọn bánh kẹo của các thương hiệu uy tín, có nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng, tránh mua phải hàng nhái kiểu dáng, nhãn hiệu… Đặc biệt cẩn trọng với các loại bánh, mứt, kẹo, nước giải khát trôi nổi, màu sắc sặc sỡ, bắt mắt vì nó thường được nhuộm phẩm màu hóa học, nguy cơ gây độc rất cao cho người dùng. Với các loại hạt như đậu, lạc, hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương chú ý để không mua phải loại bị mốc vì nó chứa độc tố, vi nấm nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng.

Cách truy xuất nguồn gốc thực phẩm trước khi mua

Tại các siêu thị lớn có uy tín, phần lớn các mặt hàng thực phẩm đều có dán tem truy xuất nguồn gốc. Tem truy xuất nguồn gốc là loại tem có chứa thông tin về thực phẩm, hàng hoá từ sản xuất, chế biến tới phân phối, tiêu thụ. Các thông tin đó được mã hoá dưới dạng mã vạch hoặc mã Qrcode, và người mua hàng có thể kiểm tra các thông tin này bằng cách cài đặt phần mềm quét mã vạch trên điện thoại thông minh hay máy tính bảng để kiểm tra trước khi mua.

Với những thực phẩm có bao gói sẵn, không dán tem truy xuất nguồn gốc cũng cần lựa chọn sản phẩm có nhãn, mác đủ thông tin: tên sản phẩm; thành phần cấu tạo; định lượng sản phẩm; ngày sản xuất; thời hạn sử dụng và hướng dẫn bảo quản; hướng dẫn sử dụng; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm; xuất xứ; các khuyến cáo, cảnh báo an toàn (nếu có)...

Chỉ chọn các thực phẩm còn hạn sử dụng, bao gói phải còn nguyên vẹn; không chọn các sản phẩm đóng hộp bị phồng lên hoặc rò rỉ, biến dạng do va đập, vỏ hộp có gỉ sét, hộp khi mở ra có mùi hôi, mùi lạ khác với mùi đặc trưng của sản phẩm kể cả còn hạn dùng.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang