Xuất khẩu chính ngạch: Thông tin minh bạch, chất lượng đảm bảo

author 09:14 15/03/2022

(VietQ.vn) - Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp lớn của Trung Quốc cũng hướng đến nhập hàng theo hình thức chính ngạch vì khi đó, mọi vấn đề trong thương mại sẽ được minh bạch; chất lượng sản phẩm được cam kết và bảo đảm chắc chắn.

 Việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch cần có sự kiên trì, không thể nóng vội, nhưng phải biết “nóng ruột” để sẵn lòng và sẵn sàng chuyển đổi. Ảnh minh họa.

Trung Quốc ngày càng tiêu chuẩn hóa hàng nhập khẩu

Thời gian qua, Trung Quốc đã tích cực chuẩn bị để chuyển đổi hình thức nhập khẩu nông sản từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Thị trường này cũng ngày càng chuẩn hóa tiêu chuẩn hàng nhập khẩu thông qua nhiều quy định, điều kiện mới. 

Đại diện một doanh nghiệp cho biết, năm 2020, xuất khẩu quả chanh leo sang Trung Quốc theo hình thức tiểu ngạch chiếm 75%, nhưng đến năm 2021 chỉ còn 25%. Cùng với việc gia tăng xuất khẩu chính ngạch là sự tăng trưởng các sản phẩm chế biến, nhờ đó giá chanh leo đã đạt 20.000 đồng/kg, so với trước đây chỉ từ 7.000-8.000 đồng/kg. Đây là ví dụ cụ thể cho thấy giá trị lớn của việc chuyển đổi cách thức xuất khẩu. Ngoài ra, hiện nay hầu hết doanh nghiệp lớn của Trung Quốc cũng chỉ thích nhập hàng theo hình thức chính ngạch vì khi đó, mọi vấn đề trong thương mại sẽ được minh bạch; chất lượng sản phẩm cũng được cam kết và bảo đảm chắc chắn.

Mặc dù Việt Nam có nhiều sản phẩm thị trường Trung Quốc có nhu cầu cao, nhưng để xuất khẩu được đòi hỏi doanh nghiệp phải kiện toàn cách kinh doanh, đáp ứng điều kiện nhập khẩu. Nhiều sản phẩm như: chuối, xoài, dứa, chanh leo… đều còn rất nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu ở Trung Quốc, nhưng phải thực hiện đúng quy trình từ trồng, thu hoạch đến cách thức xuất khẩu. Nếu xuất khẩu tươi khó thì phải nhanh chóng chuyển sang chế biến.

“Nóng ruột” để sẵn sàng chuyển đổi

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch cần có sự kiên trì, không thể nóng vội, nhưng phải biết “nóng ruột” để sẵn lòng và sẵn sàng chuyển đổi. Từ đó, có lộ trình tổ chức lại sản xuất, thị trường, ngành hàng và cả hiệp hội ngành hàng. Mục đích là chuẩn hóa được vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nắm bắt được thông tin thị trường để đưa sản phẩm vào xuất khẩu chính ngạch.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi hình thức xuất khẩu này cũng đặt ra nhiều thách thức. Bởi, thời gian vừa qua, đối với thị trường Trung Quốc, chúng ta vẫn sản xuất để xuất khẩu tiểu ngạch là chủ yếu, chứ chưa phải sản xuất để xuất khẩu chính ngạch. Do vậy, cần chuẩn hóa tiêu chuẩn, điều kiện từ đầu cung đến đầu cầu, từ tổ chức sản xuất đến mở rộng thị trường.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản. 

Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cũng cho rằng: Trung Quốc sẽ tiếp tục thay đổi linh hoạt các chính sách quản lý hoạt động biên mậu tùy theo từng thời điểm với mục đích hạn chế và duy trì lượng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam theo hướng có lợi nhất. Chẳng hạn như Trung Quốc chỉ định hoặc cấp phép nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc chỉ thông quan một loại hàng hóa tại một cửa khẩu... Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam bị động, chịu rủi ro cao.

Mặt khác, hiện Trung Quốc ngày càng giám sát chặt chẽ các mặt hàng không được phép xuất khẩu chính ngạch. Thời gian qua, một số mặt hàng như sầu riêng, chanh leo… vẫn xuất qua đường mòn, lối mở theo phương thức trao đổi cư dân biên giới, nhưng nay cũng khó có thể xuất vào Trung Quốc.

Ngay cả việc chuyển đổi xuất khẩu sang phương thức đường biển, đường sắt cũng không thể làm với tất cả lượng hàng hóa tồn ở cửa khẩu như thời gian vừa qua. Do đó, cần có quyết tâm thống nhất từ địa phương, người sản xuất đến doanh nghiệp trong việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang