Hạ huyết áp do đâu, chữa thế nào?

author 05:55 08/04/2022

(VietQ.vn) - Khi hạ huyết áp, huyết áp xuống quá thấp, không đủ máu lên não, có thể dẫn đến chóng mặt, ngất xỉu và các bệnh nguy hiểm khác...

1. Nguyên nhân gây huyết áp thấp

Huyết áp thấp là khi chỉ số HA trên (huyết áp tâm thu- khi tim bóp lại) thấp hơn 90 và chỉ số huyết áp bên dưới (HA tâm trương) khi tim thả lỏng ra thấp hơn 60. Nhìn chung, khi HA dưới 90/60 là thấp. 

Có nhiều nguyên nhân gây hạ huyết áp như: Bổ sung nước không đầy đủ, do bệnh lý (bệnh tim mạch, nội tiết, mang thai...) và do dùng một số thuốc điều trị bệnh...

Ngoài ra còn các nguyên nhân khác như: Thiếu dinh dưỡng (thiếu vitamin B12, folate và sắt cũng có thể khiến bệnh nhân không tạo ra đủ hồng huyết cầu, dẫn đến bị thiếu máu, và tụt HA); ăn thức ăn quá nhạt (thiếu muối, hyponatremia) cũng có thể dẫn đến mất nước và tụt HA; hạ HA do thay đổi tư thế đột ngột…; mất nhiều máu; sốc phản vệ, sốc do nhiễm trùng cấp… là những nguyên nhân gây hạ HA.

Vì vậy, cần phải tìm ra nguyên nhân gây HA thấp để chữa trị.

Đo huyết áp đúng cách để xác định mức huyết áp chính xác của bệnh nhân. 

2. Biểu hiện của hạ huyết áp

Hạ huyết áp đột ngột khiến người bệnh có những triệu chứng sau:

  • Hoa mắt, chóng mặt.

  • Choáng váng, khó giữ thăng bằng, người bệnh do đó thường ngồi sụp xuống.

  • Tim đập nhanh, hồi hộp bất thường.

  • Lơ mơ, lú lẫn, mất ý thức hoặc thậm chí là ngất xỉu.

Thời gian hạ huyết áp càng kéo dài thì máu cung cấp đến não và các cơ quan càng bị thiếu hụt, dẫn đến các tế bào sẽ chết dần do thiếu oxy và chất dinh dưỡng. Não là cơ quan cần nhiều máu nuôi nhất nên cũng chịu ảnh hưởng đầu tiên khi bị tụt huyết áp, gây ra các triệu chứng do rối loạn chức năng não bộ. Nghiêm trọng hơn, tụt huyết áp có thể gây thiếu máu não và chết não, khả năng phục hồi kém.

Tụt huyết áp có thể chỉ xảy ra trong khoảnh khắc ngắn và tự hồi phục sau đó, tuy nhiên người bệnh vẫn không nên chủ quan.

3. Điều trị hạ huyết áp thế nào?

3.1 Cách xử trí tình huống hạ huyết áp

Khi bị HA thấp với các triệu chứng chóng mặt, nhức đầu, ói mửa, mất tập trung, đổ mồ hôi, cần ngồi xuống hay nằm nghỉ, gọi cấp cứu ngay nếu kèm theo các dấu hiệu nguy hiểm khác như khó thở, môi tím tái (gợi ý thiếu oxy). Tụt HA quá nhanh có thể dẫn đến sốc, gồm các triệu chứng lạnh người, tím tái toàn thân, tim đập nhanh, mạnh yếu. Trường hợp này cần phải gọi cấp cứu ngay lập tức và cần được chữa trị theo dõi trong phòng cấp cứu.

Nếu chỉ bị HA thấp mà không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, cũng cần phải gặp bác sĩ ngay để tìm ra nguyên nhân. Trong nhiều trường hợp, HA thấp có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như bị tổn thương thận cấp tính hay tổn thương tim dẫn đến trụy tim nếu như không chữa trị kịp thời. 

Lưu ý là mất nước do quá nóng (do lao động hoặc vận động ngoài trời nắng nóng) hoặc tắm long trong bồn nước nóng cũng có thể dẫn đến tụt HA. Khi đó, chỉ việc nghỉ và từ từ uống bù nước bị mất thì HA sẽ tăng trở lại.

3.2 Biện pháp chữa trị hạ huyết áp

Tùy vào nguyên nhân mà bác sĩ sẽ có kế hoạch điều trị cụ thể:

- Trong trường hợp HA thấp không có nguyên nhân, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc uống nếu HA bị tụt thường xuyên.

- Tụt HA do thay đổi vị trí đột ngột, bác sĩ có thể kê đơn thuốc uống để tăng dung tích máu, làm giảm khả năng máu bị tụ về phần dưới cơ thể.

Ngoài ra bệnh nhân cần uống nước đầy đủ. Trong trường hợp thiếu muối, có thể ăn thêm chút vị mặn để giữ nước và giữ HA không bị tụt. Chú ý đến thay đổi tư thế như từ nằm lên ngồi, từ ngồi lên đứng. Cần thay đổi từ từ, không làm nhanh đột ngột, giúp cho cơ thể có thêm thời gian hiệu chỉnh, không làm giảm máu đột ngột lên não.

- Có thể đi tất ép tĩnh mạch, giúp giữ máu chạy lên phần trên cơ thể. Lưu ý là đừng mang tất ép chân quá chật, có thể làm tổn thương da và các mạch máu.

- Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp mạch máu săn chắc, co dãn phù hợp, giúp bảo vệ HA ổn định. Khi HA bị thấp, cố gắng tập thể dục thường xuyên để tăng nhịp tim và tăng khả năng tuần hoàn máu.

- Ngủ đủ giấc khiến cho HA ổn định.

Hạ huyết áp gây chóng mặt, nhức đầu.

3.3 Các thuốc điều trị triệu chứng hạ huyết áp

Cho đến nay vẫn chưa có loại thuốc nào được dùng để điều trị dứt điểm hoặc có hiệu quả lâu dài đối với HA  thấp. Do đó chỉ dùng các thuốc nhằm mục đích điều trị triệu chứng. Tùy tình trạng bệnh lý, một số thuốc có thể được bác sĩ kê đơn:

- Ephedrin là thuốc có tác dụng co mạch ngoại vi, giúp tăng huyết áp do tăng lưu lượng tim và co mạch ngoại vi. Thuốc có các dạng bào chế: Đường uống, đường tiêm, khí dung, nhỏ mũi.

Tuy nhiên, thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương, gây rối loạn giấc ngủ (khó ngủ, mất ngủ), đánh trống ngực. Ở bệnh nhân nhạy cảm, thuốc có thể gây mất ngủ, lo lắng và lú lẫn ngay cả ở liều thấp nhất, đặc biệt khi dùng đồng thời với cafein. Do đó thuốc chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ và theo dõi chặt chẽ. 

Người cao tuổi phải rất thận trọng khi sử dụng ephedrin điều trị HA thấp. Bệnh nhân suy tim, đau thắt ngực, đái tháo đường, cường giáp, phì đại tuyến tiền liệt và người bệnh đang dùng thuốc digitalis, mang thai… không dùng thuốc này.

 - Heptaminol được sử dụng điều trị triệu chứng hạ HA tư thế. Thuốc có tác dụng trợ tĩnh mạch và bảo vệ mạch máu và ức chế tại chỗ đối với một số hóa chất trung gian gây đau như histamin, serotonin...

Thuốc không dùng cho người bệnh tăng huyết áp, cường giáp, phù não, người bệnh dùng thuốc nhóm IMAO (nhóm thuốc chống trầm cảm) do gây nguy cơ tăng huyết áp đột ngột.

Midodrine là thuốc cũng được chỉ định đối với bệnh nhân tụt HA tư thế đứng. Thuốc được kê đơn khi người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong các hoạt động hàng ngày vì tụt HA, khi các phương pháp điều trị khác được áp dụng nhưng tỏ ra không hiệu quả.

- Cafein là thuốc dẫn xuất xanthin được chiết từ cà phê, ca cao hay tổng hợp từ acid uric. Thuốc hấp thu nhanh và có tác dụng trên nhiều cơ quan: Hệ thần kinh trung ương, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa... Thuốc cũng có tác dụng trợ tim, làm tăng lượng máu do tim phát ra, từ đó nâng huyết áp ở những người bị HA thấp. Cần tuân thủ theo liều lượng chỉ định cụ thể của bác sĩ để hạn chế tác dụng phụ cũng như tăng hiệu quả điều trị.

Thuốc có thể gây tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, chuột rút, mất ngủ, hồi hộp... Khi thấy xuất hiện các triệu chứng này cần thông báo cho bác sĩ biết ngay. Thuốc không được dùng cho người suy mạch vành, nhồi máu cơ tim, nhịp tim nhanh...

- Pantocrin: Thuốc được bào chế dưới dạng cồn nước có tác dụng kích thích tim mạch. Mặc dù thuốc có nguồn gốc tự nhiên, nhưng không nên tùy ý sử dụng mà cần theo chỉ định của bác sĩ, bởi mỗi người lại có cơ địa, cân nặng và bệnh lý khác nhau nên sử dụng thuốc cũng khác nhau.

- Bioton, vitamin H là vitamin tan trong nước có tác dụng chống suy nhược cơ thể, tăng trí lực, thể lực được dùng cho người bị HA thấp thường với các biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, thở dốc...

Tóm lại, không phải chỉ riêng tăng huyết áp mà hạ huyết áp cũng rất nguy hiểm, đôi khi đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Hiểu biết những vấn đề này cũng như biết cách xử trí hạ huyết áp tại nhà là việc cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cả gia đình.

Ngọc Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang