Ứng dụng và đổi mới công nghệ là nhiệm vụ bắt buộc với doanh nghiệp

author 07:44 26/03/2015

(VietQ.vn) - Để hàng Việt cạnh tranh tốt hơn trên sân nhà và xuất khẩu, các doanh nghiệp đã tự nhận thấy phải cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất, hiệu quả thiết bị.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Theo Sở KH&CN TP. HCM, những năm gần đây, TP này là địa phương tiên phong thực hiện chương trình tái cấu trúc doanh nghiệp. Tại Hội nghị “Kết nối nhà tư vấn - DN thực hiện tái cấu trúc” do Sở KH-CN TPHCM tổ chức, đại diện các doanh nghiệp nói rằng, nếu không sớm thực hiện tái cấu trúc, hàng Việt có khả năng sẽ thua ngay trên sân nhà. 

Theo ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM đánh giá, mặc dù việc đẩy mạnh ứng dụng KH-CN vào sản xuất của các DN TPHCM đã đạt được nhiều kết quả, nhưng trên thực tế, số DN tham gia chương trình còn ít. Một số DN nhà nước còn làm theo cách đối phó, bản thân lãnh đạo doanh nghiệp cũng chưa thực sự quan tâm đến tái cấu trúc. 

Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp công nghệ-Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ về công tác ươm tạo doanh nghiệp

Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp công nghệ-Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ về công tác ươm tạo doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Bà Huỳnh Thị Thu Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty In An Lạc cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đã đi chậm hơn các nước trong đổi mới, quản trị sản xuất. Như trong lĩnh vực in, cách đây 20 năm để ra một sản phẩm có đến hàng chục khâu. Nhưng nay chỉ qua 2 công đoạn đã ra 1 sản phẩm in. Hiện mỗi tháng xử lý 1.000 đơn hàng, ngắn thì 2 ngày, dài thì 2 tuần. Chưa kể, các đơn hàng yêu cầu ngày càng khắt khe về thời gian giao hàng, tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng cao hơn…

"Nếu không đổi mới công nghệ, tái cấu trúc toàn diện, DN sẽ không thể đáp ứng kịp yêu cầu của khách hàng. Dĩ nhiên, khi bạn đứng lại hoặc thụt lùi, sẽ vấp phải sự cạnh tranh, vượt lên của các DN khác", bà Hằng cho biết.

Theo bà Hoàng Tố Như, Phó phòng Sở hữu trí tuệ, thuộc Sở KH-CN TP.HCM, muốn tái cấu trúc, cổ phần hóa, DN phải thẩm định đúng giá trị tài sản, nhất là tài sản trí tuệ (hay còn gọi tài sản vô hình). Trên thực tế, DN chuyển giao nhiều công nghệ nước ngoài. Nhưng ngặt nỗi, đơn vị chuyển giao lại không phải là chủ sở hữu công nghệ. Từ đó, gây lằng nhằng trong thẩm định sở hữu trí tuệ.

Ứng dụng và đổi mới công nghệ là nhiệm vụ bắt buộc với doanh nghiệp

Ứng dụng và đổi mới công nghệ là nhiệm vụ bắt buộc với doanh nghiệp để cạnh tranh thành công. Ảnh minh họa

“Khi DN tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình kinh doanh, các loại văn bằng chứng nhận sở hữu tài sản trí tuệ có thể sẽ mất đi nếu chúng ta không rà soát và xác lập lại quyền. DN thường hay quên vấn đề này”, bà Như nói.

Thống kê cho thấy, từ những năm 2008 - 2013, “Chương trình chế tạo thiết bị sản phẩm thay thế nhập khẩu” của UBND TPHCM đã có sức lan tỏa rất lớn, 13 DN đã tham gia đầu tư 64,9 tỷ đồng chế tạo thiết bị, sản phẩm thay thế nhập khẩu; 100% đề tài, dự án của chương trình đều có địa chỉ ứng dụng tại DN; trong đó 82,7% dự án thực hiện thuộc các ngành ưu tiên của thành phố, như cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược, nhựa - cao su... Bên cạnh đó, chương trình chế tạo robot đã từng bước giúp DN tiếp cận khoa học công nghệ trong các lĩnh vực điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin nhằm tiến tới làm chủ công nghệ tự động hóa trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ... 

Hồng Anh


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang