Sửa đổi Luật Dầu khí - để hợp đồng dầu khí tăng tính khả thi và phù hợp thực tiễn

author 18:35 29/09/2022

(VietQ.vn) - Trong sửa đổi Luật Dầu khí, hợp đồng dầu khí là một nội dung quan trọng nhận được sự quan tâm rất lớn của cơ quan quản lý, nhà làm luật, các chuyên gia, doanh nghiệp. Bởi đây là văn bản pháp lý quan trọng gắn liền với quá trình triển khai các hoạt động dầu khí.

Đến nay, Dự thảo Luật đã tiếp thu, sửa đổi nhiều vấn đề trong Hợp đồng dầu khí, nhận được sự đồng thuận cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục xem xét, chỉnh lý để Dự thảo Luật tăng tính khả thi, đi vào cuộc sống và không tạo ra những rào cản mới.

Vì sao cần có Hợp đồng dầu khí bằng tiếng Anh?

Từ khi Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến góp ý, chỉnh sửa đã có rất nhiều ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp xoay quanh ngôn ngữ trong hợp đồng dầu khí. Tuy nhiên, đến nay Dự thảo Luật đang được lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội vẫn chưa thấy có tiếp thu, sửa đổi.

Cụ thể, theo Khoản 1, Điều 34 Dự thảo Luật hiện vẫn đang quy định ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng dầu khí là tiếng Việt trong trường hợp tại thời điểm ký Hợp đồng dầu khí mà nhà thầu được lựa chọn là nhà thầu Việt Nam. Điều này được giải thích rằng, chúng ta sẵn sàng sử dụng hai ngôn ngữ trong trường hợp Hợp đồng được ký kết với nhà thầu nước ngoài ở Khoản 2 điều này. Tuy nhiên, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, quy định ngôn ngữ trong Hợp đồng dầu khí vẫn chưa phù hợp.

Ông Nguyễn Minh - Trưởng ban pháp lý và thương mại Eni Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài muốn có hai ngôn ngữ khi ký kết Hợp đồng dầu khí. Bởi nếu Hợp đồng dầu khí giữa hai công ty Việt Nam ký kết với nhau là ngôn ngữ tiếng Việt nhưng đến khi công ty nước ngoài muốn tham gia vào thì lúc đó phải chỉnh sửa lại rất khó khăn. Còn nếu công ty nước ngoài muốn tham gia vào Hợp đồng dầu khí mà hợp đồng chỉ có ngôn ngữ tiếng Việt, hoặc được dịch sang tiếng Anh mà không được các bên ký thì họ rất lo ngại.

Ông Nguyễn Minh- Trưởng ban pháp lý và thương mại Eni Việt Nam cho ý kiến về ngôn ngữ trong hợp đồng dầu khí tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi do Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức tại TP.HCM ngày 3/8/2022

 

Đồng quan điểm trên, ông Vương Minh Đức- Giám đốc Kỹ thuật và An toàn sức khỏe môi trường, Công ty TNHH Thăm dò và Khai thác Dầu khí ExxonMobil Vietnam và ông Đỗ Ngọc Thanh- Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dầu khí Việt Nhật cũng cho rằng, hoạt động của ngành Dầu khí trên thế giới xoay quanh ngôn ngữ tiếng Anh. Trong đó, có rất nhiều từ ngữ chuyên ngành có thể sẽ không thể giải nghĩa một cách chính xác trong tiếng Việt. Hợp đồng dầu khí được ký kết ngay từ ban đầu bằng tiếng Anh là rất cần thiết, điều này cũng trở thành thông lệ quốc tế, là một điểm tạo thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài, nếu không thì đây sẽ trở thành một rào cản mới trong thu hút đầu tư.

Thực tế, đặc thù của hoạt động dầu khí là mang tính quốc tế cao. Ngành Dầu khí nước ta vẫn sử dụng ngôn ngữ trong Hợp đồng dầu khí bằng tiếng Việt và tiếng Anh; điều đó không có vướng mắc, khó khăn gì. Vì vậy, đây không phải là một điểm cần phải sửa đổi trong Luật Dầu khí. Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) quy định như trên có thể coi là điểm đi lùi trong cơ chế chính sách đối với hoạt động dầu khí. Điều này không phù hợp với việc xây dựng hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống pháp luật về dầu khí nói riêng, không cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực này.

Do đó, để phù hợp đặc điểm của hoạt động dầu khí là hoạt động mang tính chuyên ngành và mang tính quốc tế cao, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà thầu dầu khí tiềm năng tiếp cận với Hợp đồng dầu khí hiện hữu thì tại thời điểm ký kết Hợp đồng dầu khí nên được ký kết bằng tiếng nước ngoài thông dụng (thường là tiếng Anh) ngay từ thời điểm ký kết hợp đồng mà không phụ thuộc vào quốc tịch của nhà thầu tại thời điểm ký hợp đồng.

Tránh chồng chéo, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn

Bên cạnh đó, nhằm giải quyết xung đột, chồng chéo trong quá trình áp dụng Luật Dầu khí với Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật QLSDVNN), việc bổ sung quy định tại Điều 36 Dự thảo luật về quy trình thực hiện chuyển nhượng quyền lợi tham gia trong trường hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam)/doanh nghiệp 100% vốn của Petrovietnam là Bên chuyển nhượng sẽ được thực hiện theo Luật Dầu khí là rất cần thiết.

Bởi thực tế triển khai việc chuyển nhượng này cho thấy, việc quy định nội dung này vào Luật QLSDVNN là không phù hợp vì đặc điểm của “tài sản dầu khí” chào bán là khác biệt nên việc phải tổ chức chào hàng cạnh tranh dựa trên kết quả thẩm định của một tổ chức độc lập về giá trị khởi điểm của tài sản là không khả thi và phù hợp. Thứ nhất, không có tổ chức nào có thể định giá được tài sản dầu khí này. Thứ hai, việc thuê các tổ chức thẩm định giá trị tài sản chào bán và tổ chức chào hàng cạnh tranh sẽ khó tránh khỏi việc không đảm bảo các yếu tố về quốc phòng, an ninh.

Hoạt động Dầu khí trên biển ngoài vấn đề kinh tế, còn gắn với an ninh, quốc phòng. 

Ngoài ra, với quy định liên quan đến quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong hoạt động dầu khí (quản lý vốn của Petrovietnam và doanh nghiệp 100% vốn của Petrovietnam trong thực hiện đầu tư các dự án dầu khí), thì dự thảo Luật (Điều 63 và Điều 66) chỉ có quy định thẩm quyền của Hội đồng thành viên (HĐTV) và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) liên quan đến việc sử dụng vốn của Petrovietnam và Công ty 100% vốn của Petrovietnam tham gia các dự án/hoạt động dầu khí.

Cụ thể, giao toàn bộ việc phê duyệt sử dụng vốn của Petrovietnam và doanh nghiệp 100% vốn của Petrovietnam cho HĐTV Tập đoàn này (Điều 63 Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi); và trách nhiệm (thẩm quyền) của UBQLVNN chỉ gửi ý kiến về việc sử dụng vốn của Petrovietnam để Bộ Công Thương xem xét thẩm định (Điều 66 Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi).

Quy định trên không rõ về trình tự, thủ tục, hồ sơ để HĐTV Petrovietnam phê duyệt trong trường hợp Petrovietnam/DN 100% vốn của Petrovietnam thực hiện hoạt động dầu khí theo các giai đoạn của Hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) và dự án dầu khí; và không quy định rõ về các bước, trình tự để UBQLVNN tham gia ý kiến về việc sử dụng vốn của Petrovietnam tại các dự án, hoạt động dầu khí.

Cụ thể, nếu trong trường hợp UBQLVNN có ý kiến “không đồng ý” hoặc “việc sử dụng vốn của Petrovietnam cần xem xét lại” thì Bộ Công Thương có thẩm định và quyết định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được không? Thêm nữa, khi triển khai dự án dầu khí có sự tham gia của Petrovietnam và DN 100% vốn của Petrovietnam thì Petrovietnam vẫn phải đồng thời thực hiện 2 quy trình.

Cụ thể: các hồ sơ trình phê duyệt kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí (ODP), kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí (EDP), kế hoạch phát triển mỏ dầu khí (FDP) theo Luật Dầu khí; các hồ sơ trình UBQLVNN về việc phê duyệt phương án vốn cho việc triển khai ODP/EDP/FDP.

Sau khi đã có sự chấp thuận của cả cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí và UBQLVNN, Petrovietnam thực hiện phê duyệt riêng và hệ quả của việc này là quá trình trình và phê duyệt sẽ bị kéo dài và chồng chéo. Đây cũng chính là vấn đề vướng mắc hiện nay chưa giải quyết được.   

TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam đánh giá cao Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) và kỳ vọng những vướng mắc còn tồn tại sẽ tiếp tục được chỉnh lý trong Dự thảo hoặc trong Thông tư hướng dẫn thi hành Luật; cũng như mong muốn Luật Dầu khí sửa đổi với những điểm mới, tiến bộ sẽ sớm được thông qua và thực thi, đáp ứng kỳ vọng của của Đảng, nhà nước, xã hội và doanh nghiệp.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang