Quy định mới về danh mục các chất ma túy và tiền chất
Mỹ tìm ra cách xử lý hóa chất nguy hiểm trong đồ gia dụng
Ăn nho có thể kéo dài thêm 5 năm tuổi thọ, cách lựa chọn nho đảm bảo an toàn nhất
Tìm thấy 3240 hóa chất trong bao bì thực phẩm có thể gây hại sức khỏe
Ngày 25/8, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2022/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất. Kèm theo Nghị định này là 4 danh mục chất ma túy và tiền chất. Cụ thể:
Danh mục I: Các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền.
Danh mục II: Các chất ma túy được sử dụng hạn chế trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Danh mục III: Các chất ma túy được sử dụng trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Danh mục IV: Các tiền chất (IVA: Các tiền chất thiết yếu, tham gia vào cấu trúc chất ma túy; IVB: Các tiền chất là hóa chất, dung môi, chất xúc tác dùng trong quá trình sản xuất chất ma túy).
Nghị định quy định rõ, Bộ trưởng Bộ Công an, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm quản lý các thuốc thú y có chứa chất ma túy và tiền chất, chất ma túy và tiền chất dùng làm nguyên liệu sản xuất thuốc thú y theo quy định tại Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 4/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy.
Khi phát hiện chất mới chưa có trong các danh mục chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định này liên quan đến mục đích bất hợp pháp hoặc theo quy định tại 3 Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống ma túy, Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan xem xét, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung và công bố các danh mục đó.
Liên quan tới vấn đề này, trước đó Dự thảo Bổ sung 17 chất ma túy mới vào danh mục quản lý là một đề xuất của Bộ Công an nhận được sự quan tâm của dư luận. Dự thảo này được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Theo đó sau khi tổng hợp các chất trong các danh mục của Nghị định số 73/2018/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất; Nghị định số 60/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP. Dự thảo đã bổ sung 17 chất ma túy mới đồng thời đánh lại số thứ tự danh mục. Cụ thể, đề xuất 4 danh mục:
Danh mục I: “Các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền” (gồm 47 chất ma túy).
Danh mục II: “Các chất ma túy được sử dụng hạn chế trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền” (gồm 434 chất ma túy).
Danh mục III: “Các chất ma túy được sử dụng trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền” (gồm 76 chất ma túy).
Danh mục IV “Các tiền chất” (gồm 57 tiền chất ma túy).
Như vậy, các danh mục được cập nhật để bảo đảm sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng trong các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Thực tế, hàng năm ủy ban kiểm soát ma túy Liên Hợp Quốc (CND) đều họp bỏ phiếu đưa các chất ma túy mới vào danh mục kiểm soát quốc tế. Tại Việt Nam, các chất ma túy và các tiền chất mới xuất hiện liên tục nhằm đối phó với các quy định quản lý của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, hiện việc bổ sung các chất này vào danh mục kiểm soát theo hình thức sửa đổi Nghị định với nhiều thủ tục và thời gian kéo dài. Để khắc phục hiện trạng này, bộ Công an đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành danh mục sửa đổi, bổ sung và sau đó danh mục này sẽ được hợp nhất vào các danh mục trong Nghị định mà không cần sửa đổi Nghị định.
An Dương