Nhập lậu mỹ phẩm vẫn diễn ra sôi động trong tình hình dịch bệnh phức tạp

author 06:11 16/09/2021

(VietQ.vn) - Thời gian qua, tình trạng buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng, trong đó có mỹ phẩm nhập lậu.

Gần đây nhất, ông Phan Hùng Sơn - Cục trưởng Cục QLTT Thừa Thiên Huế cho biết: Qua công tác quản lý, giám sát địa bàn, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội QLTT số 2 đã phát hiện, tạm giữ hơn 2.024 sản phẩm mỹ phẩm có dấu hiệu nhập lậu chứa trong 2 thùng carton tập kết trên lề đường trước số nhà 02 đường Nguyễn Đức Tịnh, phường Xuân Phú, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

2.000 sản phẩm mỹ phẩm có dấu hiệu nhập lậu đã bị lực lượng QLTT Thừa Thiên Huế tạm giữ - Ảnh: Báo Công thương 

Hàng hóa được phát hiện, tạm giữ gồm 22 mặt hàng mỹ phẩm các loại có tổng số lượng 2.024 sản phẩm do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ, không có số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẫm, có dấu hiệu nhập lậu, trị giá ước tính khoảng 100 triệu đồng.

Hiện Đội Quản lý thị trường số 2 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiến hành thẩm tra, xác minh để xử lý theo quy định của pháp luật. Được biết, trước đó Đội QLTT số 3 phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an thị xã Hương Thủy kiểm tra, phát hiện và tạm giữ hàng hóa là áo quần không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Lacoste, Gucci, Chanel… với số lượng là 1.290 bộ, có trị giá ban đầu ước tính trên 200 triệu đồng.

Ông Phan Hùng Sơn chia sẻ: Thời gian qua, lực lượng QLTT Thừa Thiên Huế đã tăng cường công tác giám sát địa bàn, tuyến trọng điểm về hàng hóa, xây dựng mạng lưới cơ sở nhân mối nhằm thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn quản lý.

Trước đó, tại Hà Nội cũng bắt giữ một vụ tương tự vào ngày 14/7, Đội Quản lý thị trường số 8, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, phối hợp với Đội 5 Cảnh sát Môi trường, Công an Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh, tập kết hàng hóa tại số 6B1 khu tập thể đường sắt, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

 Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện một cơ sở kinh doanh tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đang bày bán hơn 10.000 sản phẩm làm đẹp nhập lậu - Ảnh: Báo Công Luận

Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở có 11.579 sản phẩm là dầu gội đầu, dầu xả, thuốc nhuộm tóc, máy cắt tóc, kéo...các loại, tương đương gần 4 tấn hàng hóa. Số hàng hóa này là hàng do nước ngoài sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa trên. Đội Quản lý thị trường số 8 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại Lạng Sơn, ngày 11/7, tại đường Tô Hiến Thành, phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn, lực lượng chức năng phát hiện xe ô tô tải BKS 89C- 093.41 đang dừng dỗ có dấu hiệu vận chuyển hàng hóa vi phạm. Tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe đang vận chuyển các bao tải dứa màu xanh, bên trong chứa các thùng xốp trắng đựng các mặt hàng là mỹ phẩm có nguồn gốc sản xuất ngoài Việt Nam.

 Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn kiểm tra số hàng vi phạm. Ảnh: QLTT LS

Kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện có 23 mặt hàng gồm: bộ mỹ phẩm loại 3 sản phẩm/bộ; sữa rửa mặt tinh chất mật ong loại 200ml/tuýp; dung dịch đắp mặt tinh chất trà matcha loại 350g/lọ; serum dưỡng da; các loại kem dưỡng trắng da; thuốc nhuộm tóc; dầu dưỡng tóc; xà phòng bánh….Tất cả các sản phẩm trên đều không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định. Toàn bộ hàng hóa vi phạm trên xe có số lượng lên đến gần 1.300 đơn vị sản phẩm và có giá trị trên 100 triệu đồng theo giá thị trường. Tại thời điểm kiểm tra, ông Hoàng Văn Công điều khiển phương tiện không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp của số mỹ phẩm trên xe.

Trên đây chỉ là một số vụ việc điển hình trong số hàng nghìn vụ mỹ phẩm giả, nhái đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Đặc biệt là trong tình trạng dịch bệnh đang diễn ra phức tạp các đối tượng kinh doanh lợi dịch bệnh để bán hàng hóa vi phạm theo hình thức phân phối qua thương mại điện tử, đặc biệt là mạng xã hội, đồng thời lợi dụng vận chuyển bằng hình thức chuyển phát bưu điện, thuê các điểm gần với khu dân cư đông đúc, nơi ở để làm nơi tập kết hàng hóa nên việc kiểm tra gặp nhiều khó khăn. 

Trước những mối nguy hại tiềm ẩn từ mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc đến sức khỏe người tiêu dùng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về mỹ phẩm (sản xuất, điều kiện sản xuất, công bố mỹ phẩm, quảng cáo mỹ phẩm…) tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn. Tổ chức tiếp nhận các thông tin phản ánh về chất lượng, an toàn mỹ phẩm cũng như các hành vi quảng cáo không trung thực từ các tổ chức, cá nhân; xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo cơ sở kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu mỹ phẩm để kiểm tra chất lượng mỹ phẩm, sản xuất lưu thông trên địa bàn theo quy định; chú ý đối với các mỹ phẩm không có đầy đủ thông tin về nhãn theo quy định.

Lý Băng (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang