Người lao động cần không ngừng phát huy tính sáng tạo để nâng cao năng suất

author 12:17 05/09/2024

(VietQ.vn) - Có nhiều yếu tố là động lực nâng cao năng suất lao động, trong đó, người lao động luôn là trung tâm. Mỗi người lao động cần không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để có năng suất lao động cao hơn.

Trong bối cảnh hội nhập, tăng năng suất lao động là vấn đề "sống còn" đối với những quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tăng năng suất lao động giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ đó tạo động lực để phát triển kinh tế. Có nhiều yếu tố là động lực nâng cao năng suất lao động, trong đó, người lao động luôn là trung tâm. Mỗi người lao động cần không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để có năng suất lao động cao hơn.

Người lao động phát huy tính sáng tạo mang đến hiệu quả mọi mặt cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng suất lao động. Ảnh minh họa.

Theo bà Trương Thị Thu Hà, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tại BSR, phong trào phát huy sáng tạo đã được hình thành nhiều năm nay. Từ nền tảng tạo dựng phong trào thi đua bền vững đó, với mỗi ý tưởng, mỗi sáng kiến của người lao động đã góp phần đưa nhà máy đi vào hoạt động thương mại với sự an toàn, ổn định và phát triển cho đến nay.

“Làm việc tại doanh nghiệp có máy móc, trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, mỗi người lao động BSR luôn đặt cho mình mục tiêu cao hơn, luôn học hỏi, nghiên cứu sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tối ưu hóa trong từng công việc. Bằng tất cả tinh thần và trách nhiệm làm việc tận tâm, cùng nhau suy nghĩ để biến thách thức thành cơ hội, thực hành tiết kiệm, mỗi người lao động BSR đã và đang nuôi dưỡng đam mê lao động sáng tạo, cống hiến không ngừng, mang đến hiệu quả mọi mặt cho Công ty, góp phần nâng cao năng suất lao động.

Hoạt động sáng kiến cải tiến thật sự là đòn bẩy qua đó mỗi người lao động có thể phát huy mọi tiềm năng bản thân, bứt phá bằng trí tuệ, bản lĩnh của mỗi người để tham gia thúc đẩy sự phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và là động lực phát triển”, bà Thu Hà nói.

Áp dụng tiêu chuẩn về an toàn lao động trở thành yếu tố quan trọng đánh giá trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp Hà Nội cũng khẳng định vai trò quan trọng của việc tổ chức các phong trào thi tay nghề, thi thợ giỏi, ôn lý thuyết, luyện tay nghề trong công nhân lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động.

Ông Thắng cho biết, những năm qua Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân lao động như phong trào thi đua "Lao động giỏi", "Lao động sáng tạo", "Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động", phấn đấu đạt danh hiệu "Công nhân giỏi", "Sáng kiến sáng tạo" Thủ đô...

Đặc biệt, phong trào thi đua "Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội khởi sướng và phát động, đã thu hút đông đảo công nhân lao động tích cực hưởng ứng tham gia, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và xây dựng đội ngũ công nhân lao động có trình độ tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

“Phong trào thi đua "Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi" trong công nhân lao động đã khẳng định thi đua là động lực hết sức quan trọng để khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo, ý thức trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đặt biệt là tăng năng suất lao động, giảm hàng lỗi, hàng hỏng, cải tiến mẫu mã, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh”, ông Thắng nói.

Tại Diễn đàn nâng cao năng suất lao động Quốc gia diễn ra mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, toàn thể anh chị em công nhân, người lao động cần phát huy hơn nữa vai trò của người lao động - chủ thể tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, tạo ra của cải, vật chất và tinh thần cho xã hội. Không ngừng trau dồi, tự học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề, kinh nghiệm, khả năng thích ứng.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng động sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc. Đổi mới tác phong, ý thức chấp hành pháp luật và kỷ luật lao động, tạo môi trường lao động lành mạnh, bình đẳng, hiệu quả. Nâng cao kiến thức và kỹ năng làm việc; nhận thức sâu sắc rằng năng suất lao động gắn liền với thu nhập, chất lượng cuộc sống của chính bản thân, gia đình và mang lại lợi ích cho đất nước.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang