Rà soát, đánh giá xử lý chất thải y tế trong phòng, chống dịch COVID-19

author 14:51 29/04/2022

(VietQ.vn) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần rà soát, đánh giá xử lý chất thải y tế trong phòng, chống dịch COVID-19.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", cả nước đã chuyển sang trạng thái bình thường mới, đời sống xã hội dần ổn định và phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh công tác thu gom rác thải sinh hoạt thông thường, hiện công tác vệ sinh môi trường lại đang nảy sinh một số vấn đề mới trong quá trình quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm, rác thải y tế phát sinh từ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhiều địa phương.

Mặc dù chưa có thống kê về số rác thải phát sinh do dịch COVID-19 song hiện nay chất thải y tế ở nhiều địa phương vẫn gia tăng từ trang phục, khẩu trang, găng tay, kim tiêm, dây truyền dịch, thuốc men, bao bì thực phẩm đóng gói... Người dân cũng được khuyến khích sử dụng khẩu trang và được thay thường xuyên cho nên khẩu trang đã qua sử dụng thải ra môi trường cũng làm tăng lượng rác thải. Cơ quan y tế cũng sử dụng một lượng lớn các hóa chất khử trùng cũng làm ảnh hưởng tới môi trường. 

Nhiều tỉnh thành chưa ban hành kế hoạch hoặc chưa bố trí kinh phí thu gom vận chuyển, xử lý chất thải y tế

Trước thực tế trên, mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, TPHCM về giải pháp, phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, nhất là chất thải lây nhiễm phát sinh từ hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.

Cần rà soát, đánh giá xử lý chất thải y tế trong phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá việc triển khai các văn bản, hướng dẫn xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm trong quá trình phòng, chống dịch COVID-19; phương án quản lý hỗ trợ, thu gom chất thải lây nhiễm tại cộng đồng, nhất là việc tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân phân loại chất thải lây nhiễm y tế một cách thuận lợi như có túi rác, thùng rác riêng biệt;…

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay có 38 tỉnh, thành phố thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế lây nhiễm tại các bệnh viện. Tuy nhiên, lượng chất thải phát sinh rất ít tại trạm y tế xã, cơ sở y tế quy mô nhỏ, phân tán nên khó khăn, chi phí cao trong việc thu gom, vận chuyển.

Đáng chú ý, vẫn còn 25 tỉnh, thành phố chưa ban hành kế hoạch hoặc chưa bố trí kinh phí thu gom vận chuyển, xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm, gây khó khăn, lúng túng cho các cơ ở y tế trong việc tìm đơn vị để chyển giao chất thải đưa đi xử lý.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nêu thực tế, trong quá trình chống dịch, rất nhiều cơ sở thu dung, cách ly, điều trị người nhiễm COVID-19 xuất hiện tình trạng quá tải chất thải y tế, chất thải lây nhiễm do không được đưa đi xử lý.

Tại cộng đồng, với khoảng 87% ca mắc COVID-19 được điều trị tại nhà, nơi lưu trú, đã phát sinh lượng lớn chất thải lây nhiễm nhưng việc thu gom, xử lý còn nhiều hạn chế. Thậm chí nhiều gia đình chưa phân biệt, phân loại chất thải lây nhiễm và chất thải sinh hoạt.

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho hay, việc thu gom, vận chuyển chất thải y tế, chất thải lây nhiễm của những hộ gia đình có người nhiễm COVID-19 không được giám sát đầy đủ do thiếu nhân lực, phương tiện thu gom.

Ông Hiền cũng cho biết, toàn quốc hiện có hơn 80 cơ sở xử lý chất thải có chức năng xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm. Bên cạnh đó là hệ thống các cơ sở xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm cơ sở y tế đủ năng lực xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm liên quan đến dịch COVID-19.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại TPHCM, lượng chất thải y tế cần xử lý tăng từ mức 40 tấn/ngày lên đến đỉnh điểm là gần 150 tấn/ngày. Các cơ sở xử lý chất thải y tế gặp áp lực rất lớn để thu gom, xử lý rác thải y tế phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung…

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hoài Nam chia sẻ vấn đề lớn nhất của Thành phố trong các đợt dịch vừa qua là xử lý rác thải tại gia đình có người nhiễm COVID-19. Y tế cơ sở đã hướng dẫn kỹ cho người dân phân loại, tuy nhiên, các đơn vị thu gom dân lập lại "trộn chung với rác sinh hoạt". "Khi chưa cung cấp được túi đựng chất thải y tế riêng biệt, chúng ta có thể sử dụng miếng dán màu để phân biệt", ông Nguyễn Hoài Nam đề xuất.

Còn tại TP. Hà Nội, ông Mai Trọng Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội cho biết, Thành phố có 2 cơ sở xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm tập trung với tổng công suất 31 tấn/ngày, đang vận hành ở mức 11-12 tấn/ngày.

Đối với thu gom chất thải lây nhiễm tại gia đình có người nhiễm COVID-19, thành phố giao cho các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án hướng dẫn người dân phân loại chất thải y tế, nhân viên thu gom, vận chuyển…

Rà soát hướng dẫn, hỗ trợ người dân phân loại rác thải y tế

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đánh giá trong tình hình dịch bệnh hiện nay, việc cách ly, điều trị người nhiễm COVID-19 chiếm tỉ lệ rất lớn, vì vậy, cần phải rà soát lại các hướng dẫn, tăng cường tập huấn, hỗ trợ người dân phân loại chất thải lây nhiễm; bổ sung phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải lây nhiễm tại nhà, có kiểm tra, giám sát không để phát tán mầm bệnh ra cộng đồng.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ngay từ đầu dịch, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các bộ, ngành đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm tại các cơ sở y tế, cộng đồng, người dân, cũng như trách nhiệm của địa phương trong tổ chức kế hoạch thực hiện, bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Qua thực tiễn phòng, chống dịch, nhiều kinh nghiệm, bài học đã được rút ra trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm.

Thời gian tới Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần rà soát, đánh giá lại các văn bản, hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm; tổ chức quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, nhất là tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện.

"Chúng ta phải cần sẵn sàng tình huống có dịch bệnh mới trong tương lai hoặc khả năng xuất hiện các đợt dịch mới, các biện pháp y tế, trong đó có xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm phải làm tốt hơn trước", Phó Thủ tướng nói.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang