Xây dựng hệ thống phấn phối thực phẩm an toàn phù hợp với yêu cầu thực tế

author 19:50 08/12/2022

(VietQ.vn) - Tiêu dùng thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn đang là nhu cầu thiết yếu của mỗi người dân, từ đó việc đề ra chính sách xây dựng hệ thống phấn phối thực phẩm an toàn là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế.

Hiện nay, vấn đề tiêu dùng thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn là nhu cầu thiết yếu của mỗi người dân, từ đó việc đề ra chính sách xây dựng hệ thống phấn phối thực phẩm an toàn là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế.

Tuy nhiên, để chính sách gắn với thực tiễn, phát huy được sự linh hoạt trong triển khai của các hệ thống phân phối, từ đó nhân rộng mô hình, cần có sự hỗ trợ hơn nữa từ các bên liên quan để ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương. 

Trao đổi về vấn đề trên, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, trên thị trường đang có những chuỗi siêu thị quản lý an toàn thực phẩm rất tốt, các cửa hàng tiện lợi sử dụng thiết bị bảo quản được thực phẩm ở nhiệt độ và độ ẩm đúng chuẩn của bảo quản an toàn thực phẩm. 

Dù vậy, chúng ta còn rất thiếu vốn để nhân rộng mô hình như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh hay các tổng kho thực phẩm. Mặt khác, các mối liên kết trong xây dựng chuỗi giá trị về nông sản thực phẩm an toàn hiện nay còn rất lỏng lẻo và khó khăn. Để hình thành và kết nối được chuỗi sản xuất - phân phối cùng những dịch vụ hỗ trợ tài chính, logistics, chứng nhận chất lượng, kiểm tra kiểm soát thị trường tại nhiều nơi vẫn còn gặp khó khăn nhất định.

“Ở những địa phương vùng sâu, vùng xa điều kiện kinh tế còn hạn chế nên chưa đủ đáp ứng cho việc xây dựng chuỗi phân phối thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, những yếu tố chủ quan khác như trình độ quản lý nhà nước hay kiến thức của khối cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng hộ sản xuất kinh doanh nơi này nơi kia vẫn còn hạn chế sẽ rất khó tạo dựng chuỗi kinh doanh thực phẩm an toàn đồng bộ”, bà Nga chia sẻ.

Điều quan trọng nhất khi đã có sản phẩm an toàn, đảm bảo dinh dưỡng là làm sao để cho người dân có cơ hội  tiếp cận với sản phẩm. Ảnh minh họa.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Masan MaetLife cho rằng, điều quan trọng nhất của việc khi đã có sản phẩm an toàn, đảm bảo dinh dưỡng là làm sao để cho người dân có cơ hội tiếp xúc, tiếp cận với sản phẩm.

“Việc phát triển hệ thống phân phối là vô cùng quan trọng, chuỗi phát triển ngoài việc đầu tư của doanh nghiệp vẫn cần nhất là nhận thức của người tiêu dùng. Trong khi vẫn có 97% lượng thịt, thực phẩm vẫn lưu thông ở chợ truyền thống sẽ cần nhiều hơn những chương trình quảng bá để người dân hiểu được thế nào là 1 miếng thịt thực sự tươi ngon, là miếng thịt thực sự đảm bảo an toàn.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước khuyến cáo, để có khả năng tham gia chuỗi kinh doanh thực phẩm an toàn, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cần sự phối hợp của Bộ NN&PTNT, doanh nghiệp chế biến sản phẩm nông sản và sự vào cuộc chính quyền địa phương như Hội Nông dân, Ủy ban MTTQ và đặc biệt phải có có sự tham gia giám sát của cộng đồng.

“Doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc kết nối với cơ quan quản lý nhà nước, hiến kế những điều kiện kinh doanh phù hợp, cơ sở để xây dựng tốt nhất mạng lưới kinh doanh thực phẩm an toàn để đóng góp vào phát triển kinh tế. Thực tế này cũng là dịp để các Bộ, ngành ban hành cơ chế chính sách phù hợp, cập nhật nhất cho phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn đối với từng giai đoạn phát triển”, bà Lê Việt Nga nhấn mạnh.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang