Thị trường máy tích xách tay: Giá tăng, doanh số vượt đỉnh, hàng vẫn... khan

author 06:36 05/07/2021

(VietQ.vn) - Nhu cầu làm việc, học tập online tăng cao do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, khiến thị trường máy tính xách tay chưa bao giờ chứng kiến điều lạ lẫm như thời điểm này, khi doanh số liên tục tăng cao, các hãng đồng loạt tăng giá sản phẩm nhưng hàng vẫn… khan.

Doang số tăng nhưng khan hàng

Bước vào làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 với tính chất phức tạp gia tăng, laptop trở thành một trong những mặt hàng "hot" nhất trên thị trường.

Các nhà bán lẻ đều cho biết, thông thường tháng 6 được xem là thời gian thấp điểm, học sinh, sinh viên đang ôn thi, phải đến mùa tựu trường doanh số laptop mới tăng mạnh. Tuy nhiên, thị trường hoàn toàn đảo chiều do dịch bệnh vẫn còn phức tạp, mọi người ôn thi, làm việc ở nhà khiến nhu cầu cho ngành hàng laptop tăng đột biến. 

Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc ngành hàng Viễn thông Di động hệ thống FPT Shop cho biết tháng 6 năm nay ghi nhận mức tăng đột phá gấp 2 lần so với cùng kỳ. Tính luỹ kế nửa đầu năm 2021, mức độ tăng trưởng đạt 50%. 

Các hệ thống bán lẻ khác như Gear VN hay CellphoneS cũng xác nhận doanh số ngành hàng laptop tăng mạnh. Một số model đang gặp tình trạng tăng giá nhưng không có hàng để bán. Theo ông Thái Lê Tú, Trưởng phòng truyền thông GearVN, ngành hàng laptop của hệ thống này ghi nhận mức tăng trưởng hơn 160% so với cùng kỳ năm ngoái. Những mẫu laptop bán chạy tập trung ở phân khúc dưới 30 triệu đồng.

“Ngoài sự cân nhắc về giá và cấu hình, khách hàng cũng quan tâm nhiều đến tính năng màn hình. Xu hướng các dòng laptop mới hỗ trợ độ phủ màu rộng, mang lại trải nghiệm màu sắc tốt hơn cho khách hàng. Riêng phân khúc laptop gaming còn bổ sung thêm tần số quét cao, tối ưu cho sự mượt mà khi sử dụng”, ông Tú nói.

 Nhu cầu học tập và làm việc tăng cao là nguyên nhân khiến thị trường máy tính xách tay tăng trưởng đột biến

Từ đầu năm 2021 đến nay, một số mẫu laptop đến từ các thương hiệu như Asus, Dell, HP... gặp tình trạng khan hàng do thiếu chip. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 khiến việc nhập hàng hóa gặp nhiều khó khăn. “Nhìn chung laptop ở tất cả phân khúc đều đang thiếu nhưng thiếu nhất là phân khúc văn phòng từ 13,5-16 triệu đồng. Toàn bộ các hãng đều đang rất ít hàng, máy về nhỏ giọt”, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS chia sẻ.

Cùng với sự thiếu hụt hàng hoá ở mọi phân khúc, giá của các dòng laptop hiện nay đều tăng. Trong nửa đầu năm 2021, Dell đã đưa ra mức giá mới, tăng 10-100 USD tùy vào từng sản phẩm. Acer cũng tăng giá từ 5-10% cho các sản phẩm của mình. Các thương hiệu khác như HP, Asus cũng đồng loạt điều chỉnh giá bán sản phẩm laptop. Dự đoán theo hướng tích cực, đại diện các hệ thống bán lẻ đều cho rằng nhiều khả năng tình hình tăng giá và thiếu hàng của laptop có thể ổn định lại sớm nhất là cuối năm 2021 hoặc đến đầu năm 2022.

“Để có thể giải quyết tình trạng khan hàng phụ thuộc chủ yếu vào việc các quốc gia châu Âu, Châu Mỹ kiểm soát được dịch bệnh, bình ổn lại nhịp sống và nhu cầu sử dụng các thiết bị laptop, Notebook. Ngoài ra, các công xưởng thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ phải bình ổn lại hoạt động sản xuất. Những nhà máy có thể hoạt động công suất tối đa”, ông Nguyễn Lạc Huy nhận định.

Cung không đủ cầu

Toàn thị trường máy tính từ đầu năm 2020 đến nay tăng đột biến. Cụ thể, năm 2020, tiêu thụ máy tính xách tay toàn thị trường đạt 830.000 chiếc, tăng khá cao so với trước đó. Còn 5 tháng đầu năm 2021, cả nước tiêu thụ đến 400.000 laptop các loại và dự kiến cả năm 2021 sẽ là 1,3 triệu chiếc.

 Thị trường máy tính xách tay tăng trưởng sẽ là "cứu tinh" cho các hệ thống siêu thị điện máy?

Các hãng cho biết với tình hình hiện tại, chỉ có thể duy trì sản xuất và cung ứng theo kiểu "ăn đong", tức là thực hiện kế hoạch trong ngắn hạn. Đại diện Acer tại Việt Nam thừa nhận hãng mới chỉ lên kế hoạch từ tháng 5 đến tháng 7/2021, mỗi tháng nhập về với số lượng gấp đôi so với tháng trước. Từ tháng 8 trở đi, hãng chưa có kế hoạch cụ thể tại thị trường Việt Nam.

Số liệu khảo sát thời gian gần đây cho thấy nguồn cung toàn thị trường thế giới sụt giảm đến 30% do thiếu hụt nguyên liệu đầu vào dùng để sản xuất bộ vi mạch, màn hình... Đại diện hãng Asus cho rằng giải pháp điều tiết nguồn cung không thể thực hiện đơn lẻ ở từng thị trường mà phải xử lý từ chuỗi cung ứng nguyên liệu và sản xuất.

Khi nguồn cung linh - phụ kiện dồi dào hơn, quy trình sản xuất và cung ứng ổn định hơn mới giải quyết được tình trạng khan hàng. Trong thời gian này, Asus Việt Nam cố gắng làm việc chặt chẽ với nhà máy, nhà phân phối và đại lý để có được nguồn hàng, phân bố hợp lý cho thị trường trong khả năng có thể.

An Nguyên (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang