Nguy hiểm từ việc bơm tinh chất chứa ma tuý vào thuốc lá điện tử bán cho học sinh, sinh viên
Cảnh báo về loại ma tuý mới có tên 'Socola bay'
Phát hiện ma túy trong thực phẩm chức năng làm đẹp da, chữa ung thư
Báo cáo thực trạng và kết quả triển khai công tác phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong học sinh, sinh viên, ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới xây dựng Báo cáo khảo sát hành vi sức khỏe của học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019 và phối hợp với Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế tổ chức khảo sát thực trạng sử dụng thuốc lá mới trong học sinh, tập trung vào nhóm 13-17 tuổi (khảo sát năm 2021, năm 2023). Kết quả cho thấy, tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá điếu truyền thống có giảm (khoảng gần 50% trong 5 năm). Tuy nhiên tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tăng mạnh trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2023.
Theo số liệu khảo sát năm 2014, số học sinh sử dụng thuốc lá điếu khoảng 4,67%, đến năm 2019 giảm còn 2,67% và đến năm 2023 giảm còn 1,9%. Tuy nhiên số học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng lại tăng mạnh từ 2,6% vào năm 2019 đến 8% vào năm 2023.
Trong khi đó hiện nay tình hình nhập lậu thuốc lá, buôn bán, vận chuyển, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên thị trường, qua không gian mạng ngày càng tăng về quy mô và mức độ nghiêm trọng. Đặc biệt là tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử, pha trộn ma túy (cần sa, ma túy tổng hợp) đang diễn biến phức tạp và gia tăng rất nhanh...
Cụ thể, thời gian gần đây Công an tỉnh Phú Thọ đã phát hiện nhiều đối tượng thường mua các lọ tinh dầu chứa chất ma túy MDMB-BUTINACA trên các trang mạng xã hội sau đó pha loãng bằng các loại dung dịch khác nhau rồi bơm vào các Pod thuốc lá điện tử bán cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên để kiếm lời. Loại tinh dầu này thường có màu trắng hoặc màu vàng và có mùi thơm.
Qua công tác giám định, Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Phú Thọ đã phát hiện chất ma túy MDMB-BUTINACA có chứa trong các lọ tinh dầu này. Đây là chất ma túy mới và vừa được bổ sung kịp thời tại Nghị định 90/2024/NĐ-CP ngày 17/7/2024 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.
Phương thức sản xuất các mẫu vật có chứa chất MDMB-BUTINACA là hoà tan chất này trong tinh dầu thích hợp để bơm vào thuốc lá điện tử hoặc phun tẩm lên các sợi thực vật khô và được sử dụng qua đường hút. Khi đi vào cơ thể, chất này có tác dụng kích thích thần kinh trung ương và gây ảo giác mạnh làm cho người sử dụng bị lệ thuộc, bị nghiện.
MDMB-BUTINACA là chất ma túy thuộc loại cần sa tổng hợp, nguy hiểm đối với sức khỏe, có thể gây tổn thương đa tạng, hôn mê, co giật, hoang tưởng, gây sốc, suy thận, thậm chí ngừng tim. Thủ đoạn của đối tượng phạm tội là thường mua các lọ tinh dầu chứa chất ma túy MDMB-BUTINACA trên các trang mạng xã hội, sau đó về pha loãng bằng các loại dung dịch khác nhau và bơm vào các Pod thuốc lá điện tử rồi bán cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên để kiếm lời.
Hay trước đó vào ngày 10/8/2024 Công an tỉnh Hải Dương cho biết, Công an huyện Tứ Kỳ đã triệt phá thành công đường dây sản xuất, mua bán trái phép ma tuý loại CBD liên tỉnh quy mô lớn, liên quan đến một số quốc gia (như Trung Quốc, Malaysia, Arab Saudi…) và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Ma túy "núp bóng" thuốc lá điện tử ngày càng xâm nhập vào thị trường với nhiều hình thức gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe nhất là thanh, thiếu niên. Ảnh minh họa
Quá trình đấu tranh chuyên án, Công an tỉnh đã bắt giữ toàn bộ 13 đối tượng trong đường dây ở các tỉnh, thành phố sử dụng thủ đoạn rất tinh vi để sản xuất, mua bán ma tuý. Lực lượng Công an thu giữ tang vật gồm 140 lít ma tuý loại CBD, 200 cây thuốc lá điện tử tẩm ma tuý loại CBD, 10 cây vàng SJC, 1 ô tô, 2 xe máy và nhiều máy móc, dụng cụ phục vụ việc sản xuất ma tuý trái phép. Lực lượng Công an cũng ra quyết định phong toả toàn bộ tiền trong tài khoản của các đối tượng và các bất động sản do phạm tội mà có.
Trưng cầu giám định các mẫu vật, dung dịch các đối tượng khai nhận là ma tuý CBD, kết quả đều xác định có chất ma tuý MDMB-4en-PINACA. Đây là loại ma tuý mới, “núp bóng” thuốc lá điện tử, rất hấp dẫn đối với thanh thiếu niên, dễ sử dụng nhưng gây tác hại đặc biệt nghiêm trọng làm tổn thương não, loạn thần, suy tim…
Thông tin về tình trạng ma túy " núp bóng" thuốc lá điện tử, đại diện Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy (C04, Bộ Công an) cho biết, trong thời gian qua, xuất hiện nhiều loại ma túy mới được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá điện tử. Đây là thủ đoạn tinh vi của tội phạm nhằm qua mặt cơ quan chức năng.
Đại diện C04 cho biết thêm, gần đây còn xuất hiện việc ma túy "núp bóng" thuốc lá điện tử. Hình thức chủ yếu mua bán thuốc lá điện tử thông qua hệ thống vận chuyển hàng hoá bằng hình thức giao hàng online, với mặt hàng là thuốc lá điện tử, thảo mộc sấy khô, sau đó phun, tẩm các dung dịch chứa chất ma tuý loại ADB-Butinaca.
Chất ADB-Butinaca, thuộc nhóm chất cần sa tổng hợp, mới được đưa vào quản lý theo Nghị định 57/2022/NĐ-CP, ngày 25/8/2022 của Chính phủ quy định các Danh mục chất ma tuý và tiền chất. Khi sử dụng nó gây ra ảo giác, kích thích thần kinh trung ương giống như hoạt chất THC có trong cần sa. Tuy nhiên, nó khác là chất ADB-Butinaca được tổng hợp từ các hoá chất, các đối tượng điều chế để tạo ra chất này, có tác dụng tương tự như hoạt chất ma tuý cần sa.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây trên thị trường cũng xuất hiện tinh dầu cần sa (CBD), để trộn vào tinh dầu thuốc lá điện tử. Theo đó, CBD là một chiết xuất cần sa có chứa hàm lượng cao CBD và một ít hoặc không có THC (thành phần chính trong cây cần sa, cho cảm giác “phê”). Chúng có thể được sản xuất từ cây tài mà (cần sa giải trí) hoặc cây gai dầu công nghiệp.
Thực tế, trong tinh dầu của thuốc lá điện tử có chất nicotine và một số các chất thơm. Khi chế tạo, các đối tượng đã “thả” thêm chất ma tuý nhóm cần sa tổng hợp này vào. Vì chất ma tuý này không màu, không mùi, lại lẫn mùi của tinh dầu nên bằng cảm quan thông thường khó có thể nhận biết được. Chỉ người bán và đối tượng sử dụng có thể biết được thuốc lá điện tử có chất ma tuý (từ nguồn mua, giá cả…).
Để lôi kéo người sử dụng, ban đầu chúng cho người sử dụng dùng thử như thuốc lá điện tử thông thường, để lôi kéo. Khi người dùng đã “bị lệ thuộc”, có nhu cầu sử dụng thường xuyên, các đối tượng sẽ bán với giá thành cao hơn… Bởi thuốc lá điện tử chứa nicotine là chất gây nghiện, người sử dụng nó bắt buộc phải dùng tiếp, nếu không sẽ vật vã khó chịu, không dứt ra được. Nicotine trong thuốc lá điện tử gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, gây suy giảm trí nhớ, gây ra sinh non, thai chết lưu ở phụ nữ có thai. Nicotine làm giảm lưu lượng máu, gây ra nguy cơ đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ. Nicotine còn gây ra suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng.
Thuốc lá điện tử tiện dụng với các ống dung dịch được đóng gói cho hàng trăm hơi hút, hầu như không có định lượng về nồng độ nicotine trong mỗi ml. Điều này dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng, mức độ dung nạp nicotine và gây nguy cơ ngộ độc cấp tính. Một số loại thuốc lá điện tử có thể chứa những thành phần nguy hiểm như chì, formaldehyde hay Tetrahydrocannabinol (THC) là chất gây ung thư, dị tật bẩm sinh hoặc các vấn đề sức khỏe khác.
Các loại ma túy "núp bóng" này khó để phân biệt hơn so với ma túy truyền thống. Việc phân loại phải dựa vào tên gọi ví dụ như: Nước vui, bánh lười, pod chill... Đặc điểm nhận diện tiếp theo là về bao bì, các loại này thường có bao bì phong phú, đa dạng, nhiều kí hiệu lạ như hình con ngựa, cây cần sa... và không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Đại diện C04 đưa ra ví dụ, nhóm ma túy methamphetamine (hồng phiến, ma túy đá...) thường "núp bóng" dưới dạng đồ uống như trà, cà phê... được sử dụng ở nơi có âm thanh, ánh sáng mạnh để kích thích, tạo hưng phấn. Nhóm ma túy cần sa tổng hợp thì "núp bóng" dưới dạng bánh, kẹo, thuốc lá... Còn nhóm hỗn hợp (thuốc lắc, ketamine, methamphetamine, bùa lưỡi...) được trộn nhiều loại ma túy và "núp bóng" dưới dạng nước vui.
Bộ Công an cho biết thêm, hiện nay đơn vị này đã phối hợp với các bộ, ngành chức năng kịp thời tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung vào danh mục các chất ma túy, tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 57/2022/NĐ-CP của Chính phủ để có biện pháp xử lý, ngăn chặn loại ma túy này xâm nhập vào xã hội, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Đại diện C04 khuyến cáo, để ngăn chặn việc mua bán, sử dụng các loại ma túy mới, cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các hình dạng, mẫu mã của loại ma túy này. Người dân nên thường xuyên theo dõi nội dung tuyên truyền của cơ quan chức năng để nhận diện và phòng, tránh.
An Dương (T/h)