Cách bảo quản đồ gốm sứ luôn sáng bóng và bền lâu

author 06:26 09/10/2021

(VietQ.vn) - Nhiều gia đình có sở thích sử dụng đồ dùng như bát, đĩa, tách, chén bằng gốm sứ vì độ bền cùng hoa văn đẹp mắt. Nhưng, không phải ai cũng biết cách bảo quản đúng cách, khiến các sản phẩm này dễ vỡ và bị xỉn màu sau một thời gian sử dụng.

Phân biệt gốm và sứ

Đồ gốm sứ vốn được nhiều gia đình Việt ưa chuộng và lựa chọn sử dụng. Ưu điểm của các loại sản phẩm được làm từ gốm sứ đó là độ bền cao, cùng với đó là sự đa dạng trong chủng loại và cách trang trí đẹp mắt, điệu nghệ - những yếu tố này giúp các sản phẩm làm từ gốm sứ được nhiều người ưu tiên chọn mua để sử dụng trong cuộc sống hằng ngày cũng như để trang trí nhà cửa.

Thân thuộc là vậy, thế nhưng chúng ta lại thường nghe cách nói gộp chung chung hai loại vật liệu này với nhau, do đó thực tế nhiều người có thể chưa phân biệt được sự khác nhau giữa gốm và sứ.

Trước hết, gốm là dạng vật chất có nhiệt độ nung thấp khoảng từ 800 độ C, được sử dụng như một loại vật dụng, trong xây dựng công trình, dinh thự và ngay cả máng nước, vật gia dụng,... có tuổi đời lên đến hơn 25.000 năm. Các sản phẩm đồ gốm được sản xuất bằng cách nung nguyên liệu dạng bột bao gồm khoáng thiên nhiên và các chất vô cơ tổng hợp bao gồm cả kim loại. Khi đề cập đến cách thức làm gốm, người ta thường nhắc đến 2 cách là gốm cổ điển và gốm không nung. Đặc tính của gốm là thân đất, có màu, rỗng, xốp và độ hút ẩm cao

Sứ là một dạng vật liệu gốm được tạo ra bằng cách đun nóng nguyên liệu ở nhiệt độ cao, thường bao gồm đất sét ở dạng cao lanh, trong lò với nhiệt độ khoảng 1.200 °C (2.192 °F) và 1.400°C (2.552 °F). Đặc tính quan trọng của sứ là độ thẩm thấu thấp; đàn hồi; bền; cứng; có độ vang và có tính đề kháng cao với chất hóa học, sốc nhiệt. Độ dẻo dai và độ sáng của sứ phát sinh chủ yếu là từ sự hình thành của thủy tinh và mullite khoáng sản trong các phần bị nung ở nhiệt độ cao.

Về bản chất, sứ cũng được coi là một dạng vật liệu của gốm. Thế nhưng, giữa hai sản phẩm này vẫn tồn tại những đặc tính khác biệt nhau.

Sản phẩm làm từ gốm sứ được nhiều gia đình ưa chuộng sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. Ảnh minh họa

Do có kết cấu giòn, xốp, nhiệt độ nung thấp nên độ cứng và độ bền của gốm không tốt. Sản phẩm gốm sẽ rất dễ vỡ nếu gặp phải va chạm hoặc rơi. Ngược lại, đồ sứ có kết cấu chắc, nhiệt độ nung cao nên có độ cứng, độ bền cao hơn.

Khả năng chịu nhiệt và giữ nhiệt của gốm cũng thấp hơn đồ sứ. Gốm có độ thẩm thấu nước cao hơn nên dễ bị mục. Chính vì thế các sản phẩm gốm thường được tráng men kín để chống nước. Đồ sứ hầu như không thấm nước. Lớp trang men của gốm có tính kín tuyệt đối, còn với sứ, lớp tráng men không kín hoàn toàn.

Gốm và sứ đều có thể tráng men (hoặc không) vì có loại sứ kỹ thuật không cần tráng men. Nếu dựa vào nhiệt độ nung để nhận biết thì đôi khi sẽ không đúng. Ví dụ, sành (gốm thô) đôi khi được nung ở nhiệt độ cao hơn sứ thì mới kết sành được. Hay gốm chịu lửa được nung ở nhiệt độ cao >1350°C, nhưng nó vẫn được gọi là gốm.

Cách phân biệt gốm và sứ đơn giản nhất trước hết dựa theo sự khác nhau về độ thấu quang. Độ thấu quang của sứ tốt hơn. Chính vì thế, để phân biệt khi chọn mua, chúng ta chỉ cần đưa sản phẩm lên ánh sáng. Do sứ có độ tinh khiết, độ trong của xương tuyệt đối nên sẽ có nhiều ánh sáng xuyên qua hơn.

Cách thứ hai đó là phân biệt bằng âm thanh. Người mua có thể thử bằng cách gõ vào sản phẩm, các sản phẩm bằng sứ sẽ cho âm thanh vang có độ ngân và dài hơn. Ngoài ra, có thể phân biệt bằng cách đổ nước vào các phần không tráng men trên sản phẩm. Sản phẩm bằng gốm sẽ hút nước từ từ, trong khi đó, sản phẩm làm bằng sứ sẽ không hút nước.

Để phân biệt đồ gốm và sứ, có thể dựa theo sự khác nhau về độ thấu quang, phân biệt bằng âm thanh hoặc bằng cách đổ nước vào các phần không tráng men trên sản phẩm. Ảnh minh họa

Tuỳ theo nguyên liệu và kỹ thuật chế biến nguyên liệu, cách nung (nhiệt độ) khác nhau tạo ra các loại gốm khác nhau, phổ biến là các loại: gốm đất nung, gốm sành nâu, gốm sành xốp, gốm sành trắng, đồ bán sứ, đồ sứ… Như thế, gốm là một tên gọi chung, và sứ là một trong những sản phẩm của gốm.

Đồ gốm thường được ứng dụng trong trang trí nhà cửa, những bình hoa, lục bình hay những bức tranh gốm đẹp, gạch… Trong khi đó, đồ sứ thì được dùng trong phòng bếp, đồ gia dụng, bàn ăn, bộ trà, bộ ly, muỗng…

Mẹo bảo quản đồ gốm sứ luôn sáng bóng, bền lâu

- Nói không với máy rửa bát:

Nhiều gia đình ngày nay đã trang bị máy rửa bát để tiện lợi hơn trong việc dọn dẹp bát đĩa sau mỗi bữa ăn. Tuy nhiên, loại sản phẩm này lại là “kẻ thù” của các sản phẩm bát, đĩa, chén,... làm từ gốm sứ. Lí do bởi cường độ phun nước trong quá trình vận hành máy rửa bát sẽ khiến họa tiết, hoa văn trang trí dễ bị phai màu. Không chỉ vậy, độ nóng cũng sẽ làm biến dạng, nứt hay sứt mẻ của đồ gốm sứ theo thời gian. Do đó, thay vì sử dụng máy rửa bát, các bà nội trợ nên dành ra chút thời gian tự tay lau rửa và phơi khô đồ gốm sứ, để tránh phải tốn thêm một khoản tiền mua một bộ bát đĩa hay bộ ấm chén mới.

Sử dụng máy rửa bát sẽ vô tình làm "giảm tuổi thọ" của các sản phẩm làm từ gốm sứ. Ảnh: Kitchen Aid

- Không nên lạm dụng nước Javel hoặc các chất tẩy rửa:

Nhiều người có thói quen sử dụng nước Javel hoặc các chất tẩy rửa để khử trùng hoặc làm bóng các sản phẩm bát, đĩa, tách, chén. Thế nhưng, đây không phải là một cách làm tối ưu  bởi chất tẩy rửa hoặc nước Javel có độ khử khuẩn khá mạnh, sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng của đồ gốm sứ. Để rửa đồ gốm sứ đúng cách, các bà nội trợ nên dùng nước ấm và cho một ít nước cốt chanh hoặc giấm pha loãng. Sau đó, ngâm và rửa sạch từ 2 đến 3 lần rồi dùng khăn sạch, mềm lau thật khô trước khi cất vào tủ. Nếu muốn cẩn thận hơn, hãy lót dưới chậu rửa một lớp cao su hoặc xốp mút để tránh bị va đập, rơi vỡ đồ gồm sứ.

- Vệ sinh các vết bẩn đúng cách:

Trong quá trình sử dụng, sẽ không thể tránh khỏi việc các đồ dùng làm từ gốm, sứ bị bám bụi hay “dính” những vết bẩn, vết nhơ không đáng có, làm ảnh hưởng đến vẻ ngoài bắt mắt của sản phẩm. Để khắc phục tình trạng này, đối với bụi bẩn bám trên đồ gốm sứ, chỉ cần dùng khăn vải mềm nhúng vào nước ấm và lau sạch trong và ngoài bề mặt. Với những vết dơ, vết ố vàng trên nội thất, ấm chén, bát đĩa,… người dùng nên tham khảo một trong số những nguyên liệu sau để làm sạch:

Bột baking soda có tác dụng tẩy ố, làm đồ gốm sứ trở nên bóng loáng, sạch sẽ.

Pha hỗn hợp nước cốt chanh và giấm hòa cùng vụn vỡ vỏ trứng gà non, dùng giẻ lau mềm hoặc miếng mút để cọ rửa bề mặt đồ gốm sứ.

Kem đánh răng là cứu cánh cho các vết bẩn, vàng ố. Do đó, hãy dùng bàn chải và kem đánh răng đánh đều nhẹ nhàng lên vết bẩn theo hình tròn cho đến khi vết bẩn biến mất rồi rửa lại đồ gốm sứ bằng nước sạch, dùng khăn mềm lau khô.

Kem đánh răng có thể là "cứu cánh" cho những sản phẩm đồ gốm sứ có vết bẩn, vàng ố. Ảnh minh họa

- Dùng keo epoxy để khắc phục các vết nứt

Nếu phát hiện các sản phẩm đồ gốm sứ có vết nứt nhẹ, trước hết hãy rửa sản phẩm nhẹ nhàng và cẩn thận bằng nước ấm, hoặc bằng nước rửa có tính tẩy rửa nhẹ. Tiếp đến làm khô sản phẩm bằng máy sấy tóc. Sau đó dùng keo epoxy bôi lên trên vết nứt rồi dùng khăn tẩm cồn lau thêm một vài lần nữa. Cuối cùng, sử dụng băng dính dán lại chỗ nứt vừa bôi keo trong vòng 24 giờ. Cách làm này nghe có vẻ hơi phức tạp và nhiều công đoạn, nhưng chắc chắn các bà nội trợ sẽ phải bất ngờ với hiệu quả mà phương pháp khắc phục này mang lại.

Người tiêu dùng nên chọn mua các sản phẩm gốm sứ tại các làng nghề, cơ sở chính hãng. Đồ dùng làm từ gốm sứ vừa có tác dụng trang trí, lại có thể được sử dụng như các sản phẩm đồ gia dụng như bát, đĩa, ấm, chén, ly, tách,… Do đó, trong quá trình sử dụng, người dùng nên chú ý tới những dấu hiệu “bất thường” trên sản phẩm để từ đó có cách bảo quản và thay thế sản phẩm mới phù hợp hơn.

Ngọc Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang