Hành trình xây dựng đế chế Thép Việt của ‘ông trùm’ Đỗ Duy Thái

author 07:06 26/08/2021

(VietQ.vn) - Doanh nhân Đỗ Duy Thái là một trong những người đặt nền móng cho ngành thép Việt Nam. Sau hơn 20 năm xây dựng cơ nghiệp, ông Thái cùng các thành viên trong gia đình đã tạo dựng nên 2 công ty thép đầu ngành.

Đi lên từ sinh viên sư phạm

Ông Đỗ Duy Thái sinh ngày 20 tháng 8 năm 1953, quê quán Hà Tây (tức Hà Nội ngày nay). Ông hiện giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH TM - SX Thép Việt, với những biệt danh “rất kêu” như “đại gia thép Việt” hay “doanh nhân quyền lực trong ngành thép”. Tuy không sở hữu cổ phiếu CTCP Thép Pomina nhưng gia đình ông Đỗ Duy Thái hiện đang nắm giữ 85% cổ phần công ty này. Thép Việt do ông Thái làm chủ là công ty mẹ của Pomina.

Hành trình khởi nghiệp, với tấm bằng Đại học Sư phạm, ông Đỗ Duy Thái đã có thể lựa chọn con đường nhà giáo êm ả nhưng ông lại rẽ sang nghiệp kinh doanh đầy chông gai như đối mặt với khủng hoảng kinh tế, chính sách dồn đuổi nhà đầu tư từ thời đất nước còn bao cấp...

Chân dung Chủ tịch Thép Việt - ông Đỗ Duy Thái. Ảnh: Internet
 
Xuất thân trong gia đình trí thức bình dị, cha mẹ ông là người kinh doanh nhỏ với một trại chăn nuôi và xưởng sản xuất trà mang tên Thiên Hương. Có lẽ đam mê kinh doanh của ông cũng được thừa hưởng từ chính cha mẹ mình. Từ đồng vốn nhỏ của gia đình, ông gây dựng sự nghiệp, làm đủ mọi thứ từ lốp xe lam, xe Honda, nút chai cho ngành y tế, đến rulo chà lúa cho máy xát gạo… bởi ông thấy nhu cầu tiêu dùng của người dân thời đó cái gì cũng thiếu.
 
Niềm say mê công nghiệp bắt đầu lớn dần khi kinh doanh ngày một phát triển. Trong thời điểm khó khăn của cơ chế bao cấp, ông phải chia nhỏ xưởng ra ở nhiều quận khác nhau. Năm 1992, Thép Việt ra đời trong khi hiếm doanh nghiệp tư nhân nào dàm làm ngành công nghiệp nặng. Sở dĩ ông lấy tên cho công ty là Thép Việt vì niềm khát khao xây dựng bằng được cho ngành thép đất nước 1 công ty tầm cỡ.

Quá trình gây dựng Thép Việt

Để tích lũy thêm vốn và kinh nghiệm, ông lựa chọn hướng đi theo con đường liên doanh suốt 10 năm. Năm 1995, Thép Việt bắt tay liên doanh cùng công ty Úc là Vingal. Lúc bấy giờ Vingal sở hữu nhà máy mạ công nghiệp lớn nhất Việt Nam. 

 Sản phẩm thép Pomina của Thép Việt. Ảnh: Internet

Năm 1997, Thép Việt bắt tay cùng doanh nghiệp Đài Loan tại thép Tây Đô, có nhà máy sản xuất thép lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long. Tới năm 1999, Thép Việt thành lập nhà máy thép Pomina với vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng tương đương 68 triệu USD với công nghệ hiện đại của Ý và Đức. Việc đầu tư cho công nghệ của gia đình ông lúc này đi ngược với xu hướng chung trong nước là sử dụng công nghệ Trung Quốc với giá cao gấp 4 - 5 lần. Tuy nhiên đổi lại chất lượng sản phẩm Pomina dành được uy tín và tin tưởng của khách hàng trong nhiều năm.

Sở dĩ ở thời điểm này ông không dám gọi tên là Thép Việt là bởi lúc ấy trong suy nghĩ nhiều người, từ “con buôn” vẫn còn ám ảnh. Chuyện đầu tư mấy chục triệu USD cho một nhà máy luôn bị đặt dấu hỏi “lấy tiền đâu ra?”.
 
Công nghệ chủ lực của Pomina là công nghệ luyện Consteel bằng lò điện EAF, chú trọng tái tạo nguồn nguyên liệu tái chế với hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn tuần hoàn kép, không thải ra môi trường, mà được tái sử dụng. Pomina đã nhập khẩu từ châu Âu toàn bộ dây chuyền công nghệ, thiết bị hiện đại, tiên tiến để trang bị cho nhà máy tôn, trong đó có 1 dây chuyền tẩy rỉ, 2 dây chuyền cán nguội, 2 dây chuyền mạ kẽm, 1 dây chuyền mạ màu. 
 
Giai đoạn 2008-2011, các nhà máy Pomina luôn ở trong tình trạng hàng không đủ bán, đội xe vận chuyển “cháy” liên tục. Thời hoàng kim 2008-2011, lợi nhuận ròng của công ty đạt trung bình 502 tỉ đồng trên mức doanh thu khoảng 10.000 tỉ đồng/năm. Nhưng sau đó Thép Việt đã mắc chân trong cơn khủng hoảng. Ba quý đầu 2013, Pomina lỗ 240 tỉ đồng. Năm 2012 chỉ lãi 4,6 tỉ đồng nhưng Thép Việt vẫn duy trì vị trí số 1 về thị phần với hơn 15% và là doanh nghiệp thép đứng thứ 2 tại Việt Nam với gần 2.000 tỉ đồng vốn điều lệ, xếp sau tập đoàn Hòa Phát với hơn 4.000 tỉ đồng.
 
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2012 Pomina đứng thứ 2 phân khúc thép xây dựng với 15,6% thị phần. Trong khi đó tập đoàn Hòa Phát kinh doanh cả trên 2 mảng gồm thép xây dựng chiếm gần 14% và thép ống chiếm 15%, nhưng doanh thu quý 3 giảm 29% so với cùng kỳ và lợi nhuận giảm gần 42%.
 
Cho tới năm 2018 - 2019 đầy khó khăn, Pomina liên tục báo lỗ bởi sản xuất thép trong nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, với 70% thép vụn, 40 - 50% phôi thép phải nhập khẩu. Việc thiếu chủ động nguyên liệu trong bối cảnh giá thép thế giới biến động bất thường bởi các căng thẳng kinh tế, thương mại khiến công tác dự báo giá để đưa ra chính sách nhập khẩu, xuất khẩu, tồn kho của các công ty trở nên khó khăn hơn, giá trong nước điều chỉnh nhưng không theo kịp giá thế giới, tất yếu lợi nhuận thường xuyên biến động mạnh.
 
Nhưng với ý chí kiên cường, năm 2020 Thép Việt Pomina đã vượt lên khi báo lãi trở lại sau 6 quý lỗ liên tiếp. Theo đó, riêng quý 3 doanh thu thuần đạt 2.235 tỷ đồng, dù giảm 24,6% so với cùng kỳ nhưng nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh nên lợi nhuận gộp đạt 140,4 tỷ đồng cao gấp 15 lần so với quý 3/2019.
 
Diệu Hương (T/h)
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang