Đà Nẵng: Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao công nghệ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm
Thủ tướng chỉ thị kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường trong nước
Nghiên cứu mới phát hiện hợp chất trong măng cụt có thể giúp hỗ trợ kiểm soát tiểu đường
Cần có các tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm hỗ trợ năng lượng sạch
Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và kinh tế tập thể, thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ
Đà Nẵng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Ảnh minh họa
Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, xác định đây là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới và là nền tảng cho chuyển đổi số quốc gia. Tại Đà Nẵng, chính quyền thành phố đã cụ thể hóa chiến lược này bằng những chính sách hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp trong việc chuyển giao công nghệ và nâng cao tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Theo đó, Đà Nẵng hỗ trợ tối đa chi phí nghiên cứu và mua sắm thiết bị công nghệ cho doanh nghiệp, với mức hỗ trợ lên đến 70% chi phí công nghiên cứu và tối đa 3 tỷ đồng/doanh nghiệp/năm. Mỗi doanh nghiệp có thể nhận hỗ trợ cho tối đa 2 dự án. Đặc biệt, thành phố cũng hỗ trợ từ 30-35 triệu đồng cho doanh nghiệp trong việc xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đồng thời hỗ trợ chi phí đánh giá chứng nhận sản phẩm với mức 15 triệu đồng/sản phẩm.
Từ năm 2017 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ cho 70 lượt doanh nghiệp, giải ngân kinh phí hỗ trợ là 9.371 triệu đồng. Đáng chú ý, từ cuối năm 2023 đến nay, Sở đã hỗ trợ thêm 10 doanh nghiệp với tổng kinh phí hơn 1,23 tỷ đồng, trong đó có 9 doanh nghiệp trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng với kinh phí 345 triệu đồng.
Một ví dụ điển hình cho hiệu quả của chính sách này là dự án đổi mới công nghệ "Đầu tư máy phân cỡ tôm thông minh" của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Miền Trung. Dự án này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất mà còn tạo điều kiện cho việc bố trí lại lao động, tăng cường các công đoạn chế biến giá trị gia tăng khác. Máy phân cỡ tôm thông minh, sử dụng công nghệ AI, đã mang lại hiệu quả vượt trội trong việc xác định trọng lượng và phân tích từng con tôm với độ chính xác cao.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã thụ hưởng quyền lợi từ chính sách của thành phố như: Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng và Đầu tư Quang Nguyễn, Công ty TNHH Medlatec Đà Nẵng, Công ty TNHH Châu Đà, Công ty Cổ phần Gia Quảng Phát, Công ty Cổ phần Cơ điện miền Trung, Công ty TNHH MTV Thép VAS Việt Mỹ, Công ty TNHH MTV Diều Phong, Công ty TNHH Mỹ Phương Food, Công ty Cổ phần Secoin Đà Nẵng.
Bà Trần Như Thiên Mỵ - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Miền Trung chia sẻ: “Quyết định từ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của UBND TP. Đà Nẵng là sự động viên, khích lệ lớn giúp Công ty tiếp tục con đường đổi mới công nghệ trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm.”
Những phản hồi tích cực từ các doanh nghiệp cho thấy, việc hỗ trợ đổi mới công nghệ không chỉ giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và sức khỏe người lao động. Điều này góp phần tăng doanh thu cho doanh nghiệp và đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ của thành phố Đà Nẵng đã và đang mang lại những lợi ích thiết thực. Doanh nghiệp không chỉ tự chủ trong nghiên cứu, chế tạo thiết bị công nghệ mà còn thuận tiện trong quá trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa máy móc. Đồng thời, việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng và đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng giúp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ của Đà Nẵng đã tạo ra môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Duy Trinh (t/h)