Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ: Loại bỏ tư duy ‘ăn xổi’

author 16:57 25/03/2022

(VietQ.vn) - Một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang có tư duy muốn có đơn hàng luôn mà không đầu tư, nâng cấp trình độ kỹ thuật, chỉ nhìn nhận lợi ích trước mắt mà chưa tính con đường lâu dài trong khi các doanh nghiệp FDI vốn có yêu cầu rất cao về mặt kỹ thuật.

Nhiều doanh nghiệp FDI tại nước ta hiện đang tăng cường tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa. Ảnh minh họa.

Thời gian qua, với việc triển khai đồng bộ nhiều cơ chế, chính sách đã giúp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được quan tâm thúc đẩy, tăng cường liên kết, đặc biệt là trong những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như: dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản...

Nhờ vậy, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Cơ cấu sản phẩm có sự dịch chuyển tích cực khi tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và vừa của Việt Nam tăng đáng kể, tạo cơ sở hình thành một số tập đoàn công nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. 

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp FDI tại nước ta đang tăng cường tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa để phục hồi lại các nhà sản xuất để tiết kiệm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh... khi nguồn cung của đối tác nhập khẩu gián đoạn, nhất là chi phí logistics tăng cao.

Các doanh nghiệp FDI đang tăng cường tìm kiếm các nhà cung cấp để cung ứng hàng nghìn chi tiết, linh kiện... Các tập đoàn lớn như: Samsung, Panasonics, Bosch, Juki, Towa… hiện cũng đang ráo riết tìm kiếm nhà cung ứng công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chỉ ra, một số doanh nghiệp Việt vẫn đang có tư duy muốn có đơn hàng luôn mà không đầu tư, nâng cấp trình độ kĩ thuật, chỉ nhìn nhận lợi ích trước mắt mà chưa tính con đường lâu dài trong khi các doanh nghiệp FDI vốn có yêu cầu rất cao về mặt kỹ thuật.

Để phát triển công nghiệp hỗ trợ theo kịp sự phát triển của thị trường, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam kỳ vọng Nhà nước ưu đãi hạ tầng đất đai - nhà xưởng, thuế, kết nối tiếp nhận công nghệ mới và chuỗi sản xuất toàn cầu.

Theo ông Nguyễn Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cần điều chỉnh chính sách ưu đãi cho hỗ trợ tìm nguồn vốn ưu đãi và kết hợp đào tạo lao động chuyên sâu cho ngành công nghiệp hỗ trợ… “Chúng ta cần chính sách tốt hơn nữa, thiết thực và đi vào đời sống của doanh nghiệp hơn nữa từ Nhà nước. Qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói riêng vươn lên.

Chúng tôi tin tưởng rằng, tới đây Luật Công nghiệp hỗ trợ cũng như các chính sách thí điểm về công nghiệp hỗ trợ sớm đến tay các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, từ đó sẽ làm tiền đề cho doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi sản xuất ngay tại nội địa của Việt Nam và dần tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu”, ông Nguyễn Hoàng nêu ý kiến.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang